Nhiều nguyên nhân khiến nguồn thu sụt giảm
Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, theo thống kê của Bộ nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200 - 300 triệu cho đến mức 4 - 5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng 1,2 cơ quan báo chí. Có thể thấy chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Nhà nước có vai trò quan trọng bên cạnh việc quản lý xã hội, nhà nước cũng thể trở thành khách hàng lớn với báo chí đặt hàng, đặc biệt là truyền thông chính sách. |
Xu hướng quảng cáo hiện đi sang không gian số, phương thức bán hàng thương mại điện tử phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống, hiện có rất nhiều cách khác để bán hàng không nhất thiết phải đi qua cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức hiệu quả hơn để quảng cáo. Các thương hiệu quan tâm rất nhiều về chi phí thực để chuyển đổi ra một khách hàng, tạo được đơn hàng ở mức thấp nhất. Chúng ta chưa thể nào thích ứng kịp, cũng không thể có cơ chế mạng xã hội, làm thế nào chúng ta theo thế đó.
Các đại biểu thảo luận về nguồn thu của các cơ quan báo chí. |
Nhà báo Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay, Đài đang có các nguồn thu chính từ hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của Đài. Và để tạo nguồn thu trên phát thanh, hiện nay, Đài đã thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream, các bản tin thời sự đầu giờ thông tin nhanh nhất các sự kiện vừa diễn ra, nhằm nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng.
Trên sóng truyền hình, từ năm 2014, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long bắt đầu thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Trung bình mỗi năm, Đài liên kết sản xuất 40- 50 chương trình. Các chương trình liên kết này rất đa dạng về thể loại: từ chương trình truyền hình thực tế, gameshow đến phim ngắn, phim thiếu nhi và chương trình khoa giáo,…
Qua hoạt động liên kết, Đài đã huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư vào sản xuất chương trình, góp phần thu hút tài trợ và quảng cáo, đóng góp đáng kể vào nguồn thu và ổn định nguồn thu của Đài.
Đối với nguồn thu trên nền tảng số: xuất phát từ tình hình thực tế là sự dịch chuyển quảng cáo từ báo chí truyền thống sang các nền tảng số và mạng xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, nỗ lực khai thác mạng xã hội để đưa nội dung đến khán giả, tạo doanh thu, ổn định nguồn thu quảng cáo cho Đài.
Tuy nhiên, đánh giá của ông Lê Thanh Tuấn cũng cho thấy, bên cạnh thuận lợi thì Đài cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc khai thác nguồn thu tại đơn vị. Điển hình như hiện nay, với sự phát triển của internet, nhiều phương thức truyền thông mới ra đời, khán giả có rất nhiều sự lựa chọn để đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của mình. Vì vậy, đối với các cơ quan báo chí nói chung và Đài PT&TH Vĩnh Long nói riêng, việc đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đồng thời với phát triển kinh tế báo chí sẽ ngày càng khó khăn hơn, phải đứng trước rất nhiều áp lực: áp lực giữ chân khán giả, áp lực về nguồn thu, áp lực về cạnh tranh thông tin… Ngoài ra, kinh tế thế giới và trong nước đã và đang suy thoái, khả năng phục hồi chậm, nên nguồn thu quảng cáo tiếp tục sẽ bị sụt giảm mạnh. Quy định mức thuế đối với báo chí hiện vẫn áp dụng theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin, tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (20%).
Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí
Tham luận của Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho thấy, sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí trên 3 khía cạnh là hành vi tiêu thụ tin tức; cấu trúc thị trường (nguồn cung, kênh phân phối, bán hàng) và nguồn thu.
Đối với nguồn thu, hiện nay, các cơ quan báo chí Việt Nam có nguồn thu từ quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước/cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết và quảng cáo điện tử. Đánh giá cho thấy, doanh thu của báo chí Việt Nam đã giảm mạnh trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020. Tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6% so với năm 2020. Những năm hậu đại dịch có xu hướng ổn định hơn nhưng mức phục hồi, tăng trưởng chậm. Cụ thể, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30%; 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm; 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm.
Trong khi đó, việc đa dạng các nguồn thu đối với nhiều cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 7 cơ quan báo chí được khảo sát có doanh thu từ độc giả. 5 cơ quan báo chí doanh thu độc giả chỉ chiếm một phần rất nhỏ, không đáng kể trong doanh thu tòa soạn. 56,5% cơ quan báo chí chưa thu phí độc giả đọc báo điện tử không có dự định triển khai hình thức này trong 3 năm tới tuy nhiên việc thu phí này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu thảo luận về nguồn thu của các cơ quan báo chí. |
Vì thế, khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế báo chí Việt Nam được đưa ra, về tầm ngắn hạn chính là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội. Về tầm dài hạn có thể triển khai các giải pháp như đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Tuấn, trước những thuận lợi và khó khăn trên, trong thời gian tới, Đài tiếp tục tập trung sản xuất chương trình hướng đến công chúng. Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan báo chí, ông cũng đề xuất để góp phần giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, có thể xem xét không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí. Hoặc có chính sách miễn, giảm linh hoạt từng năm tùy theo sự biến động của nền kinh tế (miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mỗi lần 6 tháng hoặc một năm, giống như giảm thuế VAT hiện nay)./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin