Chuyện chưa kể về bí thư đảng ủy xã nghèo Châu Nga
Gần dân, sát dân, giúp dân từ những việc làm nhỏ nhất- đó là lời khen ngợi của bà con xã Châu Nga dành cho bí thư đảng ủy xã Võ Anh Tuấn. Là phó ban Tổ chức của huyện ủy Quỳ Châu được tăng cường về xã Châu Nga gần 1 năm nay, anh đã cùng với đảng ủy xã, góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con, giúp bà con chuyển đổi phương thức canh tác từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Với cương vị là bí thư đảng ủy xã, anh luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương để có phương pháp giải quyết thấu tình, đạt lý. Châu Nga là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu. Toàn xã có gần 530 hộ, hơn 2.200 nhân khẩu, 6/6 bản, chủ yếu là dân tộc Thái. Diện tích ruộng nước ít chỉ có 59ha. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thời gian nông nhàn đi thu hái lâm sản phụ trong rừng. Trình độ dân trí thấp, số hộ nghèo chiếm gần 50%. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 14 triệu đồng/người/năm. Đảng bộ xã có 9 chi bộ trực thuộc, trong đó 6 chi bộ nông thôn, 02 chi bộ trường học, 01 chi bộ trạm y tế với 119 đảng viên. Công tác phát triển đảng viên còn nhiều hạn chế, có 01 chi bộ thuộc Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy là chi bộ bản Nga My có nguy cơ tái trắng. Anh chia sẻ ở chi bộ này có 4 đảng viên trong đó 2 đảng viên cao tuổi, bí thư chi bộ già yếu. Diện tích đất sản xuất ít, thanh niên trong độ tuổi không có việc làm, hầu hết phải đi làm ăn xa, từ đó dẫn đến nguồn kết nạp đảng viên rất khó khăn. “Để làm được theo đề án 01 của Tỉnh ủy, trước hết là chúng tôi thay đổi nhân sự, bí thư, vận động đồng chí bí thư chi bộ tuổi cao sức yếu nghỉ việc, làm nhiều năm nhưng hiệu quả thấp, không kết nạp được đảng viên, và mạnh dạn làm quy trình bổ sung bí thư chi bộ trẻ tuổi”
Bí thư đảng ủy xã Châu Nga trong một cuộc họp chi bộ tại bản Nga My ( Người ngồi thứ 2, hàng đầu từ phải sang) |
Theo anh, đây là mấu chốt vấn đề và sau đó các bước đảng ủy xã triển khai là chi hội trưởng phụ nữ, thanh niên và các hộ làm kinh tế giỏi để cho họ đi học các lớp đối tượng đảng và mắc ở đâu thì chúng tôi hướng dẫn ở đó. Từ thủ tục từ hồ sơ, giải quyết nhanh, gọn, chính xác các thủ tục đều hợp lý. Sau khi chỉ đạo chi bộ bản Nga My kiện toàn các tổ chức đoàn thể, chỉ đạo, Đảng ủy xã còn tăng cường 4 đảng viên cơ quan xã xuống cùng sinh hoạt với chi bộ Nga My. Riêng cá nhân anh trực tiếp xuống tham gia chỉ đạo chi bộ bản. Đến nay chi bộ Bản Nga My đã có 12 đảng viên, trong đó có 8 đảng viên tại chỗ, phần lớn là thanh niên làm kinh tế giỏi. Quý I năm 2018 đã cử 03 quần chúng đi học lớp bồi dưỡng kết nạp đảng, tạo nguồn phát triển đảng cho năm 2018 và những năm sau. Năm 2017 chi bộ Bản Nga My đã được BTV Huyện ủy, Đảng ủy tặng giấy khen về thực hiện tốt đề án 01 của Tỉnh ủy.
Anh cũng chia sẻ rằng, làm những việc có lợi cho dân là mình sẽ cố gắng làm bằng được. Anh thường xuyên xuống các bản, gần dân bám dân, tích cực tuyên truyền để bà con trong xã đổi mới cách nghĩ, cách làm và phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, anh còn tích cực vận động, phối hợp hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Anh còn lập facebook “Chợ Châu Nga” cũng như thông qua facebook cá nhân giới thiệu các sản phẩm đặc sản địa phương mà bà con sản xuất được. Đồng thời liên hệ với “Cửa hàng giới thiệu các loại nông sản của huyện Quỳ Châu”, kết nối địa chỉ, số điện thoại để bà con thỏa thuận giá cả, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp. Từ sự kết nối của anh mà nhiều hộ đã có nhiều đơn hàng và xuất bán được các sản phẩm nông sản mình làm ra. Bà con phấn khởi khi sản phẩm làm ra bán được giá, càng chăm lo sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo. Đơn cử như mô hình chăn nuôi của anh Lương Văn Dương bí thư chi đoàn bản Nga My. Từ sự động viên của bí thư đảng ủy Võ Anh Tuấn, anh Dương đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm chuồng trại nuôi ngan, nuôi gà Đông Tảo. Đến thời điểm xuất chuồng, khi đang lúng túng vì chưa có nơi tiêu thụ, bí thư Tuấn đã kết nối giúp gia đình anh xuất bán được hàng trăm con gà Đông Tảo. Rồi gia đình ông Lô Văn Châu, ở bản Tân Tiến, từ địa chỉ “Chợ Châu Nga” cũng đã xuất bán được hàng trăm kg lợn nít. Hay như gia đình ông Lô Văn Cương ở bản Thanh Sơn, thông qua facebook cá nhân của bí thư Tuấn, gia đình ông cũng đã bán hết số gà đến ngày xuất chuồng....
