Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tăng tuổi nghỉ hưu: Người lao động nghĩ gì?

20:26, 01/06/2018

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, từ năm 2021, tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ đang tạo sự chú ý của dư luận. Câu chuyện này đang khiến nhiều người lao động băn khoăn lo lắng và có không ít ý kiến trái chiều. Người lao động trực tiếp mong muốn nghỉ đúng tuổi, được giải quyết tốt các chế độ, còn những người làm quản lý, nghiên cứu… lại muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Lâm trường Quế Phong, thuộc Công ty TNHH Lâm - Nông nghiệp một thành viên Sông Hiếu, đơn vị hiện tại quản lý hơn 2.300ha đất lâm trường. Hơn 20 năm gắn bó với rừng, chia sẻ những khó khăn về nghề nghiệp đặc thù, ông Khánh cũng như phần lớn cán bộ, lao động nơi  đây đều cho rằng địa hình rộng, khó khăn trong di chuyển là những trở ngại không hề nhỏ khi đã bước sang tuổi trung niên.

a
Một số ý kiến không ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu do đặc thù công việc.


 Ông Lê Đức Khánh nói với phóng viên: "Qua tuổi 60 đã là tuổi lão rồi, ngành nào thì không biết chứ đặc thù của ngành lâm nghiệp nó rất khác, việc tăng tuổi hưu sẽ khiến cán bộ, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong công tác do những hạn chế về sức khoẻ” -.

Toàn tỉnh có 480 xã, phường, thị trấn cùng với hàng nghìn cán bộ công chức hưởng lương từ Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên có một thực tế, nhiều cán bộ cấp xã tuy đã đạt tiêu chuẩn về trình độ, nhưng do tuổi cao, lại chưa đủ điều kiện nghỉ hưu nên chưa thể bố trí, bổ nhiệm được cán bộ trẻ để thay thế.

Ông Trần Trung Tuyến - Chủ tịch UBND xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn chia sẻ: “Ở góc độ tâm tư nguyện vọng không muốn kéo dài tuổi hưu. Chúng tôi là người trực tiếp chỉ đạo ở cơ sở nên việc tăng tuổi hưu cần quan tâm ở mức độ cấp trên”.

Theo giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mấy chục năm chúng ta chưa thay đổi độ tuổi nghỉ hưu trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bị vỡ nếu số người hưởng lương hưu quá nhiều. Tuy nhiên, nhiều lao động trực tiếp cho rằng, nữ đến 50 tuổi, nam đến 55 tuổi khả năng lao động đã bắt đầu giảm sút. Ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ nên áp dụng với một số đối tượng và phải trên tinh thần tự nguyện là mong muốn của đại đa số người lao động hiện nay.

a
Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện lao động tại Việt Nam so với nước ngoài có sự khác biệt nên việc so sánh độ tuổi nghỉ hưu là chưa phù hợp.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cho biết: “Khi tiếp xúc với người lao động, đặc biệt là công nhân ở các doanh nghiệp nhà máy, điều kiện làm việc chưa thể so sánh với nước ngoài, vì vậy độ tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc, lộ trình tăng tuổi cần phù hợp, đảm bảo điều kiện lao động”.

a
Phần lớn người lao động ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ nên áp dụng với một số đối tượng và phải trên tinh thần tự nguyện.

Có một thực tế dễ nhận thấy, nếu nâng tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp sẽ tăng. Vậy nghỉ ở tuổi nào phải được xây dựng phù hợp với từng điều kiện lao động khác nhau. Lao động quá 60 tuổi vẫn có thể làm việc đã được Bộ Luật lao động 2012 quy định ở Điều 187: Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định./.

Bùi Thọ - Hữu Song - Sỹ Đạt