Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ngành y tế chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt

09:06, 19/09/2011
Những ngày qua do ảnh hưởng của mưa to, nước ở thượng nguồn đổ về lớn, một số xã thuộc các huyện miền núi vùng cao và các vùng ven sông, nằm ngoài đê ở các huyện đồng bằng đã bị ngập lụt nặng nề. Vì vậy, ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở những vùng này là rất cao. Trước tình hình đó, ngành y tế Nghệ An đã tập trung tối đa nhân lực, phương tiện và thuốc men cho

 

Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Hưng Nguyên có 6 xã ven đê Tả Lam với 1200 hộ của 20 xóm đã bị ngập nặng. Trong đó, xã Hưng Lĩnh có tới 4 xóm với gần 500 hộ dân nằm ngoài đê bị ngập từ 0,5 đến 3m. Hiện nay, nước đã rút gần hết, chỉ còn lấp xấp, lầy lội trên đường làng. Gặp chúng tôi ngay từ đầu xóm, anh Hoàng Nghĩa Tùng người dân xóm 2 cho biết: hôm nay còn đi lại dễ dàng. Nếu chỉ cách 2 ngày trước đây thôi, muốn vào làng, quãng đường từ chân đê chỉ dài khoảng 200 mét nhưng phải mất gần 30 phút đi thuyền máy. Trong khi ngày bình thường để vào làng cũng quãng đường đó nếu đi xe máy chỉ mất độ khoảng hai đến ba phút. Ngay sau khi hết mưa, ngành y tế đã cử đoàn cán bộ y tế dự phòng đến tận địa bàn này để kiểm tra môi trường và giúp dân thau rửa nguồn nước sinh hoạt.

 

Đến nay, nước lụt trên địa bàn các xóm bị ngập ở Hưng Nguyên đã cơ bản rút hết. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại trong thời điểm hiện nay đó là hầu hết nguồn nước  sinh hoạt trên địa bàn các xã vùng lụt đều đã bị ảnh hưởng. Do chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nên hầu hết các hộ ở đây chăn nuôi ít nhất cũng từ 1-2 con trâu, bò để phục vụ việc cày kéo. Khi nước lũ tràn về gây ngập lụt thì nguồn phân gia súc theo nước lũ hòa tan ra khắp nơi, người dân nhất là trẻ em ở những vùng này đang phải đi lại, ăn uống, tắm giặt trong nguồn nước ô nhiễm. Chính vì thế, nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ, bệnh ngoài da như ghẻ, ngứa, nước ăn chân và tiêu chảy...  Bác sĩ Hồ Thanh Lâm- Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên cho biết: Hưng nguyên là huyện nằm ven sông, năm nào cũng bị ngập lụt nên công tác phòng chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu đối với ngành y tế. Trung tâm đã cấp đủ cơ số thuốc và hoá chất cho các trạm y tế, đồng thời chỉ đạo và giám sát việc tẩy uế nguồn nước và môi trường ở các vùng bị ngập lụt.

 

Để giúp người dân vùng ngập lụt có nguồn sạch để sinh hoạt, ngành y tế đã cấp  đầy đủ cơ số hoá chất, phèn chua, Cloramin B để khử khuẩn nguồn nước cũng như thuốc men cho Trạm y tế các xã. Bên cạnh đó, thường xuyên cử cán bộ xuống tận từng nhà dân để hướng dẫn, giúp dân cách xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh. Bác sĩ Trần Nguyên Truyền - Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An khẳng định: Tỉnh luôn sẵn sàng hoá chất và thuốc men cấp cho các vùng bị lũ lụt. Việc quan trọng là chỉ đạo cán bộ y tế cơ sở bám sát dân để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Mặc dù chưa có địa phương nào xảy ra dịch,nhưng không thể chủ quan, bởi sau lũ môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát triển và lây lan nhanh.

 

Hiện nay, thời tiết đang diễn biến phức tạp, trời nắng nóng và oi bức, trong khi  nước vẫn chưa rút hết, một số nơi bùn đất vẫn còn lầy lội. Đây chính là điều kiện thuận lợi phát sinh các loại dịch bệnh. Vì vậy, cùng với ngành y tế, chính quyền các địa phương và người dân cũng phải cần tích cực và có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng chống dịch bệnh cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

(Hiến Chương)