Sự kiện vấn đề nổi bật trong tuần
Bất động sản nóng sau ngoại tệ.
Nhằm lập lại trật tự và ổn định thị trường ngoại tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung, hơn 1 tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm về giao dịch ngoại tệ. Trước đó, vào ngày 28/12/2006, Chính phủ đã có Nghị định 160 quy định về chính sách ngoại hối, tiền tệ. Theo quy định, người dân muốn mua USD tại các ngân hàng hay các quầy thu đổi ngoại tệ chính thức phải xuất trình đủ các loại giấy tờ chứng thực việc cần mua USD. Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, người dân có nhu cầu mua hoặc bán USD vẫn tìm điểm đến là các tiệm vàng. Ở đây, họ có thể dễ dàng mua bán, trao đổi nhiều ngoại tệ thông dụng mà không cần xuất trình bất kỳ loại giấy tờ gì, khiến cho NHNN rất khó kiểm soát thị trường đồng đola. Và chính vì vậy, khi mà thị trường đôla tự do bị đóng cửa đã khiến cho một số nhà đầu tư và người dân loay hoay.
Ở Nghệ An, sau khi có thông tin thị trường đôla tự do bị đóng của và trên thực tế, một tuần nay, hầu hết các tiệm vàng đều từ chối giao dịch đồng đô la thì một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chuyển hướng sang đầu tư vào bất động sản. Điều này đã khiến cho thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đang “nóng” lên từng ngày. Giá đất ở vùng ngoại thành, ven đô và các xã lân cận thành phố Vinh đang bắt đầu tăng trở lại. Những lô đất đẹp, mặt đường liên xã trước Tết có giá từ 3 – 5 triệu đồng/ m2 thì nay đã tăng lên từ 6 đến 8 triệu đồng/ m2, cá biệt, có những nơi lên đến hơn chục triệu.
Rõ ràng, việc siết chặt thị trường đôla tự do trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt. Còn về lâu dài, nếu NHNN tiếp tục giữ quy định hiện hành, không cho phép người dân mua USD lẻ từ các điểm giao dịch chính thức thì thị trường tự do sẽ lại bùng phát ở một hình thức tinh vi và khó kiểm soát hơn. Để thật sự có được thị trường giao dịch ngoại hối trong sạch, lành mạnh dưới sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước thì việc “chống” cần phải đi đôi với “xây”. NHNN cần sớm ban hành quy định, có văn bản hướng dẫn, mở rộng điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu được mua ngoại tệ hợp pháp. Bởi, ngoài lý do tích trữ, đầu cơ, người dân đi học hành, du lịch, chữa bệnh tại nước ngoài cũng rất cần ngoại tệ.
Trách nhiệm của HSSV đến đâu từ số dư nợ.
Qua 3 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với Học sinh, sinh viên theo quyết định 157 của TTCP, toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 127.000 em được vay vốn với tổng số tiền lên đến hơn 1.782 tỷ đồng. Mức dư nợ bình quân mỗi học sinh, sinh viên hiện nay là 15,2 triệu đồng, doanh số dư nợ đạt 74 tỷ đồng. Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng và doanh số vay học sinh, sinh viên. Phải khẳng định một điều rằng: Việc cho học sinh, sinh viên “vay vốn đi học” là việc làm thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với sự nghiệp “trồng người”, nhất là đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo có điều kiện học tập tốt hơn để vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, con số nợ quá hạn hơn 3,5 tỷ đồng trong số dư nợ 74 tỷ đồng của HSSV Nghệ An tại Ngân hàng hiện nay cũng khiến cho các cấp ngành cần phải suy nghĩ. Bởi ngoài một số em có lý do chính đáng mà chưa thể hoàn nợ cũng có không ít trường hợp HS, SV đã được tạo điều kiện để vay rồi nhưng “quên” trách nhiệm là phải sớm hoàn trả gốc và lãi tiền vay sau khi ra trường và có việc làm. Điều này cho thấy: Công tác quản lý, giám sát sử dụng vốn cũng như tổ chức thu hồi nợ đến hạn là một thách thức lớn đối với Chương trình.
Ðể chương trình tín dụng HS, SV đạt hiệu quả cao và phát huy hơn nữa tính nhân văn, ý nghĩa xã hội đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương cũng như toàn xã hội cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát sử dụng vốn vay và trách nhiệm trả nợ tiền vay đầy đủ, đúng hạn như đã cam kết. Bên cạnh đó, cần chú trọng xã hội hóa nguồn tín dụng cho HS, SV vay vốn đi học với các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng thương mại cổ phần để chia sẻ khó khăn trong việc huy động vốn, góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho HS, SV hoàn thành ước mơ học tập.
Tiết kiệm điện: Nói phải đi đôi với làm!
Những ngày này, mặc dù tiết trời vẫn còn lạnh, nhất là ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ nhưng người dân đã cảm nhận được cái nóng đến gần khi nghe điệp khúc "bài ca cắt điện" không hẹn lại lên. Những cụm từ như: thiếu hụt điện, tiết giảm điện, cắt điện luân phiên… được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đáng nói là những thuật ngữ đáng ra chỉ dành cho những người có chuyên môn hoặc chuyên ngành này lại đang được tất cả mọi người dân quan tâm. Năm nay, theo dự báo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh điện, trong đó, mức thiếu hụt nguồn điện Nghệ An sẽ lên tới 10%. Ngoài các yếu tố khách quan dẫn đến thiếu hụt điện như: nhu cầu sử dụng tăng cao, thời tiết khô hạn kéo dài, sự cố nhà máy điện thì một trong những yếu tố không thể không nhắc đến đó là sử dụng điện còn quá lãng phí. Dường như ý thức về tiết kiện điện của mỗi người dân, đặc biệt là ở nơi công cộng đều rất kém. Ngay cả trong những thời điểm phải thực hiện tiết giảm điện thì ở những nơi có điện: điều hóa, tủ lạnh, máy giặt, quạt, ấm điện… tất cả đều cho chạy hết công suất để bù lại ngày cắt điện. Ngược lại, những nơi bị cắt điện thì kêu trời kêu đất vì nắng nóng, khổ sở, sinh hoạt bị đảo lộn. Cứ luân phiên như thế, khi nơi này kêu khổ thì nơi kia tận dọng để sướng và ngược lại. Vì thế, để không còn cảnh bên này khóc, bên kia cười thì chỉ có một giải pháp duy nhất là cùng tiết kiệm điện.
Còn nhớ, mấy năm trước, khi nguồn điện được dự báo là bắt đầu thiếu hụt, tại TX Cửa Lò, vào mùa cao điểm của du lịch, hàng đêm cán bộ điện lực đều đi kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch cắt bớt các bóng đèn quảng cáo để tiết kiệm điện. Thế nhưng năm ngoái, trong khi mà tình trạng thiếu hụt điện xảy ra trầm trọng hơn thì các bóng đèn quảng cáo của các KS, nhà nghỉ nơi đây vẫn chăng đầy mà tuyệt nhiên không có người kiếm tra, nhắc nhở nữa.
Dẫn ra điều này để thấy “tiết kiệm điện” - nói thì dễ nhưng để làm được không dễ chút nào khi mà mỗi tổ chức, cá nhân chưa thực sự ý thức được đó là vì lợi ích cộng đồng mà trên hết là lợi ích của chính mình.
(An Duyên)