Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nỗi lo mang tên "viện phí"

14:47, 21/09/2011
Một trong những vấn đề nóng được đông đảo dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây đó là việc Bộ y tế thông báo sẽ điều chỉnh tăng viện phí. Việc tăng giá viện phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân, nhất là các hộ nghèo. Vậy, lần này Bộ y tế có những điều chỉnh tăng giá viện phí như thế nào, và liệu rằng khi tăng viện phí thì các hộ nghèo có

 

Đã 3 tháng nay, anh Nguyễn Việt Anh ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ đưa bố là ông Nguyễn Đình Chiến đi khắp các bệnh viện từ tuyến Trung Ương đến địa phương để điều trị căn bệnh u gan ác tính. Nhờ có ông Chiến có thẻ BHYT nên gia đình anh đỡ đi phần nào chi phí khám chữa bệnh. Thế nhưng, anh cũng đã phải bỏ thêm 70 triệu đồng để trả thêm một số chi phí khác. Hiện bố anh vẫn đang phải điều trị dài ngày tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Các khoản chi phí dự kiến sẽ còn tăng lên rất nhiều, vì vậy, khi được biết thông tin Bộ y tế sẽ điều chỉnh tăng giá viện phí, anh không khỏi lo ngại vì đã vay 30 triệu đồng với lãi suất cao để trả tiền điều trị cho bố. Theo anh, việc viện phí tăng theo tôi cũng là tất yếu, song phải làm sao hợp lý cho từng đối tượng.

 

  

Tăng viện phí sẽ làm cho người nghèo khó tiếp cận được  các dịch vụ y tế kỹ thuật cao

 

 

Đối với các bệnh viện công lập, việc Bộ Y tế điều chỉnh tăng giá 350 dịch vụ trong lĩnh vực khám - chữa bệnh lần này là hợp lý. Đơn cử như bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu. Hiện bệnh viện nhận khám chữa bệnh ban đầu cho 20/29 xã trong toàn huyện, quản lý 105.000 đối tượng có thẻ KCB. Mặc dù bệnh viện lúc nào cũng ở trong tình trạng quá tải, có ngày có đến 700 bệnh nhân tới khám, 1 bác sỹ phải khám cho 80 bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, mức giá khám chữa bệnh chỉ được thu 500- 3.000 đồng/lần khám. Chi phí này không đủ để mua găng tay, khẩu trang kể cả nhiều chi phí trực tiếp khác như vật tư, điện, nước, dụng cụ.

 

Theo bảng giá 350 dịch vụ Bộ Y tế đề xuất tăng giá trong lần này, có những dịch vụ chỉ tăng 1 – 2 lần nhưng cũng có những dịch vụ tăng lên 180 lần. Ví như dịch vụ sinh thiết tủy xương giá từ 10.000-30.000 đồng, dự kiến tăng lên 1,8-2 triệu đồng. Hay như với cắt amidan, trước đây chỉ 20.000 - 40.000 đồng, do kỹ thuật đơn giản dễ có khả năng gây tai biến cho bệnh nhân. Còn hiện nay hầu hết bệnh viện phải sử dụng kỹ thuật gây mê với tổng chi phí khoảng 600.000 – 700.000 đồng/ca, chỉ tính riêng tiền thuốc mê đã khoảng 300.000 đồng/ca, ngoài ra còn tiền bông, băng, thuốc sát trùng, kháng sinh... và các chi phí vật tư tiêu hao trực tiếp khác thì tổng chi phí trực tiếp khoảng 600.000 – 700.000 đồng/ca. Vì vậy, theo ngành y tế, việc điều chỉnh tăng viện phí như hiện nay là điều tất yếu.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói đó là, việc tăng viện phí tất nhiên sẽ ảnh hưởng trước nhất đến những người không tham gia bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh hiện nay mới chỉ có 2 triệu người chiếm 69,4% dân số tham gia BHYT, vậy 30,6% dân cư còn lại chưa có thẻ sẽ phải tự chi trả cho khoản tăng này. Trong khi đó, đây chính là nhóm có thu nhập thấp và không ổn định. Riêng với mức đóng của hộ cận nghèo, mặc dù đã có hỗ trợ của Nhà nước và dự án Bắc Trung Bộ tới 80-90% /mệnh giá thẻ, nhưng toàn tỉnh cũng chỉ có gần 40% đối tượng cận nghèo mua bảo hiểm. Vậy, nếu phí mua BHYT phải tăng lên 500.000 đồng/năm thì họ có còn ý định tham gia nữa không? Hơn thế nữa, khi tăng viện phí thì các hộ nghèo liệu có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao? Nhiều bác sỹ cho rằng tăng nhưng cần lưu ý đến đối tượng người nghèo và tăng có lộ trình chứ không nên tăng đột biến.

 

Đối với cơ quan BHXH tỉnh, việc tăng viện phí lần này cần phải xem xét đến thực  tế của địa phương để tránh tình trạng bội chi quỹ BHYT.

 

Điều mà đa số người dân quan tâm hiện nay đó là B y tế vẫn không dám hứa khi tăng viện phí, thì người bệnh thoát cảnh nằm ghép 3-4 người/giường, giảm tải bệnh viện hay nâng cao y đức của người thầy thuốc Câu hỏi được đặt ra ở đây, viện phí tăng nhưng ngành y tế có đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là những đối tượng KCB theo BHYT liệu có được tăng theo? Người dân, nhất là người nghèo vốn dĩ đã khó khăn bởi luôn phải  chạy vạy lo từng bữa ăn. Nếu không may mắn bị bệnh tật phải nằm viện điều trị thì khó khăn lại càng chồng chất khó khăn. Vì vậy, việc tăng viện phí đang là nỗi lo lắng của người dân hiện nay.


(Hiến Chương)