An toàn giao thông

Tách Luật Giao thông đường bộ: Băn khoăn cơ quan công an vừa cấp phép vừa xử phạt

07:32, 15/02/2022
Việc chuyển đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho cho Bộ Công an nên lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo cơ sở khoa học, tránh chồng chéo và lãng phí ngân sách...

Tại hội thảo lấy ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) tổ chức ngày 14/2 có rất nhiều luồng ý kiến còn băn khoăn, trái chiều, khác nhau…Đa số đại biểu cho rằng, việc tiếp tục lấy ý kiến thông qua các hội thảo là rất cần thiết.


Cảnh sát giao thông xử lý phương tiện vi phạm an toàn giao thông.
Liên quan đến việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT về Bộ Công an quản lý, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, sẽ kiến nghị tiếp tục giao ngành giao thông tiếp tục quản lý về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Theo ông Thanh, từ năm 1995 khi tiếp nhận đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Công an, Bộ GTVT quản lý tốt, đã ổn định công tác này, nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn xã hội rất lớn.

"Nếu Bộ Công an đảm nhận công tác này sẽ khép kín từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe đến xử lý vi phạm, thì có thể thuận lợi cho ngành công an, nhưng có đảm bảo tính độc lập của 3 thành tố: lập pháp, hành pháp, tư pháp không? Có bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực không? Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải về cho Bộ Công an",  ông Thanh đặt vấn đề.

Ông Thanh nhắc lại tháng 11/2020, Quốc hội đã lấy ý kiến và có hơn 60% đại biểu Quốc hội khóa 14 không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật; không tán thành chuyển chức năng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

"Tôi rất mong mọi người am hiểu ngành giao thông vận tải lên tiếng phản biện mạnh mẽ để cơ quan soạn thảo phải nghiêm túc thực hiện. Chúng tôi là cử tri và các ý kiến này phải được tập hợp báo cáo đại biểu Quốc hội.

Tôi đề nghị Bộ GTVT hãy dũng cảm đảm nhận những chức năng, nhiệm vụ đã được xã hội và Nhà nước giao phó. Tôi tha thiết đề nghị đại biểu Quốc hội khóa 15 hãy cẩn trọng khi biểu quyết thông qua Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) để không phụ lòng cử tri", ông Thanh đề nghị.

Theo ông Thanh, nếu chuyến đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an sẽ có hàng ngàn cán bộ nhân viên thuộc Bộ GTVT mất việc hoặc phải chuyển đổi ngành nghề khác. Trong khi đó Bộ Công an phải tuyển dụng và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chiến sĩ mới làm nhiệm vụ này cùng việc phải đầu tư trang thiết bị mới. Từ đó dẫn tới tốn kém ngân sách rất lớn.

Còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách luật Giao thông đường bộ.

“Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc lĩnh vực dân sự, nên để cơ quan dân sự đảm nhận, không nên giao cho lực lượng vũ trang thực hiện. Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT về cho Bộ Công an quản lý”, ông Thanh nói rõ.

Đồng tình quan điểm này, Tiến sỹ Đào Huy Hoàng, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT khẳng định chưa thể khẳng định chuyển sang Bộ Công an thì công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe sẽ tốt hơn những gì Bộ GTVT hiện nay đang thực hiện.

“Việc chuyển đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học vững chắc, xem xét, lấy ý kiến rộng rãi. Nếu còn nhiều ý kiến nên chăng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe ở cả 2 bộ, tăng cường xã hội hóa và kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng lái xe cơ giới đường bộ”, ông Hoàng cho hay.

Cũng liên quan đến việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT về Bộ Công an quản lý, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị tiếp tục giao ngành giao thông quản lý.

Việc chuyển đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho cho Bộ Công an nên lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo cơ sở khoa học. 

Theo ông Quyền, hiện cơ sở dữ liệu về GPLX trên toàn quốc đã được hình thành, sẵn sàng liên thông giữa ngành giao thông và công an, đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm đối với lái xe của ngành công an. Để không phát sinh những xáo trộn liên quan đến hàng triệu người thì ngành giao thông vẫn cần quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Trong khi đó, nếu chuyển về Bộ Công an thì bộ này phải tuyển dụng và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chiến sĩ mới làm nhiệm vụ này cùng việc phải đầu tư trang thiết bị mới, từ đó dẫn tới tốn kém ngân sách.

Do vậy, nếu chuyển cho Bộ Công an thì cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học vững chắc, xem xét, lấy ý kiến rộng rãi. Nếu còn nhiều ý kiến, nên chăng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe ở cả 2 bộ, tăng cường xã hội hóa và kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng lái xe cơ giới đường bộ.

Còn ông Vũ Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức đánh giá, 10 năm qua tỷ lệ người chết/100.000 giấy phép lái xe giảm 52 lần, tỷ lệ số người chết/10.000 phương tiện giảm 13 lần. Tỷ lệ tai nạn giao thông đã giảm hàng năm, dù số phương tiện tăng, cho thấy công tác sát hạch đào tạo lái xe đã đóng góp ít nhiều.

 

TS Tuấn kiến nghị không nên tách Luật giao thông đường bộ thành 2 luật. Việc này trên thế giới chưa có quốc gia nào làm. 

"Luật phải đảm bảo các thành tố, quy định. Còn phân cấp, phân quyền thực hiện cho bộ ngành nào do Quốc hội quyết định, không cần thiết tách để trao quyền cho mỗi bộ ngành một luật riêng. Hiện nhiều nước đang từng bước gộp các luật có mối liên hệ lại với nhau để công tác quản lý được thống nhất và hiệu quả hơn", TS Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cho rằng, về quản lý nhà nước, luật cần đảm bảo đủ các nội dung thành tố do Quốc hội quyết định, còn phân cấp cho các ngành do Chính phủ quyết định.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các trường đại học, hiệp hội vận tải ô tô các địa phương cũng đề nghị không tách Luật giao thông đường bộ 2008 làm hai, không nên chuyển quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe sang Bộ Công an./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện