An toàn giao thông

Từ hôm nay, dân được quyền giám sát trực tiếp CSGT làm việc

10:38, 15/01/2020
Người dân được quyền giám sát CSGT ngoài khu vực đặt cọc tiêu hoặc dây căng nhưng phải đảm bảo cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Hôm nay (15/1), Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định chi tiết về hình thức giám sát CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Giám sát nhưng không cản trở

Thông tư 67/2019 quy định, nhân dân được giám sát Công an nhân dân (CAND) trong việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.

Có 5 hình thức giám sát đối với CSGT là: Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

 
 Người dân được phép ghi âm, quay phim để giám sát CSGT làm nhiệm vụ.

Như vậy, so với Thông tư 54/2009, Thông tư mới bổ sung thêm hình thức giám sát phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định rõ, việc giám sát CSGT phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. Riêng với hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, thì phải ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT).

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh: “Chúng tôi tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát hoạt động của CSGT nhưng cũng nên tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc chứ không thể lấy lý do giám sát để dí điện thoại vào cán bộ đang làm nhiệm vụ, vì như vậy, sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm việc của chúng tôi”.

Giải thích rõ hơn quy định này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, người dân được quyền giám sát CSGT ngoài khu vực đặt cọc tiêu hoặc dây căng nhưng phải đảm bảo cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT. Dây căng là dây có nền màu đỏ, chiều rộng từ 5 - 10cm; trên dây có in dòng chữ “Khu vực bảo đảm trật tự ATGT” màu vàng.

Phòng ngừa sai phạm, tiêu cực

 
 

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết thêm, khi đi làm nhiệm vụ, các tổ công tác CSGT cũng được trang bị camera giám sát đặt trên xe và gắn trên người cán bộ, chiến sỹ. Hình ảnh ghi được từ các camera này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm nên lãnh đạo đơn vị có thể biết được toàn bộ quá trình làm việc của tổ công tác. “Việc trang bị camera sẽ giúp lãnh đạo đơn vị nắm được hoạt động của cán bộ. Nếu phát hiện có chống đối hoặc truy bắt tội phạm cần hỗ trợ lực lượng thì đơn vị sẽ điều thêm cán bộ đến ngay để hỗ trợ. Bên cạnh đó, camera cũng ngăn ngừa cán bộ có vi phạm, tiêu cực”, Cục trưởng CSGT khẳng định.

Thượng tá Nhật thông tin thêm, quy định này cũng thể hiện quyết tâm phòng ngừa sai phạm tiêu cực của lãnh đạo Bộ Công an. Thông qua giám sát, người dân có thể cung cấp thông tin, hình ảnh cho lực lượng CSGT qua Cục CSGT, phòng CSGT các địa phương và các đội, trạm CSGT, trang thông tin điện tử của Cục, Công an các tỉnh. “Ngoài ra, chúng tôi còn nắm thông tin qua các báo, trang thông tin điện tử... để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Nhật cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM nêu quan điểm đồng tình việc người dân được ghi âm, ghi hình để giám sát hoạt động của lực lượng CSGT. “Nhất là hiện nay, mức xử phạt vi phạm giao thông tăng cao theo Nghị định 100, người dân lo ngại việc chung chi, tiêu cực sẽ xảy ra nên việc giám sát bằng nhiều hình thức là rất cần thiết”, luật sư Hậu nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì cho rằng, việc người dân được ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT xử lý vi phạm giao thông thể hiện sự dân chủ, để người dân thực hiện quyền giám sát của mình về các hoạt động của cơ quan chức năng, cũng như hạn chế những tiêu tực xảy ra trong quá trình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. “Quy định này cũng thể hiện sự cầu thị của Bộ Công an trước những ý kiến của người dân và để thực hiện quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật”, luật sư Thơm nhấn mạnh.

 

Theo Báo Giao thông

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện