Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Di tích lịch sử Chùa bà Bụt

16:48, 19/06/2010
Vùng đất này Sơn thuỷ hữu tình, cảnh trí tươi sáng với dòng lam hiền hòa, thơ mộng và sự bồi đắp của lớp phù sa màu mỡ. Nơi đây, có một ngôi chùa linh thiêng mà sự tích của nó gắn với sự uy minh của một vị tướng có công khai phá cũng như trấn giữ mảnh đất tri châu Nghệ An: Lý Nhật Quang. Ngôi chùa có tên chữ là Tiên Tích Tự nhưng được nhân dân trong vùng gọi bằng cái tên rất

 

Di tích lịch sử văn hoá Chùa Bà Bụt

 

Chùa Bà Bụt nằm ở thôn Thượng Thọ, xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, phủ Anh Sơn nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nguyên xưa chùa Bà Bụt có tên gọi là Chùa Thượng Thọ. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, tại bến đò Trung Lở ngần chùa Thượng Thọ có cô lái đò rất đẹp và duyên dáng. Vào một buổi trưa có một thanh niên trong làng đi ngang qua, thấy cô lái đò xinh đẹp liền buông lời trêu ghẹo. Cô lái đò bỗng nhiên biến hoá thành phật bà 12 tay ngồi lên đầu người thanh niên và bắt anh đội vào một lùm cây xanh. Đến nơi anh ta thấy đầu nhẹ bỗng, một đám mây ngũ sắc đang từ từ bay lên trời. Cũng từ đó nhân dân đổi tên chùa Thượng Thọ thành chùa Tiên Tích và dân gian thường gọi là chùa Bà Bụt.

Sử sách lưu truyền, thời kỳ Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 vua Lý Thái Tổ) được bổ làm Tri châu Nghệ An, ông đã tổ chức khai hoang mở đất, xây dựng và phát triển kinh tế. Phật bà Quan Âm ở chùa Bà Bụt đã phù giúp Lý Nhật Quang gặp nhiều thuận lợi, may mắn.

Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh giặc thắng lợi. Tương truyền, Lý Nhật Quang đi đánh giặc Lão Qua, bị trọng thương, ngựa về đến Bạch Đường, thôn Thượng Thọ (nay là xã Lam Sơn) có bà Tiên (ở Tiên Tích Tự) báo với ngài rằng: "Quả Sơn là nơi địa linh, muôn đời có thể hoá thân ở xứ ấy".

Nghe lời bà Tiên, Ngài về đến Quả Sơn thì qui hoá. Quan quân bèn xây dựng phần mộ lập đền ở Quả Sơn. Do đó hàng năm có tục lễ "nghinh xuân" vào ngày 20 tháng Giêng, rước di tượng Lý Nhật Quang từ đền Quả Sơn đến chùa Bà Bụt lễ tạ long trọng.

Ngôi chùa được nhân dân xây dựng năm 1007, trên một mảnh đất rộng, phía trước là sông Lam hiền hoà, thơ mộng. Phía sau, Chùa tựa lưng vào chân núi Hội như một bức tường thành bảo vệ, che chắn giúp ngôi Chùa vượt qua bao biến thiên của lịch sử để trường tồn với thời gian. Lối kiến trúc cổ đã có từ ngàn năm, ngôi chùa mang một vẻ đẹp độc đáo và riêng nhất.

Không có sự hoàng tráng uy linh của vẻ bề ngoài nhưng bên trong lại tiềm ẩn một vẻ đẹp kỳ bí và linh thiêng. Sự tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc, sự khác biệt trong cấu trúc, sự sâu sắc trong các tầng nghĩa của mỗi chi tiết, hoạ tiết trang trí đã mang đến cho chùa Bà Bụt một sức hấp dẫn lạ kỳ đối với người dân trong vùng cũng như du khách thập phương. Đúng như lời hai câu đối ở cột hiên trước:

