Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Kênh Nhà Lê trên đất Nghệ An (Phần 2):Kênh Mơ và đất Quỳnh trù phú

08:02, 26/06/2010
Trong hệ thống kênh Nhà Lê trên đất Nghệ An đi qua Quỳnh Lưu, thì kênh Mơ nối liền các dòng sông tự nhiên là sông Thơi, sông Hoàng Mai, sông Hàu không chỉ góp phần làm cho công cuộc sản xuất nông nghiệp ở Quỳnh Lưu có những bước tiến mà còn tạo nên một Quỳnh Lưu có nền kinh tế biển phát triển mạnh mẽ.

Kênh nhà Lê - Phần 1

 

 

Từ ranh giới phía Bắc Nghệ An thuộc địa phận xã Hoàng Mai, vua Lê Hoàn cho đào sông Bà Hoà, thuộc xã Tân Trường – Tĩnh Gia – Thanh Hoá theo hướng Nam, men theo chân núi Xước nối với sông Hoàng Mai và kênh Xước của huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An.   

 

Con kênh này tiếp tục chạy từ các địa danh Sòi, Trẹ của xã Quỳnh Lộc đổ vào sông Hoàng Mai ở phía Bắc làng Ngọc Huy gọi là kênh Son.

 

Từ làng Ngọc Huy, kênh Son chảy qua các xã vùng Bãi Ngang, nối các dòng sông tự nhiên thành một mạng lưới đường thuỷ thông suốt trên toàn địa phận và có tên gọi là Kênh Mơ. Nhân dân trong vùng thường gọi là kênh Mai Giang, kênh Ngọc Để. Một nhánh kênh khác chảy từ cầu Ngò, trên sông Thai hiện nay, chảy xuống Phú Nghĩa rồi hợp nối với kênh Mơ gọi là kênh Dâu. Điểm cuối cùng của kênh Mơ là đổ ra Cửa Quèn.

 

Nguồn nước từ sông Hoàng Mai toả đi khắp mọi vùng theo lòng các con kênh đào đã tưới mát cho các cánh đồng, cho lúa, ngô thêm xanh, tạo cảnh quan thêm tươi đẹp. Bên sông Hoàng Mai còn có rất nhiều những di tích đền chùa đẹp, linh thiêng như Chùa Bảo Minh, đền Bình An, đền Vưu. Các ngôi đền này đều thờ vọng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - hoàng tử thứ tám của Lý Công Uẩn – Lý Thái Tông (1028 -1054).

 

Các nhà viết sử triều Nguyễn đã viết: “Thần họ Lý, húy là Nhật Quang, là con thứ tám của vua Lý Thái Tông, được phong Uy Minh Vương, coi phủ Nghệ An, có chính tính tốt, nhân dân mến phục. Bấy giờ, có bộ lạc ở trong nước làm phản, vua Chiêm Thành sai sứ sang cầu viện nước ta. Vua Lý Thái Tông sai con là Uy Minh Vương đem quân vào cửa Thị Nại đóng ở dưới núi Tam Tòa. Vua Chiêm đón rước ở đó. Các bộ lạc làm phản biết tin đều đem quân đến sụp lạy và cam đoan theo lệnh vua Chiêm không dám hai lòng. Khi Uy Minh Vương về, người Chàm nhớ công đức bèn lập đền thờ ở núi Tam Tòa…”.

 

Đền thờ chính của Lý Nhật Quang được lập tại xã Bạch Đường, huyện Nam Đường, tức Đô Lương ngày nay, nơi mà Ngài đã sống những ngày cuối đời. Còn những nơi khác, rải rác khắp trong châu Nghệ An mà suốt 16 năm qua Ngài đã từng gắn bó, nhiều đền thờ nữa cũng được lập nên. Ngày tuần, ngày tiết, rồi ngày Tết, ngày kỵ giỗ, dân chúng đều đến thắp hương dâng lễ vật, để tưởng nhớ và cầu mong Ngài làm cho mưa thuận gió hòa, cho sản vật dồi dào và mọi người an cư lạc nghiệp ... Những lời cầu mong ấy bao giờ cũng được đáp ứng. Ở các triều tiếp sau đều có sắc phong ghi nhận công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và xem Ngài là đại phúc thần của cả châu Nghệ An.

