Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Kênh nhà Lê ở Diễn Châu (Phần 3): Kênh Mi và vựa lúa Phủ Diễn

09:07, 26/06/2010
Trên bản đồ phân bố các di tích, danh thắng ở Nghệ An, Diễn Châu nổi lên như một minh chứng đầy thuyết phục về một vùng đất có lịch sử - văn hóa lâu đời - một vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong đó, nhiều thế hệ người Diễn Châu đã đóng góp công sức đào kênh, ngăn đập, khai khẩn đất đai, làm nên

 

Kênh nhà Lê (phần 1)

Kênh nhà Lê (phần 2)

 

 

Uốn lượn giữa đôi bờ ngô khoai xanh mướt, thơ mộng có thể ví Mi Giang mềm mại và duyên dáng như lông mày lá liễu của một người thiếu nữ đang độ tuổi xuân thì. Bên dòng Mi Giang - một nhánh của kênh đào Nhà Lê, nhiều di tích văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử của con người và vùng đất Diễn Châu trong công cuộc xây dựng quê hương.

 

Kênh Mi bắt đầu từ cửa Thai của xã Quỳnh Thọ - huyện Quỳnh Lưu, tiếp giáp 2 xã Diễn Hùng và Diễn Hoàng của huyện Diễn Châu và đi qua 8 xã gồm các xã Diễn Mỹ, Diễn Hải, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Kỷ, Diễn Bích, Diễn Ngọc và Diễn Quảng.

 

Tương truyền, đoạn kênh này được giao cho Đô đốc Me chỉ huy đào, vì thế thôn Ngọc Mỹ - tên cũ là Mỹ Khúc thuộc xã Diễn Hùng trước còn có tên gọi là Kẻ Me.

 

Bên bờ tả kênh Mi, hướng ra phía biển Đông, trên địa phận xã Diễn Hải có hòn Câu là một danh thắng của huyện Diễn Châu. Tích xưa kể rằng: Khi trời đất còn hỗn độn, một vị thần đã gánh núi, đắp non để sắp xếp lại. Trong lúc đang gánh 2 hòn núi thì bị vấp chân. Vì vậy, một hòn văng vào bờ thành lèn Hai Vai, còn 1 hòn thì văng xuống biển thành Hòn Câu.

 

Một huyền thoại khác kể, Vua Triệu Quang Phục sau khi bị thất bại, đem con gái chạy xuống phía Nam bằng đường thuỷ, không may bị gió to, sóng lớn làm lật thuyền, xác giạt vào Hòn Câu ở làng Đông Câu xã Diễn Hải ngày nay. Dân ở đây đã lập đền thờ hương khói. Trải qua nhiều triều đại và thời gian, nay đền không còn nguyên vẹn, chỉ còn một số phế tích cũ.

 

Sông Mi còn là nguồn nước chính cho hệ thống kênh hào bao quanh bảo vệ thành Trài, do đó đoạn kênh này còn được gọi là kênh Hào. Thành Trài nay thuộc địa bàn xã Diễn Phong vốn được xây dựng từ thời nhà Hồ, có kết cấu như các thành luỹ xưa, ngoài cửa chính vào thành thì có hào bao quanh, có cửa sông để thuyền bè ra vào thành. Cửa sông này vừa là giao thương, vừa vận lương chuyển binh và cũng là cửa thoát hiểm khi thành thất thủ.

 

Thời thuộc Minh, nhà Minh đưa quân sang xâm lược nước ta, cho binh lính đóng ở thành Trài nay là vùng Diễn Phong. Sau khi quân nhà Minh bị Lê Lợi đánh bại, Thành Trài thất thủ, một số binh lĩnh nhà Minh còn lại đã ở lại sinh sống với cư dân ở đây và dần dần Việt hoá. Nay còn lại những dòng họ nhỏ gốc Trung Quốc như họ Giao, họ Liễu, họ Mã, họ Lại, họ Chung, họ Tằng, họ Hứa, họ Bằng ở rải rác các xã Diễn Hồng, Diễn Quảng, Diễn Hạnh.

 

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ XV, vị trí và vai trò chiến lược của vùng Hoan Diễn càng nổi bật, Hồ Quý Ly từng phái nhiều tướng lĩnh tín cẩn vào xem xét vùng đất Tây Bắc Diễn Châu, xây dựng thành Trài rào chắn Lạch Vạn làm hậu cứ chống giặc lâu dài. Thành Trài được đắp bằng đất và bao quanh thành là hệ thống sông đào có tên gọi Cổ Hạc. Hiện nay, dấu tích bờ thành vẫn còn rất rõ và con sông Cổ Hạc vẫn còn.  

 

Cửa ra vào thành Trài là cửa Vạn, còn gọi là Vạn Phần. Đây là nơi Đinh Lễ - 1 viên tướng của Lê Lợi đã mai phục và đánh tan đội chiến thuyền của quân Minh đi ứng cứu thành Trài, góp phần đập tan kế hoạch tiếp viện cố thủ và ý định phản công chiếm lại Nghệ An của chúng.

 

Cửa Vạn Phần cũng là quê hương của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - một tướng quân có nhiều công trạng trong công cuộc chống giặc Nguyên Mông bảo vệ đất nước. Hiện bên cửa Vạn còn có đền thờ ông rất linh thiêng. Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn là vị thần được nhiều cư dân vùng ven sông, ven biển thờ phụng. Ông vốn là người giỏi võ nghệ, có biệt tài về bơi lội, năm 1228 lập  nhiều công trạng trong chống Nguyên Mông, được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dùng làm nội thư gia, rồi trở thành 1 tướng giỏi trong đội thủy chiến của triều Trần. Về sau được phong làm Sát Hải Đại tướng quân trấn giữ các cửa biển từ Hải Phòng đến Nghệ An.

