Bộ TT-TT đề nghị sửa đổi điều kiện tắt sóng truyền hình analog
Bộ TT-TT đề nghị sửa đổi điều kiện kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, bỏ mục tiêu đến năm 2020 phủ sóng truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình.
Bộ TT&TT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Trong đó, Bộ TT-TT đề nghị sửa đổi điều kiện kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, bỏ mục tiêu đến năm 2020 phủ sóng truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình.
Bộ TT&TT đề nghị sửa đổi điều kiện kết thúc phát sóng truyền hình analog. Ảnh: Internet |
Sửa đổi điều kiện kết thúc truyền hình analog
Với quy định tại Quyết định 2451/QĐ-TTg, việc kết thúc truyền hình tương tự mặt đất tại một địa phương khi 95% số hộ gia đình có máy thu hình thu được các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu bằng các phương thức khác nhau. Quy định này trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước nhằm bảo đảm quyền thu xem truyền hình của người dân.
Mặt khác, theo kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất, từ năm 2018 khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ sẽ hoàn thành số hóa truyền hình. Như vậy, việc thực hiện số hóa truyền hình trong thời gian tới chỉ còn lại là các tỉnh thuộc giai đoạn III, IV tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ.
Thực tế, từ kết quả hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất thời gian qua cho thấy tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm phần lớn trong số các hộ dùng truyền hình tương tự mặt đất cần chuyển đổi. Đối với các tỉnh miền núi thuộc giai đoạn III, IV, tỷ lệ số hộ dùng truyền hình tương tự mặt đất còn thấp hơn nữa và tương đương với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu thu truyền hình số.
Từ kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình Giai đoạn I, II cho thấy sau khi làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình và thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thì cơ bản hầu hết các hộ gia đình đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất đã tự chuyển đổi (tự mua máy thu hình thế hệ mới hoặc đầu thu truyền hình số hoặc chuyển sang sử dụng truyền hình trả tiền). Do đó, khi hoàn thành số hóa và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn vừa qua, dư luận nhìn chung đã đánh giá cao tác động tích cực của Đề án tới việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, chưa có phản ứng trái chiều nào được ghi nhận.
Vì vậy, nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước (khoảng 60 tỷ đồng) trong quá trình triển khai số hóa truyền hình, Bộ TT&TT đề xuất bỏ điều kiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khi đạt tỷ lệ 95% các hộ gia đình thu xem truyền hình qua các phương thức khác nhau gồm truyền hình số mặt đất, cáp, vệ tinh, internet (IPTV).
Bộ TT&TT đề xuất sửa đổi Khoản 4, Phần III, Điều 1 như sau:“Thực hiện số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo địa bàn phủ sóng của các trạm phát sóng truyền hình; kết hợp số hóa truyền hình mặt đất với truyền hình số qua vệ tinh tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để đảm bảo hiệu quả phủ sóng đối với các địa bàn này.
Kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại một địa phương để chuyển sang truyền hình số mặt đất sau khi hoàn thành cơ bản việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương”.
Bỏ mục tiêu đến năm 2020 phủ sóng truyền hình số mặt đất chiếm 45%
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, mục tiêu tới năm 2020 đảm bảo truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình. Tại thời điểm ban đầu khi xây dựng Đề án số hóa, do tỷ lệ truyền hình tương tự mặt đất còn khá lớn, chiếm khoảng 45% so với các phương thức thu xem truyền hình khác gồm truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình qua Internet (IPTV), truyền hình số mặt đất DVB-T, vì vậy khi đó đã đặt mục tiêu chuyển đổi truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất với tỷ lệ ngang nhau là 45%.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, khi công nghệ truyền hình phát triển với nội dung các kênh truyền hình phong phú, đa dạng, tỷ lệ thu xem truyền hình trả tiền (gồm truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình qua Internet (IPTV)) đã tăng cao kéo theo tỷ lệ thu xem truyền hình tương tự mặt đất còn rất thấp. Vì vậy, để phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ TT&TT đề xuất bỏ mục tiêu đến năm 2020 truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình. Cụ thể, sửa đổi mục tiêu đến năm 2020 thành “Đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình bằng các phương thức khác nhau gồm truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình qua Internet”.
Theo ICTnews