 

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm tri châu Nghệ An, đã thực hiện nhiệm vụ lập kho trại Bà Hoà, khơi sâu và mở rộng Kênh Xước và lập cảng Xước để thuyền bè có thể thông ra biển phục vụ vận lương, chuyển binh đánh dẹp Chiêm Thành. Kênh Xước và Cảng Xước hiện nay bắt nguồn từ tên Núi Xước - một ngọn núi thuộc địa phận 2 xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc. Cảng Xước nằm trên kênh Xước -  đoạn sông chảy qua cửa Càn, còn gọi là cửa Cồn, vốn là nơi vận chuyển và cũng là nơi tích trữ lương thực, kho vũ khí và nơi luyện quân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của các triều đại khi tiến về Phương Nam. Sử cũ còn chép lại, năm 1285, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, nhân dân Quỳnh Lưu đã lập chiến công chống quân Toa Đô kéo quân từ phía nam ra cảng Xước dọc theo các chân núi phía bắc huyện.

 

Từ Lộc Thủy thuộc xã Quỳnh Bảng về hướng Bắc khoảng bảy cây số đến tận cùng bãi Ngang sẽ gặp lạch Càn. Qua cửa Càn về phía Bắc là làng Trắp nép mình dưới chân núi Xước bên cạnh núi Voi. Đó là một dãy núi đồi nối dài từ Trường Sơn ra tận bờ biển. Nước nguồn từ dãy Trường Sơn tập trung về vùng rừng núi Văn Lâm rồi chảy qua bến Nghé xã Quỳnh Thắng, xuôi giòng xuống Hoàng Mai, đi qua làng Trắp và đổ vào lạch Càn, nơi đó cùng với nước sông Mơ lưu chuyển từ lạch Quèn tới để cùng nhau xuôi giòng ra biển. Từ cửa Càn nhìn ra biển, ta có thể thấy hòn Mê ở phía Bắc và hòn Ói ở phía Nam nhô lên giữa biển, cách đất liền không xa.

 

Cửa Cờn cũng là chỗ sông Mai tiếp nhận nước kênh Mơ từ lạch Quèn chảy tới rồi cùng đi ra biển. Đối diện với đền Cờn, bên kia sông Mai, phía Tây là dãy núi Voi như bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ. Núi Xước nhấp nhô phía Bắc như con rồng to đang uốn mình trước khi nhào xuống biển.

 

Cùng với vẻ đẹp của sông Hoàng Mai đã đi vào thi ca, bên dòng kênh Mơ còn có rất nhiều danh thắng làm nên cảnh sắc hữu tình, thơ mộng của đất Quỳnh.- mảnh đất giàu truyền thống văn hoá.

 

Trên bờ hữu ngạn kênh Mơ đi qua xã Quỳnh Phương, có đền Cờn  thờ Tứ vị Thánh nương rất linh thiêng. Đền Cờn được xếp đầu bảng trong 4 danh thắng tâm linh của xứ Nghệ “Nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”. Đền Cờn gồm có Đền Cờn trong và Đền Cờn ngoài. Qua thư tịch và các cụ già kể lại, thì đền thờ tứ vị Thánh nương ở làng Hương Cần lúc đầu làm bằng tranh tre nứa lá nhỏ bé. Sau này được xây dựng quy mô thành ngôi đền đứng đầu Nghệ An bởi có sự quan tâm của vua Trần Anh Tông từ năm 1312. Đến thời vua Lê Thánh tông, 1472, đền tiếp tục được xây dựng thêm 2 tòa khiến di tích trở nên uy nghi soi bóng bên bờ Mai giang.

 

Nói đến đền Cờn, không thể không đề cập đến địa thế nơi đây. Được xây dựng trên khu đất cao, rộng, áp sát bờ sông. Xa xa có núi từ 4 phía chầu về, phía sau có biển rộng, xung quanh có bóng dừa xanh. Trên địa thế phong thủy hữu tình, công trình được trải rộng theo phong cách cung đình. Trên nền cao, toà nghi môn sừng sững ở vị trí mặt tiền. Xưa đây là 1 công trình mái cong, kiểu chuông diêm 2 tầng. Công trình này được gọi nhà ca vũ vì nơi đây thường tổ chức ca hát, bái vọng mỗi khi có đại lễ. Phía trong tòa nghi môn là công trình tiền đường mái cong được làm làm từ năm 1663 và sửa lại dưới thời Lê. Đây là tòa kiến trúc cổ dài làm kiểu mái cong theo phong cách dân gian.

Đền Cờn

 

 

Ngoài giá trị kiến trúc, các mảng chạm từ đơn sơ đến phức tạp trên cấu kiện hoặc đề tài “tứ linh” cũng như hoa lá cách điệu thuộc văn hóa thế kỷ 18 đều rất độc đáo về đường nét, phong phú ở loại hình. Nhiều đồ tế khí và tượng pháp trong đền đều có giá trị nghệ thuật cao. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ nhiều bức đại tự ca ngợi về sự anh linh của đền như “Càn khôn hợp đức”, có nghĩa là Đức lớn hợp lại; “Vạn cổ anh phong, có nghĩa là Anh linh oai phong muôn đời.

 

Ở Đền Cờn còn có quả chuông đồng cao 1,20m, nặng tới 300kg đúc từ thời Lê Cảnh Hưng. Văn tự trên chuông rất phong phú, ghi chép những tấm lòng từ thiện trong việc đúc chuông - điều này chứng tỏ đền Cờn đã có tiếng vang lớn đối với nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

 

Đền Cờn không chỉ nổi tiếng là nơi thờ tự 2 mẹ con công chúa nước Nam Tống mà còn bởi sự hài hòa trong việc bố trí quần thể di tích. Theo thư tịch cổ thì sang thời Lê, dân làng Phương Cần dựng thêm 1 ngôi đền nữa gọi là đền Cờn ngoài. Công trình này được tôn tạo quy mô với 3 tòa trên ngọn núi Thằn Lằn. Khung cảnh nơi đây thật quyến rũ, ba bề kề biển với nhiều tảng đá có hình thù phong phú.

 

Từ đây, sông chảy qua các xã vùng bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu: Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh và Tiến Thủy.

 

Vùng Bãi Ngang của Quỳnh Lưu là vùng màu nổi tiếng của cả tỉnh, cung cấp rau xanh đi khắp các nơi trong tỉnh, trong nước. Với vai trò cung cấp nước và tưới tiêu thuỷ lợi trong SX và đời sống, xa xưa kênh Mơ đã góp phần làm cho đời sống người dân trở nên trù phú. Tuy hiện nay hệ thống kênh mương bê tông hiện đại đã được xây dựng, kênh Mơ không còn giữ vai trò chủ đạo nhưng tác dụng tiêu úng của dòng kênh lịch sử vẫn không thể thiếu ở vùng này.

 

Vùng Bãi Ngang còn nổi tiếng với nền văn hóa Quỳnh Văn – nơi có di chỉ người Việt cổ. Văn hoá khảo cổ mang tên Quỳnh Văn ở huyện Quỳnh Lưu do nhà khảo cổ người Pháp Côlani  khai quật lần đầu tiên vào năm 1930 tại xã Quỳnh Văn và được các nhà khảo cổ Việt Nam xác lập danh pháp. Đến nay đã phát hiện 21 địa điểm văn hoá Quỳnh Văn, đều là loại hình cồn sò điệp hay loại hình đống rác bếp. Công cụ làm từ đá trầm tích, ghè đẽo mang dáng vẻ thô sơ, kém định hình.

