Đuối nước ở trẻ em mỗi dịp hè: Đừng để nỗi đau luôn hiện hữu
"Đuối nước" – hai từ này thực sự là nỗi ám ảnh trong mỗi dịp hè với bất kỳ gia đình nào, đặc biệt là những gia đình có con đang ở lứa tuổi học sinh. Những con số thống kê đầy thương tâm dường như vẫn chưa đủ sức nặng để cảnh báo. Nguy cơ này vẫn chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc, gốc vấn đề chưa được đề cập thì tính mạng con trẻ vẫn luôn bị rình rập.
Chỉ cần gõ cụm từ “đuối nước ở Nghệ An”, công cụ tìm kiếm Google đã hiển thị hàng loạt vụ việc thương tâm. Hơn 1 tháng trở lại đây đã có 6 trường hợp tử vong do đuối nước, chủ yếu là các em học sinh. Điều đáng nói, so với các năm trước, những con số đáng báo động này không hề suy giảm. Tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu các nhóm học sinh vẫn chọn hồ đập làm điểm đến để vui chơi, liên hoan chia tay cuối năm mà không xin phép nhà trường cũng như gia đình.
Học sinh vô tư đến những điểm hồ đập để chơi dịp nghỉ hè dù đã có cảnh báo nguy hiểm. |
Chia sẻ của em Nguyễn Thị Trúc Linh - Học sinh lớp 12, Trường THPT Nghi Lộc 2: “Gia đình và nhà trường không biết kế hoạch đến hồ chơi của lớp. Chúng cháu nghĩ rằng bản thân học lớp 12 đủ năng lực, hành vi để giữ an toàn”.
Thời gian nghỉ hè là thời gian trải nghiệm thực tế đối với trẻ em, học sinh, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn. Thiếu sân chơi cộng với thời tiết nắng nóng dễ dẫn các em đến với sông hồ và nguy cơ đuối nước luôn rình rập ở đây. Đập Khe Gỗ, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc còn được người dân địa phương gọi là hồ “tử thần” khi đã lấy đi nhiều tính mạng học sinh, trẻ em trong những dịp hè.
Thiếu sân chơi cộng với thời tiết nắng nóng dễ dẫn các em đến với sông hồ và nguy cơ đuối nước luôn rình rập. |
Một người dân xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc cho biết: “Nạn nhân các vụ đuối nước ở đập Khe Gỗ chủ yếu là học sinh. Có thể do các cháu không biết mực nước sâu nên chủ quan”.
Sau 9 tháng được nhà trường quản lý, học sinh an toàn hơn trước tai nạn đuối nước. Vậy tại sao những vụ việc chủ yếu lại xảy ra vào mỗi dịp hè? Đây là câu hỏi mà mỗi phụ huynh và cả nhà trường, các tổ chức có trách nhiệm với các em phải suy nghĩ. Ngoài lý do các bậc bố mẹ vì công việc mà thiếu quản lý con cái thì có một thực tế là: thời gian chính khóa trong chương trình giáo dục đang "bóp nghẹt" những buổi ngoại khóa, trải nghiệm thực tế của học sinh. Điều quan trọng để phòng tránh đuối nước cho học sinh là dạy các em phải biết bơi thì phần lớn các nhà trường chưa thể thực hiện, bởi vậy, các em đang rất thiếu kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
Nỗi lo tai nạn đuối nước mỗi dịp hè về là câu chuyện không mới nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. |
Trao đổi về thực trạng này, anh Ngô Thành Công – Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội huyện Diễn Châu cho biết: “Khó khăn nhất trong công tác phòng chống đuối nước chính là tâm lý chủ quan của phụ huynh. Có thể do bận việc không kiểm soát được con em mình, để các em tự ý đến các hồ, ao, sông, suối để chơi”.
Anh Lê Quang Thắm – một phụ huynh ở xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành chia sẻ thêm: “Môi trường giáo dục đúng ra phải trang bị cho các em kiến thức bảo vệ mình, ít nhất kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước”.
Kỹ năng tự bảo vệ mình của các em không thể hoàn thiện trong thời gian "cấp tốc". |
Những vụ đuối nước thương tâm đã cho thấy: Thực tế khác quá xa với những điều các học sinh được biết. Năm nào cũng vậy, khi được bàn giao chịu trách nhiệm chính đối với trẻ em và học sinh trong mỗi dịp hè, các cấp Đoàn đều không khỏi lo lắng, bởi những hoạt động cấp tốc trong một thời gian ngắn không thể giúp hoàn thiện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình của các em.
Quan điểm của anh Nguyễn Khắc Bằng - Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Thành: “Việc trang bị kiến thức, kỹ năng bơi và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ phải được thực hiện trong quá trình học tập trên ghế nhà trường, không riêng dịp hè”.
Cũng phải thấy rằng, từ nhà trường cho đến xã hội đang thiếu cơ sở hạ tầng để dạy bơi cho học sinh. Đặc biệt ở các huyện lẻ, điều này lại càng ít được quan tâm. Chứng kiến từng đoàn học sinh kéo nhau về trung tâm vui chơi do một cá nhân xây dựng ở huyện Yên Thành để đá bóng, thỏa thích bơi lội mới biết những sân chơi an toàn trong hè là nhu cầu bức thiết như thế nào đối với các em. Những vụ việc đuối nước thương tâm chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều khi có những trung tâm như thế này, dù mô hình này vẫn chưa phổ biến tại các địa phương cấp huyện.
Các trung tâm vui chơi giải trí góp phần tạo nên sân chơi bổ ích, an toàn cho trẻ dịp hè. |
Em Tô Thị Phương Mai – Học sinh huyện Yên Thành bộc bạch: “Chúng cháu rất vui khi được đến trung tâm vui chơi giải trí để chơi, vừa bổ ích, vừa an toàn”.
Chia sẻ của anh Trần Trọng Phong - Chủ Trung tâm vui chơi giải trí Phong Liên, huyện Yên Thành: “Quan điểm của tôi, không chỉ ở Yên Thành màcác huyện lẻ khác nên có cơ chế ủng hộ, tạo điều kiện để xây dựng các điểm vui chơi cho các cháu, vừa đảm bảo an toàn, vừa bổ ích, nhất là trong dịp nghỉ hè”.
Cần có những giải pháp thiết thực mang tính dài hơi để tai nạn đuối nước ở trẻ em mỗi dịp hè không còn là nỗi ám ảnh. |
Bình quân mỗi dịp hè gần đây, Nghệ An có trên dưới 30 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Con số đáng giật mình này tương đương với sỹ số của một lớp học. Từ thực trạng tai nạn đuối nước cho thấy, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ của chúng ta đang quá yếu và quá thiếu thực tế. Đừng để những nỗi đau xé lòng tiếp tục diễn ra!
Xuân Hướng – Trường Ca – Sỹ Đạt