Sự kiện - vấn đề nổi bật trong tuần
Tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị Việt - Lào.
Trong bài phát biểu của đồng chí Thái Văn Hằng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An nhân kỷ niệm 35 năm Quốc khánh của nước bạn Lào đã một lần nữa khẳng định: “Cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, Việt Nam và Lào, trong đó có Nghệ An, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn là láng giềng gần gũi, cùng chung sống lâu đời và có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau về nhiều mặt”.
Trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa Nghệ An với các tỉnh cùng biên giới Việt - Lào đã thực hiện được nhiều chương trình có hiệu quả như: Nhiều doanh nghiệp Nghệ An đã và đang đầu tư vào các tỉnh bạn Lào khai thác khoáng sản, khai thác chế biến và vận chuyển gỗ, trồng cây công nghiệp dài ngày; Mở các tuyến xe khách Vinh - Viêng Chăn, Vinh - Phôn xa vẳn, Vinh - Thà Khẹc; 500 sinh viên Lào hiện đang học tập ở các trường ĐH, CĐ tại Nghệ An…
Giao lưu "Bản tình ca Việt Lào" (Ảnh: Trần Lan Anh) |
Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập nước CHDCND Lào, thủ đô Viêng Chăn tròn 450 tuổi, Nghệ An đã tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như tổ chức lễ cầu siêu linh hồn các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt – Lào, Giao lưu “Bản tình ca Việt Lào”, in 10.000 bản sách đáp ứng yêu cầu của nước bạn Lào… đã tiếp tục vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Việt – Lào, để từ đó, tiến tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa các vấn đề về kinh tế, an ninh, xã hội giữa Nghệ An và các tỉnh có chung đường biên giới là Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn (Lào).
Chiều dài của lịch sử trong mối quan hệ giữa Nghệ An và các tỉnh có chung đường biên giới đã khẳng định đây là một trong những tâm điểm của quan hệ hữu nghị Việt – Lào. Sự bền chặt trong mối quan hệ Việt - Lào anh em có dấu ấn sâu đậm của Nghệ An.
Vì sự mong đợi của cử tri!
Cử tri mong đợi nhiều vào kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới (Ảnh: CANA) |
Từ ngày 8-10/12/2010 sẽ diến ra kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XV. Theo thông báo của Thường trực HĐND tỉnh, sẽ có 4 vấn đề lớn được chất vấn tại kỳ họp, cũng là 4 vấn đề mà đông đảo cử tri tỉnh nhà đang băn khoăn và mong muốn sớm có giải pháp khắc phục. Đó là, tình trạng lạm thu trong giáo dục và giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên đứng lớp; công tác phòng chống bão lụt, việc phân bổ tiền và hàng hóa cứu trợ đến đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai; việc thu hồi đất đối với các dự án triển khai chậm; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Nghệ An có diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn cướp giật, trộm cắp, cờ bạc, gây rối trật tự.
Phần lớn các vấn đề trên không hề mới, nó đã được đề cập ở nhiều diễn đàn, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn chưa được xử lý một cách thỏa đáng. Vì vậy, dư luận quan tâm đâu là nguyên nhân của việc giải quyết chậm và thiếu hiệu quả các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hiện nay?
Thêm một lần nữa cử tri mong muốn những đại biểu của mình cần phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm đã được pháp luật quy định; chất vấn và giám sát đến cùng các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề nóng, gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân. Mặt khác, các ngành các cấp cũng cần nhìn lại vai trò trách nhiệm của chính mình với vai trò là cơ quan phục vụ cho lợi ích của nhân dân, hưởng lương từ tiền thuế của dân. Nhân dân đang theo dõi và giám sát hoạt động của các đại biểu hội đồng và của các cơ quan nhà nước của dân, do dân, vì dân.
“Bình thường” hay “Bất thường”?
Người dân phải bỏ nhà đi ở nơi khác (Ảnh: Hữu Đức) |
Nhiều tháng nay, các hộ dân ở xóm 14, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn đã rơi vào cảnh trắng tay vì từ khi đập ở hồ Ba Cơi được nhà nước đầu tư nâng cấp để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thì các hộ dân ở đây bị ngập sâu trong nước, phải đi ở nhờ nhà họ hàng tại nơi khác.
Điều lạ là trong quá trình thi công, chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Nghệ An cũng như huyện Anh Sơn đã không tiến hành khảo sát để có phương án di dời những hộ dân nằm trong vùng ngập nước. Và cho đến nay, mặc dù người dân đã nhiều lần kêu cứu và làm đơn kiến nghị nhưng vẫn chưa có một cơ quan, ban ngành có thẩm quyền nào đứng ra tìm hướng xử lý.
Trong tỉnh cảnh nhà cửa, vườn tược và tính mạng của hàng chục người dân đang bị đe doạ thì bà Võ Thị Hồng Lam – chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho rằng: huyện chỉ là đơn vị hưởng lợi chứ không tham gia thi công, hơn nữa những hộ dân chịu ảnh hưởng chỉ nằm trên địa giới hành chính của huyện nhưng thực chất họ là công nhân xí nghiệp chè nên Xí nghiệp chè Anh Sơn phải phối hợp với chủ đầu tư là Sở NN&PTNT để tìm hướng xử lý. Còn ông Nguyễn Công Sáng – Phó chủ tịch UBND huyện, trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Anh Sơn lại cho rằng, đây chỉ chuyện “bình thường”, lỗi do chủ dự án là Sở NN&PTNT.
Bình thường thì người dân đã không phải kêu cứu, mà đó chính là sự “bất thường” trong tư quy quản lý, hay nói đúng hơn là sự sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại. Để câu chuyện bình thường – bất thường này kết thúc có hậu, huyện và nhà đầu tư cần phối hợp sớm đưa ra giải pháp khắc phục. Bởi đối với người dân, những lúc như thế này họ mới cần đến trách nhiệm của chính quyền do họ bầu ra và nuôi dưỡng để phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
(Lê Trang)