Bí thư Võ Anh Tuấn đã kết nối giúp bà con Châu Nga tiêu thụ được các sản phẩm cây trồng, vật nuôi do chính tay mình sản xuất ra. |
Anh luôn tâm niệm xã, phường và khối, xóm, bản là nơi thực hiện cuối cùng, là những người đưa nghị quyết vào cuộc sống, vì vậy theo anh cần chọn việc, quan tâm từ những việc làm nhỏ. Làm được những việc nhỏ chúng ta sẽ làm được việc lớn hơn. Cụ thể như việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với xã Châu Nga vô cùng khó khăn, bởi vì nguồn lực trong nhân dân hạn hẹp, đến nay xã mới đạt 7/19 tiêu chí, chưa có bản nào đạt chuẩn nông thôn mới. Anh xác định làm được nông thôn mới là làm được nhiều việc, đây là một phong trào toàn diện trên các mặt đời sống xã hội, người dân là chủ thể, nòng cốt. Vì vậy, anh đã cùng với đảng ủy xã tập trung triển khai từ những việc nhỏ, cụ thể: Chọn điểm tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí, lựa chọn tiêu chí ưu tiên để thực hiện như nhà ở; Môi trường, giáo dục, xây dựng chi bộ thôn, bản trong sạch vững mạnh...Trong các tiêu chí đó, lại lựa chọn các mục để tập trung chỉ đạo thực hiện, như vận động nhân dân trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Đảng ủy ban hành công văn hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề “xây dựng vườn rau gia đình”, giao hội phụ nữ chủ trì, hội nông dân, đoàn thanh niên cùng phối hợp thực hiện. Sau một thời gian triển khai, hiện nay ở Châu Nga có trên 70% gia đình có vườn rau, có bản 60/75 hộ có vườn rau sạch, đảm bảo nguồn rau xanh và ATTP.
Dưới sự chỉ đạo của đảng ủy xã, hiện nay ở Châu Nga có trên 70% hộ gia đình có vườn rau sạch, đảm bảo nguồn rau xanh và ATTP. |
Trong rất nhiều việc mà bí thư đảng ủy Võ Anh Tuấn đã làm được. Có thể kể đến như việc quản lý sử dụng công trình nước tự chảy ở bản Nga My có tổng trị giá gần 2 tỷ đồng vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng trong đầu năm nay.. Là địa phương khó khăn về nước sinh hoạt, trước đây được nhà nước đầu tư xây dựng 3 công trình nước tự chảy, tuy nhiên sau khi đưa vào sử dụng đã hư hỏng, không phát huy được hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ những công trình trước, anh chỉ đạo ngay khi công trình vừa mới hoàn thành... Theo đó, đảng ủy xã giao cho UBND xây dựng dự thảo quy chế quản lý sử dụng công trình, tổ chức họp dân, bàn về quy chế sử dụng, mức thu phí quản lý, việc sử dụng khoản đóng góp, thành lập tổ quản lý, bảo vệ…. Sau khi được nhân dân thống nhất và đóng góp 10.000đ/ tháng/hộ (100 hộ), mỗi tháng thu được 1 triệu đồng. Năm đầu tiên các thành viên tổ quản lý bảo vệ tình nguyện không lấy tiền công quản lý, chỉ chi mua vật tư, thay thế thiết bị hư hỏng, còn lại dư bao nhiêu, cuối năm tổ chức liên hoan chung vui cả bản. Đến nay công trình đã sử dụng được 5 tháng, phát huy hiệu quả rất tốt, bà con rất vui mừng phấn khởi...
Gia đình ông Lô Văn Cương ở bản Thanh Sơn, thông qua facebook cá nhân của bí thư Võ Anh Tuấn đã bán hết số gà đến ngày xuất chuồng.... |
Khi được hỏi về động lực hoàn thành nhiệm vụ, bí thư Tuấn cười hiền, mình đi khắp xã, ở đâu mình cũng được bà con tin tưởng, quý mến, đó là động lực để mình nỗ lực làm tốt công việc. Tuy nhiên, hiện nay anh vẫn đau đáu một điều: Châu Nga là 1 trong 4 xã của huyện Quỳ Châu thuộc vùng ATK của Chính phủ, trong đề án phê duyệt của Trung ương, của tỉnh có nêu: Phải xây dựng vùng ATK có mức thu nhập cao hơn mức bình quân trong vùng. Thế nhưng, cho đến nay đầu tư phát triển kinh tế cho vùng này còn rất hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, rất mong được tỉnh quan tâm, hỗ trợ. Trước tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, anh cũng mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, nghành rà soát đất các lâm trường để giao một phần đất lâm nghiệp về cho địa phương, giao cho dân có đất sản xuất, mặc dù huyện và xã đã kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay chưa được xem xét giải quyết. Nếu cắt của lâm trường chia cho dân thì đa phần là những vùng khó khăn, xa dân, không phải là đất sản xuất, chỉ làm nhiệm vụ phòng hộ, đó là điều người dân không mong muốn.
Hiến Chương