 

Từ sông Bùng, kênh nhà Lê được đào thông tiếp cho đến Sông Cấm. Sách “Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược Nghệ An tỉnh” có ghi về đoạn sông này như sau: “Một dòng kênh nhỏ, từ thôn Thổ Hậu, qua xã Phú Hậu, tổng Quan Trung, xã Nho Lâm, tổng Cao Xá, ngoằn nghèo chảy đến kênh Sắt, bến đò Sông Cấm rồi hợp dòng đổ xuống cửa biển, dài 9 dặm, rộng 7 trượng, triều lên sâu 5 thước, triều xuống sâu 3 thước...”

Kênh từ làng Thổ Hậu, thuộc xã Diễn Quảng, chảy qua xã Diễn Phúc và Diễn Cát được gọi là sông Đạu. Sông Đạu là nguồn nước cho các kênh rạch tưới tiêu đồng ruộng các xã Diễn Cát, Diễn Thọ. Từ xưa, vùng đất này là đồn điền Biện Sở tộc, do quan Hầu Tạ Công Luyện lập ra vào triều Lê Thánh Tông năm 1471. Ông được vua cử làm phó sứ Luyện Khê Hầu, với nhiệm vụ chiêu dân, khai khẩn, lập đồn điền để sản xuất và tích trữ lương thực cho triều đình. Ghi nhận công lao của ông, nhân dân trong vùng thờ làm Thành Hoàng làng ở đình Nam xã Diễn Cát.

 

Qua Diễn Cát và Diễn Thọ, Sông Đạu chảy tiếp qua làng Nho Lâm xã Diễn Thọ và Diễn Lộc đến phần đất Diễn An là đến Thiên uy cảng và Kênh Sắt.

 

Theo “Nho Lâm phong thổ ký” từ khi sinh ra làng Nho Lâm đã có nghề luyện quặng sắt mà bà con gọi là quánh. Ngày xưa những người luyện quánh phải tổ chức thành phường, gọi là phường Quánh hay là phường Lò Hông.  Khi nghề luyện sắt thành thịnh, cả xã Nho Lâm có trên 400 lò hông. Các súng thần công mà ta còn thấy ở các tỉnh, thành phủ ở Nghệ Tĩnh được đúc từ thời Gia Long, Minh Mạng và các thế kỷ trước cũng do bàn tay khéo léo và cần cù của người thợ lò hông Nho Lâm.

 

Phường của những người làm nghề rèn Nho Lâm thờ ông Cao Lỗ, người đã truyền cho họ nghề này. Chuyện kể rằng, ở làng Nho Lâm - quê hương Cao Lỗ có mỏ sắt. Cao Lỗ biết rằng nếu có thể làm lưỡi cày, dao, kiếm bằng sắt thì sẽ tốt hơn cả đồng. Ở nước ta lúc bấy giờ chưa có nghề rèn vì thế Cao Lỗ đã cất công sang Tàu học nghề.

 

Sau khi nắm vững kỹ thuật luyện sắt, trở về quê, Cao Lỗ dựng lò rèn, rủ người vào núi lấy quặng nấu thành gang, sản xuất lưỡi cày, dao, mác, ... Ông vừa sản xuất, vừa truyền nghề. Dân làng ai cũng cảm phục tài nghệ của ông. Quê ông, người ta đặt tên là xã Cao Xá, nghĩa là: nơi ở của người họ Cao. Nhân dân còn lập đền thờ ông ở động Tù Và nay thuộc xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trong bài vị có viết: "Tiên Hoàng sơ thủy tổ Cao Lỗ hiệu Lư Sơn thiết khí tôn thần".

 

Sau này, sách “Bách nghệ tổ sư” cũng ghi lại: "Lư Cao Sơn làng Nho Lâm, thế kỷ III trước Công nguyên bỏ công mười năm sang Trung Quốc học nghề rèn về truyền lại cho dân

 

Về nhân vật Cao Lỗ, truyện dân gian cũng kể rằng, thế kỷ III trước công nguyên có Cao Lỗ còn gọi là Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương. Khi vua Hùng đã quá già yếu, Cao Lỗ khuyên Vua nhường ngôi cho Thục Phán. Ngày vua Hùng nhường ngôi là ngày mồng 6 tháng Giêng, sau trở thành ngày hội truyền thống của Cổ Loa.

 

Cao Lỗ còn là người sáng chế ra nỏ liên châu, bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hoá gọi thứ vũ khí lợi hại ấy là “Linh quang thần cơ”. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: “Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”. Chuyện nỏ thần của tướng quân Cao Lỗ gắn với sự tồn vong của triều Vua Thục An Dương Vương và chuyện tình bi thảm oan trái của nàng Mỵ Châu. Hiện đền Cuông thờ đức Vua và nàng Mỵ Châu ở xã Diễn An vẫn ngày ngày được nhân dân hương khói.

 

Đền thờ Thục An Dương Vương

 

Từ xã Diễn An, kênh nhà Lê tiếp tục chảy về địa phận huyện Nghi Lộc và có tên gọi là kênh Sắt.

 

Kênh Nhà Lê trên đất Diễn Châu đã góp phần to lớn trong tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đưa Phủ Diễn được nhiều nơi biết đến không chỉ là một trung tâm kinh tế - chính trị là còn là 1 vựa lúa của cả vùng rộng lớn.

 

Dù đi qua nhiều địa phận với nhiều tên gọi khác nhau - Mi giang hay sông Đạu thì kênh nhà Lê đã và đang vẫn thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình từ khởi thủy cho đến sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn của Diễn Châu trong công cuộc đổi mới hiện nay và mai sau.

 

(Việt Anh)