Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, sàng lọc phòng chống ĐTĐ và các rối loạn do thiếu iốt
Đến cuối năm 2010, việc thực hiện chương trình phòng chống các rối loạn thiếu iốt đã đạt được mục tiêu chương trình đề ra. Đó là duy trì bền vững kết quả chương trình đạt được cuối năm 2009 trên địa bàn toàn tỉnh với 3 chỉ tiêu chính. Bao gồm: tỷ lệ bướu cổ học sinh 8-10 tuổi chỉ còn dưới 2%; mức iốt niệu trung vị 13,6 microgram/dêhilít; Độ phủ muối iốt chiếm 92,66% và tỷ lệ phụ nữ 18-49 tuổi hiểu biết về sử dụng muối iốt đạt trên 90%.
Năm 2010 là năm đầu tiên Nghệ An triển khai thực hiện chương trình quốc gia phòng chống đái tháo đường (ĐTĐ) nhưng đã đạt được 1 số kết quả đáng ghi nhận, góp phần sàng lọc và quản lý tốt các đối tượng bị ĐTĐ và tiền ĐTĐ được phát hiện trong cộng đồng sau sàng lọc hàng năm có hiệu quả. Các hoạt động giám sát, khảo sát, chất lượng điều trị được nâng lên.
Mặc dù vậy, thông qua việc triển khai chương trình ở 30 xã tham gia Dự án, đã phát hiện tỷ lệ ĐTĐ chung toàn tỉnh chiếm tới 5,2%. Trong đó, khu vực đô thị chiếm 7,4%, đồng bằng miền núi chiếm từ 3,7-4,5%. Tỷ lệ người ĐTĐ chưa biết mình bị bệnh chiếm tới 74%, Tỷ lệ tiền ĐTĐ là 13,2%. Đây thực sự là những thách thức lớn đang đặt ra cho chương trình phòng chống ĐTĐ trong những năm tới. Dự báo đến năm 2025, nếu không có các giải pháp phòng chống tích cực thì Nghệ An sẽ có khoảng 210.000 người bị ĐTĐ. Về chương trình PC các rối loạn thiếu iốt tuy cơ bản đã đạt mục tiêu chung nhưng ở một số huyện 3 chỉ số này không được duy trì bền vững, tỷ lệ người dân hiểu biết về cách bảo quản iốt và cách phòng chống các rối loạn còn hạn chế.
Năm 2011, để thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra của cả 2 chương trình, giải pháp trọng tâm được xác định đó là vẫn là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, sàng lọc. Tuy nhiên, để đạt kết quả ngày càng cao hơn và hoàn thành mục tiêu của Dự án quốc gia, cần phải có sự góp sức của toàn xã hội. Trong đó, ngành y tế là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu cho các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện.
(Hiến Chương)