An toàn giao thông

Lan tỏa mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”

15:47, 07/09/2023
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” những năm qua trở thành một nét đẹp văn hóa được các trường trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn hưởng ứng; góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong việc đảm bảo ATGT tại khu vực trường học, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, hình thành văn hóa giao thông trong học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Nằm gần Quốc lộ 48, trong khu dân cư đông đúc, nhiều năm nay, tình trạng giao thông ở khu vực cổng Trường Mầm non Nghĩa Thành, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn thường xảy ra tình trạng lộn xộn, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Phụ huynh đưa đón con đi học dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường, trước cổng trường gây ách tắc giao thông. Trước tình trạng đó, đoàn thanh niên xã đã phối hợp với Công an xã xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.

Phụ huynh học sinh đến đón con em mình đã xếp xe ngay ngắn
Phụ huynh đến đón con em xếp xe ngay ngắn trước khu vực cổng trường.

Hàng ngày vào các giờ cao điểm, lực lượng đoàn thanh niên và công an xã trực tại cổng trường làm nhiệm vụ nhắc nhở, hướng dẫn giao thông cho phụ huynh khi đưa đón con đi học. Giáo viên, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy yên tâm mỗi ngày đến trường. Chị Nguyễn Thị Vân, Phụ huynh trường mầm non Nghĩa Thành cho biết: “Đã có nhiều trường hợp tai nạn giao thông là học sinh con em trong xã. Từ khi có mô hình “Cổng trường ATGT”, có các chú công an và đoàn thanh niên nhắc nhở việc chấp hành luật giao thông giao thông, đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người quy định, không cầm ô khi điều khiển phương tiện. Đây là việc làm hiệu quả cần được duy trì".

Cổng trường ATGT tại xã Nghĩa Thành
Cổng trường ATGT tại xã Nghĩa Thành

Từ những hiệu ứng tích cực mô hình mang lại, hiện nay, các trường học trên địa bàn xã Nghĩa Thành đều triển khai, thực hiện mô hình. Ở các cụm dân cư, đoàn thanh niên đã tận dụng nhiều vật liệu tái chế như lốp xe, các loại chai nhựa để sáng chế thành các biển cảnh báo nguy hiểm, biển quan sát phương tiện giao thông, tấm áp phích tuyên truyền trực quan, sinh động trong phòng chống, hạn chế tai nạn giao thông tại các trục đường chính, ngã ba, nga tư có nhiều nguy hiểm đến tính mạng con người. Đồng chí Cao Thị Phê, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Thành cho biết: “Lúc đầu triển khai mô hình “cổng trường an toàn giao thông” cũng gặp nhiều khó khăn do ý thức của phụ huynh chưa cao. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, làm mẫu, phụ huynh thấy thuận lợi, không còn cảnh ùn tắc ở khu vực này nữa nên được nhiều người ủng hộ".

Đoàn thanh niên xã Nghĩa Đức đồng hành cùng nhà trường thực hiện mô hình Công trường ATGT
Đoàn thanh niên xã Nghĩa Đức đồng hành cùng nhà trường thực hiện mô hình "Công trường ATGT"

Còn tại Trường Tiểu học Nghĩa Đức, lượng người và phương tiện tập trung nhiều trong giờ cao điểm. Mặc dù vậy, nơi đây không còn bắt gặp tình trạng ùn tắc bởi Đoàn thanh niên xã đã phân công đoàn viên đều đặn thay phiên trực để phân luồng, hỗ trợ phụ huynh đậu đỗ, xe máy, xe đạp theo vạch sơn đã được kẻ sẵn. Còn các em học sinh được hướng dẫn di chuyển theo hàng lối, không tụ tập, đùa nghịch. Nhờ đó việc lưu thông tại các cổng trường đã trở nên thuận tiện, dễ dàng.

Thực tiễn cho thấy, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, đội viên trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Trên cơ sở đó, từng bước hình thành văn hóa giao thông trong học sinh, phụ huynh và giáo viên tại các trường.

Các đoàn viên thanh niên kẻ phân phân ô các điểm bỏ xe
Các đoàn viên thanh niên kẻ phân phân ô các điểm bỏ xe

Anh Trương Hùng Dũng, Phó bí thư huyện đoàn Nghĩa Đàn cho biết: “Mục đích của việc triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường học trên địa bàn toàn huyện nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh và phụ huynh; đồng thời làm giảm tình trạng dàn hàng ngang, hàng ba ở cổng trường khi tan học. Đặc biệt, đối với học sinh cấp 3 chưa đủ độ tuổi lái xe mô tô phân khối lớn theo quy định thì cũng được hạn chế”.

Tận dụng nhiều vật liệu tái chế như lốp xe, các loại chai nhựa để sáng chế thành các biển cảnh báo nguy hiểm, biển quan sát phương tiện giao thông
Tận dụng nhiều vật liệu tái chế như lốp xe, các loại chai nhựa để sáng chế thành các biển cảnh báo nguy hiểm, biển quan sát phương tiện giao thông

Có thể nói, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thói quen chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế va chạm, tai nạn giao thông tại khu vực cổng trường, nhất là tại những trường học gần quốc lộ, tỉnh lộ; góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa, nhất là ý thức tự giác của mỗi người tham gia giao thông vì mình và vì cộng đồng./.

Minh Thái

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện