Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Kênh Nhà Lê trên đất Nghệ An - Phần 1

15:00, 25/06/2010
Non cao ai đắp mà cao/ Sông sâu ai bới, ai đào mà sâu! Hai câu thơ đó không chỉ là ca ngợi vẻ đẹp của non sông mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trong công cuộc đào kênh, đắp đập, dời non, lấp bể để xây dựng đất nước và cuộc sống ngày càng giàu đẹp. Và trong muôn vàn cuộc “thay trời đổi đất” ấy, Kênh Nhà Lê trên đất Nghệ An là một bản hùng ca đẹp

 

Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú, Đất xứ Nghệ được đánh giá là vùng đất: “làm giới hạn cho hai miền Nam - Bắc, thực là nơi hiểm yếu, như thành đồng ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại”. Chính từ vị trí đặc biệt này mà từ triều đại Đinh, Lê cho đến các triều đại kế tiếp sau này đều chú ý xây dựng Hoan - Diễn thành một hậu phương vững chắc cho sự phát triển của nhà nước phong kiến thời đại mình.

 

Để xây dựng xứ Nghệ thành một căn cứ vừa bảo vệ Kinh đô và đất nước ở phía Bắc, giữ yên biên giới phía Nam, vừa phát triển sản xuất, xây dựng nguồn lương thảo dự trữ phòng khi có ngoại xâm đồng thời cũng như là nơi lui binh bảo toàn lực lượng khi cần thiết, hệ thống đường thủy nội địa là một biện pháp được lựa chọn. Bởi lẽ, thuở ấy, đường biển thì thời tiết thất thường, phương tiện còn thô sơ, đường bộ thì hiểm trở, khi có sự biến thì cần phải nhanh chóng ứng phó. Vì thế, năm 983, Vua Lê Đại Hành đã nhìn xa trông rộng, cho khởi đào một tuyến đường thủy thông từ kinh đô Hoa Lư vào đến xứ Nghệ. Các triều vua sau đó lại tiếp tục mở rộng, khơi sâu hệ thống này bằng các con kênh liên hoàn nối liền các con sông tự nhiên thành mạng lưới.

 

 

Đây là một ý tưởng hết sức độc đáo, mang tầm chiến lược về quân sự và kinh tế xuyên suốt cả nghìn năm. Hệ thống đường thủy này là các con sông (còn gọi là kênh) nối liền với các dòng sông thiên nhiên tạo thành một mạng lưới xuyên suốt từ Bắc vào Nam .

 

Tuyến đường này vừa là một tuyến giao thông thuận tiện, an toàn, vừa tạo được cảnh quan môi trường, vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất đai, hạn chế lũ lụt thiên tai, lại vừa thông thương buôn bán giữa các vùng với nhau. Và trong chiều dài lịch sử tồn tại của mình, Kênh nhà Lê đã đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cho đến nay, hệ thống Kênh nhà Lê vẫn luôn phát huy vai trò và vị trí của mình trong đời sống cũng như về mai sau.

 

Tuyến đường thủy Kênh Nhà Lê khởi đầu từ núi Đồng Cổ, sông Mã của tỉnh Thanh Hóa vào đến tận đèo Ngang tỉnh Hà Tĩnh. Con sông đào này hòa cùng hệ thống kênh rạch thiên nhiên xứ Nghệ đem lại nhiều nguồn lợi về kinh tế, xã hội cho nhiều vùng quê qua hàng nghìn năm nay và cùng đã viết nên nhiều kỳ tích huyền thoại trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân vùng đất cát gió Lào.

 

Lịch sử khai sinh kênh nhà Lê bắt đầu từ triều đại Lê Hoàn – Lê Đại Hành. Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Các sử chép lại đều có nhiều ý kiến khác nhau về quê hương của Lê Hoàn là: Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình. Hiện nay, ở Ninh Bình và Thanh Hóa đều có đền thờ phụng.

 

Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống giặc Tống phương Bắc, giặc Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, thủ đô hiện tại của Việt Nam.

 

Sau khi dẹp loạn trong Nam ngoài Bắc, định yên bờ cõi, vua Lê Đại Hành đã tiến hành tổ chức xây dựng đất nước. Sự kiện vào năm Thiên Phúc thứ 8 – 987, mùa Xuân Đinh Hợi, nhà vua lần đầu tiên cày ruộng được chính sử ghi chép lại. Từ đó về sau, Tịch điền là 1 lễ nghi được nhiều vương triều sau này tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

 

Khởi đầu xây dựng Kênh nhà Lê, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Quý Mùi (Thiên Phúc) năm thứ 4 (983). Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mệt mỏi, đường biển thì sóng to, bèn sai người đào kênh. Đến đây làm xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”. Như vậy, kênh đào đầu tiên của hệ thống kênh nhà Lê sau này là từ Quảng Xương ngày nay kéo dài đến Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Từ đây, có thể đi đường thủy từ sông Mã theo vào đến Nghệ An, rồi từ Nghệ An tiến ra biển vào Nam . Có kênh đào, việc chuyển binh, vận lương viễn chinh đánh Chiêm Thành của Lê Hoàn đều thông suốt. Nhận thấy thế mạnh này, kênh Nhà Lê đoạn qua Nghệ An nối từ sông Bà Hòa (Tĩnh Gia – Thanh Hóa) kết với sông Lam, rồi từ sông Lam chạy vào đến Kỳ Anh – Hà Tĩnh đều cùng lúc được đào với kênh Nhà Lê đoạn qua Thanh Hóa.

 

Để động viên nhân dân, năm 1003, đích thân vua Lê Đại Hành trực tiếp vào Hoan Châu chỉ huy việc nạo vét kênh nhà Lê, đoạn Chính Đích - huyện Hưng Nguyên. Nói về sự kiện này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép rằng: “Quý Mão (ứng Thiên) năm thứ 10 (1003) Tống Hàm Bình (năm thứ 6) vua đi Hoan Châu vét kênh Đa Cái (nay là Hoa Cái) thẳng đến Tư Củng trường ở Ám Châu”.

 

Mục đích xây dựng hệ thống kênh đào nhà Lê là nối thông các con sông tự nhiên thành 1 hệ thống giao thông đường thủy thông suốt. Và ở Nghệ An, từ các con kênh đào này, từ Quỳnh Lưu phía Bắc đến sông Lam ở phía Nam, hệ thống sông ngòi đã được nối liền thành tuyến. Theo mạng lưới này, thuyền bè có thể từ các bến cảng như: Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội... đến tất cả các vùng đồng bằng Diễn - Yên - Quỳnh và Nam – Hưng – Nghi giao thương buôn bán, lại có thể đi thông ra Thanh Hóa, đến Kinh đô Hoa Lư, ra Bắc hay từ đó xuôi thuyền vào tận Đèo Ngang.

 

Từ Thời Nhà Lê cho đến các triều đại kế tiếp, hệ thống đường thủy này được sử dụng liên tục để vận binh, chuyển lương trong các cuộc viễn chinh bình định phía Nam, dẹp ngoại xâm phương Bắc góp phần mở mang bờ cõi cũng như xây dựng giang san ngày càng hưng thịnh.

 

Các kênh đào chính được nhân dân và sử sách gọi là Kênh Nhà Lê ở Nghệ An gồm các dòng sau: Kênh Mơ - nối liền sông Hoàng Mai và sông Thơi. Kênh Dâu - nối sông Thơi với sông Hàu. Kênh Mi Giang - nối sông Thơi với sông Bùng. Kênh Sắt - nối sông Bùng với sông Cấm. Kênh Gai - Kênh Chính Đích - sông Vinh nối sông Cấm với sông Lam.

 

Trong quá trình tồn tại, Kênh nhà Lê đã trở thành con đường huyết mạch về thủy lợi, giao thông trong thời bình cũng như thời chiến. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kênh nhà Lê là một tuyến đường thủy huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam .

 

Những năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay ném bom để thực hiện cuộc chiến phá hoại miền Bắc, Các tuyến giao thông huyết mạch đều bị máy bay địch dội bom phong toả ác liệt. Trong bối cảnh đó, Cục Vận tải đường sông nay là Cục Đường sông đã  khảo sát, để mở luồng dự trữ, thay thế khi các tuyến sông chính bị phong toả, tắc nghẽn do sập cầu. Tuyến vận tải trên kênh đào Nhà Lê được khôi phục lại từ đó.

 

Với chiều dài trên 500km, kênh đào Nhà Lê được nạo vét bắt đầu từ huyện Yên Mô, Ninh Bình xuyên qua Thanh Hoá, Nghệ An đến huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hoá từ phía Bắc vào Nghệ An, Hà Tĩnh để phục vụ chiến trường rất cấp bách, Bộ GTVT đã huy động các thuyền có trọng tải từ 15 tấn trở xuống chuyên làm nghĩa vụ vận tải trên tuyến kênh Nhà Lê. Đồng thời, điều động 3 đại đội thanh niên xung phong với tổng số gần 1.000 đội viên nam, nữ chốt tại các khúc kênh quan trọng như kênh Son, Ma Đa, Cấm, Sắt...

 

Nhiều đoạn kênh đào Nhà Lê bị địch đánh phá dữ dội, nhằm ngăn hoạt động vận tải thuỷ vào Khu IV cũ. Dù vậy, các loại thuyền nan, sà lan trọng tải 10 - 12 tấn của ngành GTVT và các địa phương không sợ bom rơi, bão đạn để đưa hàng vào Vinh an toàn. Vượt qua bao bom đạn, con kênh này vẫn thông suốt ngày đêm và là con đường luân chuyển hàng hoá, lương thực, thực phẩm, vũ khí từ Miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

 

Sau ngày thống nhất, con kênh lại trở thành đường thuỷ vận chuyển hàng hoá và giao thương qua lại của nhân dân giữa huyện này với huyện khác. Với bề rộng từ 10-12m, sâu 3-4m, thuyền bè có thể đi lại dễ dàng trên kênh nhà Lê.

 

Chiến tranh đã đi qua, giờ đây, trên bản đồ giao thông vận tải thuỷ nội địa hiện đại không còn tồn tại cái tên "kênh Nhà Lê", nhưng thuỷ danh này đã một thời ghi dấu những chiến công hào hùng của ngành GTVT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.

 

Kênh Nhà Lê hình thành từ hàng nghìn năm, vượt qua bao vùng đất 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, không những là một chứng tích lịch sử mà còn là niềm tự hào trong công cuộc “sắp xếp lại giang sơn của nhân dân xứ Nghệ xưa và nay. Kênh Nhà Lê đã được công nhận là di tích lịch sử. Bên dòng Kênh Sắt, ngành GTVT đã xây dựng tượng đài tưởng niệm công lao của vua Lê, cùng các thế hệ cha anh đi trước.

 

Cùng kênh nhà Lê, quần thể những điểm tham quan kỳ thú như Đền Cờn, Hòn Câu, Kênh Sắt - Thiết Cảng, núi Mộ Dạ, Đền Cuông, Bãi Lữ, Cửa Hiền, đền vua Quang Trung, du thuyền trên Sông Lam…đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút du khách đến với vẻ đẹp xứ Nghệ “nước biếc non xanh”.

(Việt Anh)