Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Báo chí với công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng

20:57, 19/06/2018

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Đảng ta xác định là một trong các nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nhà báo dấn thân vào mảng đề tài này đang gặp rất nhiều khó khăn, sức ép, thậm chí cả sự đe dọa về tính mạng.

Những vụ việc sai phạm lớn liên quan đến Tập đoàn dầu khí Việt Nam hay ở các địa phương như Yên Bái, Đà Nẵng, Đồng Nai, liên tục được phơi bày ra ánh sáng trong thời gian gần đây. Đó là kết quả sau quá trình vào cuộc quyết liệt và kịp thời của các cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đánh vào lợi ích nhóm.

a
Nhiều vụ việc tiêu cực được phanh phui, xử lý kịp thời nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan báo chí.

Tại Nghệ An, nhiều vụ việc tiêu cực như phá rừng, lạm quyền trong bán đất trái phép, sai phạm trong sử dụng đất công liên quan đến cán bộ cấp huyện, cấp xã đều đã được xử lý một cách kịp thời, đúng pháp luật.

Chia sẻ của ông Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Nghệ An: “Khi các vấn đề này nêu lên, dư luận xã hội rất quan tâm. Và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cảng quan tâm hơn đồng thời có chỉ đạo để xử lý. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý, những người đứng đầu các địa phương, các ngành điều chỉnh cách thức quản lý, đồng thời có các biện pháp giảm thiểu các sai phạm như các cơ quan báo chí đã nêu”.

Ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông.
Ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông.

Ông Trần Văn Hiền – Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An chia sẻ thêm: “Tôi cho rằng, đó là đóng góp lớn nhất, là động lực lớn để toàn Đảng, toàn dân vào cuộc để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của chúng ta. Như Tổng Bí thư đã nói, đó là một bộ phận làm xói mòn niềm tin của Đảng trong nhân dân. Thời gian vừa qua, báo chí đã góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Theo tôi đây là thành công lớn nhất của đội ngũ báo chí”.

a
Nhà báo Trần Văn Hiền – Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An chia sẻ quan điểm trong hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những mặt trái của đời sống xã hội là một công việc khó khăn, phức tạp. Các cơ quan báo chí, nhà báo gặp không ít khó khăn khi đối diện với những cám dỗ vật chất, cản trở trong tiếp cận thông tin, sự đối phó tinh vi thậm chí bị đe dọa của các đối tượng hay nhóm lợi ích bị điều tra. Theo nhà báo Trần Duy Ngoãn, đây là một thách thức đối với những nhà báo trong quá trình tác nghiệp, hành nghề để đảm bảo thông tin một cách chính xác, làm tốt vai trò “chống để xây”.

a
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Nghệ An Trần Duy Ngoãn: Hội nhà báo cũng đặt ra trách nhiệm của mình để tác động tích cực đến khi hội viên hành nghề.

“Hội nhà báo cũng đặt ra trách nhiệm của mình để tác động tích cực đến khi hội viên hành nghề; Đồng thời mỗi nhà báo cũng phải biết cách tự bảo vệ mình trong quá trình tác nghiệp, bởi chúng ta đang bước vào cuộc đấu tranh nảy lửa, không khoan nhượng đối với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Nghệ An Trần Duy Ngoãn nhấn mạnh.

Khẳng định đây là cuộc đấu tranh không khoan nhượng để làm trong sạch Đảng, bộ máy chính quyền Nhà nước các cấp, Nhà báo Trần Văn Hiền cho rằng, những người làm báo phải thực sự có dũng khí và có cái tâm trong sáng. Ngoài các kỹ năng về nghề, nhà báo phải biết tranh thủ sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và sự hậu thuẫn của quần chúng nhân dân để bảo vệ mình.

Các nhà báo được vinh danh tại Giải báo chí với
Tôn vinh đóng góp của các nhà báo tại Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

“Hệ thống chính trị không chỉ là cấp ủy mà đó là MTTQ, Hội Cựu chiến binh… đây chính là là lực lượng để bảo vệ nhà báo. Thứ 2, đây là những người tham gia để tiếp nối dư luận phản biện xã hội, ngược lại, chính quyền cũng phải bảo vệ nhà báo bằng cách xử lý những vấn đề báo nêu”- Nhà báo Trần Văn Hiền chia sẻ thêm.

Cùng với đó, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị cho thấy, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc làm trong sạch nội bộ. Đây là sự hậu thuẫn lớn, để báo chí Cách mạng Việt Nam làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng hiện nay./.

Thái Dương – Sỹ Đạt