Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Báo động tình trạng người lao động bị ngược đãi tại các cơ sở làm việc tư nhân

16:41, 07/06/2018

Thời gian qua, nhiều người dân của huyện miền núi Kỳ Sơn rời bỏ bản làng, đi làm ăn xa và nhiều nhất là tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên một thực trạng đáng báo động, nhiều lao động bị chủ các cơ sở tư nhân ngược đãi, bạo hành, ép làm việc nặng nhọc.

Em L.Đ, sinh năm 2002, trú tại bản Lăn, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn là một trong những nạn nhân bị ngược đãi, bóc lột sức lao động. Theo chia sẻ của Đức, vì muốn đi làm kiếm tiền để phụ giúp, đỡ đần cha mẹ, đợt cuối tháng 3 vừa qua em nghe theo lời mời của một người dân trong xã vào Kon Tum làm thuê cho một cơ sở khai thác thông. Công việc hàng ngày của em là chặt cây thông và bốc xếp gỗ lên xe. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu công việc diễn ra đúng như lúc giới thiệu, nhưng thực tế, mọi người bắt đầu công việc từ 4h30 sáng kéo dài đến gần 19h mới được về lán nghỉ, ai phản đối sẽ bị chủ đánh đập không thương tiếc. “Em nhỏ tuổi, sức yếu ko làm được việc nặng, lại bị đánh đập em không chịu được nên đã trốn về” – Em L.Đ bộc bạch.

a
Em L.Đ - nạn nhân bị lừa đi lao động phải bỏ trốn vì sự ngược đãi của chủ cơ sở tư nhân.

Tương tự, trường hợp 3 anh, chị em cùng trong một gia đình gồm: V.P, V.N và V.T trú tại bản Lăn, xã Chiêu Lưu đi lao động chui cũng vừa trở về địa phương. Lao động vất vả từ sáng đến tối, nhưng ăn uống không đầy đủ, lại thường xuyên bị gia chủ đánh đập, nên chỉ sau 1 tuần làm việc, cả 3 anh em cùng 9 lao động khác ở huyện Kỳ Sơn đã liều mình trốn khỏi nơi làm việc.

Chị V.T – một trong những lao động bị ngược đãi chua xót kể: “Cả nhóm chúng em cùng đi một chuyến nhưng đến nơi bị chia 2 chỗ làm việc khác nhau. Lúc đầu, người giới thiệu việc làm nói nhặt điều với mức giá 5.000 đồng/1kg, nhưng thực tế chúng em phải làm công việc chặt thông, bốc vác thông. Chúng em chống cự bị đánh đập, có ngày em bị đánh 2 lần và còn bị xâm hại tình dục”.

a
Không chỉ bị bóc lột sức lao động, nhiều lao động nữ còn phải đối mặt với xâm hại tình dục.

Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, năm 2017 và quý 1 năm 2018, trên địa bàn huyện có gần 700 người đi lao động ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tuy nhiên trên thực tế số lao động vượt so với con số thống kê.

Ông Vi Quý Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết thêm: “Theo thống kê không đầy đủ, xã Chiêu Lưu hiện có khoảng 200 người bỏ đi làm ăn xa, nhưng thực tế con số đó cao hơn nhiều. Đặc biệt vụ việc 12 người dân ở bản Lăn đi lao động chui bị chủ đánh đập mới đây đã gióng lên hồi chuông báo động. Người lao động phải tìm đến những cơ sở uy tín để tìm việc và phải khai báo với chính quyền địa phương để được chứng nhận. Hiện chính quyền đã tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ các nạn nhân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền,vận động để phòng tránh rủi ro cho người lao động”.

Không chỉ mang nhiều rủi ro, hệ lụy cho người lao động, tình trạng lao động chui còn gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý cho địa phương, nhất là khi xảy ra tai nạn, rủi ro. Thiết nghĩ, về lâu dài, ngành chức năng các cấp cần nâng quan tâm tạo việc làm cho người lao động, nhất là khu vực vùng nông thôn, miền núi, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống./.

Hồng Thoa - Đài TTTH Kỳ Sơn