Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sự kiện - vấn đề nổi bật trong tuần

15:40, 27/11/2010
NTV xin điểm những sự kiện - vấn đề nổi bật diễn ra trong tuần.

 

Tăng giá – Nỗi lo không của riêng ai.

 

Người có thu nhập thấp sẽ càng khó khăn trong cơn bão giá

 

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng giá của 11 tháng đầu năm đã là 9,6%. Nếu tính từ tháng 11 năm ngoái tới nay thì giá cả các mặt hàng đã tăng hơn 11%. Riêng giá lương thực, thực phẩm đã tăng đến 15% trong một năm qua. Như vậy, mục tiêu kiểm soát giá cả nhằm kiềm chế lạm phát của cơ quan chức năng ở mức 8%  đã bị phá sản.

 

Việc giá cả tăng mạnh đã và sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Lạm phát cao làm giảm giá trị đồng tiền trong nước. Người dân ngày càng lo ngại về việc sức mua trong tương lai của họ bị giảm xuống và mức sống của họ cũng vì vậy mà kém đi; đặc biệt là đối với những người có thu nhập không tăng kịp mức tăng của giá cả, như những người hưởng lương hưu hay công chức thì Phúc lợi và mức sống của họ bị giảm đi là điều không tránh khỏi.

 

Trong tình hình hiện nay, dư luận mong muốn các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt hơn để kìm chế sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát. Trước mắt là tăng cường công tác quản lý đối với một số ngành, chống tình trạng độc quyền, găm hàng nhằm tăng giá của các cơ sở kinh doanh. Cần thực hiện tốt các chính sách về tiền tệ nhằm tăng lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam, qua đó giảm áp lực lạm phát...

 

  

Hãy chung tay vì một cộng đồng nhân ái.

 

 

Vì một cộng đồng nhân ái!

 

Kể từ ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1996 thì đến nay, lũy tích số người ở Nghệ An nhiễm HIV/AIDS đã lên đến 5.543 người. Tình hình dịch HIV trên địa bàn tỉnh vẫn có xu hướng gia tăng nhanh hàng năm, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em. Riêng 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện mới 462 trường hợp bị nhiễm HIV, 320 bệnh nhân AIDS và có 116 trường hợp tử vong do AIDS. Đến tháng 9 năm 2010, toàn tỉnh đã có 61 trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Mặc dù trong thời gian qua, các cấp, các ngành các tổ chức xã hội đã có nhiều hành động thiết thực tham gia phòng chống HIV/AIDS nói chung và  chăm sóc sức khỏe trẻ em bị nhiễm HIV nói riêng, song công tác này vẫn gặp những khó khăn. Hiện nay, nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV nhưng lại không biết là mình đã nhiễm bệnh, nên đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin, thiếu kiến thức.

 

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” diễn ra từ ngày 10/11-10/12 và được phát động trong cả nước vào cùng một thời điểm 7 giờ 30 phút ngày 28-11: Hãy không phân biệt đối xử, không kỳ thị đối với người nhiễm HIV, nhất là trẻ em bị nhiễm HIV. Bằng sự thay đổi về nhận thức và sự quan tâm chia sẻ sâu sắc, mỗi chúng ta hãy cố gắng tạo ra mọi cơ hội để làm giảm những khó khăn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong tỉnh, chăm sóc, điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

 

Di sản văn hóa – hồn cốt của dân tộc.

 

CLB hát dân ca, một cách bảo tồn vào phát huy di sản dân ca xứ Nghệ

 

Nước ta hiện có 3.100 di sản cấp quốc gia, gần một vạn di sản cấp địa phương, một đất nước có thể nói dày đặc di sản. Riêng Nghệ An có trên 1.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 210  di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và cấp tỉnh. Hệ thống các di tích, danh thắng  ở Nghệ An những năm qua luôn là địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài  nước đến tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt tâm linh. Tuy vậy, việc quản lý Di tích hiện nay vẫn còn nhiều bất cập so với tiềm năng vốn có của xứ Nghệ. Đặc biệt, nhiều loại di sản văn hóa phi vật thể, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang có nguy cơ bị mai một.

 

Bảo quản và phát huy giá trị của di sản, hướng nó vào phục vụ con người là vấn đề rất lớn hiện nay. Đối với các di sản vật thể, người ta đã bàn nhiều. Song có một vấn để cũng rất cấp bách nhưng hầu như còn ít được bàn tới, đó là bảo tồn các di sản phi vật thể thế nào trong quá trình hội nhập. Chúng ta biết rằng, Di sản phi vật thể nhiều khi còn quan trọng hơn cả những di sản vật thể, bởi Di sản phi vật thể chính là hồn cốt của  văn hoá truyền thống. Di sản văn hóa, bản sắc văn hóa  chính là nét độc đáo của mỗi địa phương, vùng miền, vì vậy việc  bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần được quan tâm đúng mức để phát triển vững chắc hơn. Và thực tế làm được điều đó cũng chính là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn.

 

(Nguyễn Như Khôi - Nguyễn Vân)