 

Đồ gốm có số lượng lớn, chủ yếu là nồi đáy nhọn, kích thước lớn, văn in đập. Cư dân văn hoá Quỳnh Văn chôn người trong huyệt gần tròn tại nơi cư trú theo tư thế ngồi bó gối hay nằm co; hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác nhuyễn thể nước mặn, cùng với đánh cá, săn bắt và hái lượm, chưa thấy dấu hiệu trực tiếp của trồng trọt và chăn nuôi.

 

Văn hoá Quỳnh Văn thuộc thời đại đá mới, niên đại cách đây khoảng 5 - 6.000 năm, có nguồn gốc từ văn hoá Hoà Bình và phát triển lên văn hoá Bàu Tró ở loại hình văn hoá Thạch Lạc. Hiện nay, các di chỉ như ở Cồn Điệp, Cồn Thống Lĩnh hay còn gọi là cồn Lạp và Lèn Hang Thờ ở Trại Ổi - Quỳnh Hồng vẫn còn các dấu tích.

 

Kênh Mơ chảy qua nhiều di tích, danh thắng và từng có thời là nơi đô hội của Quỳnh Lưu và xứ Nghệ. Giữa Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng nổi lên ngọn núi Rùa còn gọi là Quy Lĩnh, mà nhân dân trong vùng hay gọi là Hòn Ói. Tục chạy Ói trong Lễ Hội đền Cờn là một nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước từ xưa còn lưu lại ngày nay.

 

Tích trước kể rằng: Lúc đầu, người dân Quỳnh Bảng lập đền thờ các Bà nên làm ăn rất phát đạt. Trước đây, người dân Phương Cần đẩy các Bà đi, sau nghĩ lại, bèn họp nhau xuống cướp bài vị về thờ. Cuộc tranh dành kéo dài và bất phân thắng bại, họ bèn đem việc này lên xin vua Bà xử kiện. Vua Bà báo mộng bảo hai làng bốc bát hương đồng lên thờ, nếu bên nào bát hương cháy từ dưới lên thì bên đó được chính vị thờ Người. Cuối cùng, dân Phương Cần thắng, nhưng cũng từ đó cả hai làng đều thờ và thân thiện với nhau. Vì vậy, hàng năm khi vào dịp hội đền Cờn lại có tục chạy Ói để diễn lại sự tích ấy.

 

Sông Mơ chảy đến lạch Quèn, thông ra biển cửa Quèn và nối với kênh Ngò, sông Thai, kênh Dâu và lạch Thơi. Đoạn con lạch Quèn ra biển còn gọi là sông Hầu – còn gọi là sông Hàu. Tên sông được đặt từ tên của quan Hầu - Quận công Trương Đắc Phủ thời Lê Trịnh. Quan Hầu vốn là người ở vùng này và đã từng chỉ huy hạm đội đóng thuyền ở lạch Quèn, đưa quân đi đánh thắng Chúa Nguyễn ở đàng Trong. Cửa Quèn là một trong ba cửa biển của huyện Quỳnh Lưu: Cửa Cờn (Càn), Cửa Quèn (Quyền) và Cửa Thơi (Thai). Cạnh cửa biển còn có ngọn núi đẹp là Long Sơn - một thắng cảnh nối tiếng của Quỳnh Lưu và Nghệ An.

 

Từ sông Thai nối ra đến với sông Bùng, kênh Nhà Lê đi qua xã Quỳnh Thọ, con kênh này được gọi là kênh Mi – Mi Giang. Từ đây, kênh nhà Lê tiếp tục chạy về Diễn Châu và được nối với các dòng sông tự nhiên của huyện này, cung cấp nguồn nước dồi dào, góp phần tạo nên vựa lúa của đồng bằng Diễn – Yên - Quỳnh tươi tốt.

 

Cùng với các dòng sông tự nhiên, kênh Mơ – sông Mai Giang của kênh Nhà Lê vẫn đang ngày đêm cuộn chảy, bồi đắp thêm phù sa, nước ngọt tưới mát ruộng đồng. Dòng sông đó mang trong mình bao trầm tích của thời gian và mãi gắn liền với nét văn hóa vùng sông nước nơi địa đầu xứ Nghệ.

(Việt Anh)