Thắng cảnh hảo chung thiên địa chí
                             Danh lam biệt chiến cổ kim kỳ”
Tạm dịch là “cảnh tuyệt đẹp, trời đất hun đúc chốn này
                   Hội danh lam xưa nức tiếng lạ kỳ”
Lời thơ vừa ngợi ca vẻ đẹp ngôi chùa vừa ngợi ca vẻ đẹp một vùng đất địa linh với thế núi, dáng sông hữu tình hữu ý.
Bước chân vào nhà bái đường ta bắt gặp một bức phù điêu chạm trổ tinh tế với những đường nét hoa văn cổ xưa. Trên bức phù điêu có, hình chín con rồng hướng vào nhau uốn lượn, tạo sự uy nghiêm và độc đáo. Trên các bờ giải, bờ nóc được đắp hoạ tiết trang trí cũng bằng hình ảnh tượng trưng là con rồng. Song rồng ở đây được nghệ nhân thể hiÖn chỉ một con với đầy đủ bộ phận: đầu, mình, đuôi uốn rất mềm mại, đẹp mắt.
Trên bức hoành phi của cung thờ có dòng chữ hán to là tên của chữ của ngôi chùa: “Tiên tích tự”có nghĩa là dấu tích bà tiên bà bụt. Và bốn chữ “Phật nhật tăng hy” được khắc ở phía trên bức hoành phi có nghĩa là “trời phật toả sáng” đã cho thấy lòng tin cũng như sự tích về chùa bà Bụt là hoàn toàn có thật trong lòng dân chúng và được họ thần thánh hoá bằng chính sự ngưỡng vọng tâm linh từ bao đời nay của người dân xã Lam Sơn cũng như du khách thập phương.
Có thể nói chùa Bà bụt là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất và có số lượng các pho tượng lớn với 28 bức. Trong đó có nhiều pho tượng cổ quý, đặc biệt là tượng phật bà quan âm 12 tay, và tượng cửu Long…Tượng Cửu Long được đặt ở giữa ngay hàng thứ nhất của cung thờ. Tựợng đứng trên đài sen, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Vành hào quang toả ra xung quanh thân tượng được tạo bởi 9 con rồng. Tượng trưng cho 9 dòng sông, chín ngọn núi, và chín dòng họ vua hùng hay nói đúng hơn 9 con rồng này thể hiện cho dòng giống con rồng cháu tiên của người dân Việt Nam từ thủa hồng hoang. Bên cạnh những giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn của bức tượng Cửu Long thì tượng phật bà quan âm lại là pho tượng cổ duy nhất còn sót lại từ ngày ngôi chùa được xây dựng. Bức tượng to cao được bài trí trang trọng nhất. Tượng phật bà với khuôn mặt dịu hiền, đức độ. Cánh tay với nhiều tư thế nhưng vẫn thể hiện đựoc sự thon thả mềm mại. Chân tượng khoanh tròn trên đài sen. Và đội đài sen là một đầu quỷ hình người hung giữ. Điều này thể hiện sự quy thuận của cái ác và cũng đúng như câu chuyện kể trong truyền thuyết về sự tích ngôi chùa. Từ hình dáng đến các chi tiết chạm trổ làm pho tượng toát lên vẻ thánh thiện, thanh cao và đức độ mà ngươi phàm trần không bao giờ có được. Cũng chín sự thánh thiện đó đã khiến cho các phật tử mỗi khi đến chuà, tâm hồn bất chợt nhẹ nhàng và thư thái.
Hàng năm cứ vào ngày 20, 21 tháng giêng âm lịch. Nhân dân trong vùng và du khách về chùa rất đông. Nơi đây, diễn ra một tục lệ mang đậm bản sắc văn hóa, người xưa gọi là lễ “Hạ Linh” tức là lễ tạ ơn bà Bụt. Buổi lễ tạ diễn ra trang nghiêm. Sau khi đoàn rước bộ và đoàn rước thủy làm lễ xuất thần tại Đền Quả Sơn thì rước di tượng Lý Nhật Quang về chuà Bà bụt để làm lễ tạ ơn. Lễ tạ diễn ra trước sự chứng kiến của mọi người dân, các vị bô lão chức sắc trong làng. Cũng vì thế mà từ xa xưa người dân Đô Lương đã cho rằng nếu không có bà Bụt thì không có Đền quả Sơn. Điều này cho thấy mối quan hệ khăng khít, hài hòa giữa hai di tích mang đậm giá trị lịch sử này.
Với những giá trị lịch sử lâu đời, lối kiến trúc cổ, riêng biệt, sự linh thiêng và ngưỡng vọng mà nhân dân dành cho Chùa Bà Bụt, ngôi chùa xứng đáng là Di tích lịch sử cấp tỉnh và cao hơn nữa. Bởi nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân xã Lam Sơn mà còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn nằm trong cụm di tích đền Quả Sơn. Lưu giữ trùng tu để chùa ngày càng phát triển xứng đáng với giá trị lịch sử to lớn của nó và cũng là di tích để con cháu ngàn đời sau luôn hướng về nguồn cội với truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Xác định được điều đó, chính quyền xã đã có những chính sách cũng như sự quan tâm đúng mực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Ông Đặng Xuân Thành chủ tịch xã Lam Sơn, Đô Lương cho biết:“Ngôi chùa đã có từ ngàn năm nay, vì thế chúng tôi bảo tồn cũng như phát huy những giá trị lịch sử lâu đời nhằm giáo dục truyền thống uống nứoc nhớ nguồn cho thế hệ trẻ. Mặt khác chúng tôi cũng tha thiết mong cấp trên xem xét đưa di tích lịch sử Chùa Bà Bụt trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia để ngôi chùa xứng tầm với những giá trị lịch sử cổ xưa vốn có”
(Khánh Ly)