147 tác phẩm vào chung khảo Giải Báo chí quốc gia
Sáng 31/5, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018 đã họp và nghe báo cáo kết quả chấm sơ khảo và tiếp tục chấm vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII năm 2018.
Theo Ban Thư ký tổng hợp Giải Báo chí quốc gia, mùa giải lần này có 1.810 tác phẩm gửi tham dự, trong đó có 1.671 tác phẩm đủ điều kiện dự giải theo quy định, cao hơn so với năm 2016 và tương đương năm 2017.
Tại cuộc họp, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Thuận Hữu cho biết có hơn 120 đơn vị cấp hội và 222 cộng tác viên, tham dự 11 hạng mục giải thưởng, trong đó có 57 đơn vị Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Đặc biệt đây là năm thứ 2 liên tiếp có tất cả 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự giải.
147 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm đã tạo hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao các cơ quan báo chí về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng.
Theo đánh giá của Hội đồng sơ khảo, về nội dung, các tác phẩm dự giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2018. Nhiều tác phẩm tiếp tục đi sâu phản ánh các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc giảm nghèo bền vững,... Đặc biệt là các vấn đề thời sự nóng bỏng như: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lí cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, sai phạm trong công tác quản lí đất đai, quản lí giáo dục; nạn tín dụng đen, nạn xâm hại trẻ em, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề cải cách hành chính, chính sách và cuộc sống, cơ chế quản lý kinh tế.
Những đề tài truyền thống như lịch sử, văn hóa, an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến. Những vấn đề mới như: Khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống; phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự giải, nhà báo Thuận Hữu cũng cho biết, năm nay nhiều đề tài được đầu tư công phu, bài bản, với việc các tác phẩm nhiều kì (nhất là báo in) chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Đối với báo điện tử, hình thức thể hiện mới được sử dụng ngày càng nhiều, như longform, megastory...
Cùng với sự tham gia tích cực về số lượng, điều đáng mừng là chất lượng báo chí các địa phương đã ngày càng được nâng lên. Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các hội nhà báo tỉnh, thành phố. Ở khối phát thanh và truyền hình, khoảng cách về chất lượng giữa đài Trung ương và địa phương ngày càng rút ngắn. Nhiều đài địa phương có sự vượt trội.
Tuy nhiên, cũng theo Hội đồng Sơ khảo, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục, nhất là về mặt chất lượng.
Ví dụ, báo in còn trùng lặp đề tài; nhóm bình luận, các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng còn ít tham gia giải; thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hóa; ảnh báo chí còn ít.
Về báo nói (phát thanh), vẫn thể hiện khá rõ lối mòn, ít tác phẩm có tính phát hiện.
Về báo hình, nhiều tác phẩm giữa chủ đề và đề tài không khớp nhau; đề tài lịch sử chưa tìm được cái mới, chưa có cách thể hiện mới.
Về báo điện tử, còn có khoảng cách khá lớn về chủ đề, cách thể hiện giữa Trung ương và địa phương…
Thời gian tới, Hội đồng Chung khảo sẽ lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất trong số 147 tác phẩm vào chung khảo để trao giải vào đúng dịp kỉ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Theo VGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin