Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Kênh nhà Lê trên đất Nghệ An (Phần 5): Từ Kênh Gai đến Sông Đích

14:49, 28/06/2010
Kênh Sắt chạy từ xã Nghi Yên về địa phận huyện Hưng Nguyên còn có tên gọi là Kênh Gai, nối liền sông Cấm cũng gọi sông Cửa Lò với sông Vinh, một phụ lưu của sông Lam.

  

Kênh nhà Lê (Phần 1)

Kênh nhà Lê (Phần 2)

Kênh nhà Lê (Phần 3)

Kênh nhà Lê (Phần 4)

 

Kênh Gai mở từ sông Cấm, nơi gọi là Ngã Ba Sông ở làng Thanh Phong, thuộc xã Hưng Trung huyện Hưng Nguyên và phía Đông giáp với xã Nghi Diên của huyện Nghi Lộc. Nghi Diên có Xã Đoài nổi tiếng với giống cam mang tên địa danh này. Xã Đoài nay là xã Nghi Diên - Huyện Nghi Lộc. Tại đây, thiên nhiên đã ưu đãi cho một miền đất hiếm hoi sản sinh ra quả cam thơm ngon mà chẳng nơi nào có được, và trở thành 1 thương hiệu cam đặc biệt thơm ngon trong cây trái của Việt Nam .

 

Cam xã Đoài có hai loại: Giống cam hình quả nhót mà người dân địa phương gọi là Cam Lót. Và giống Cam hình quả bầu được gọi là Cam Bầu. Cam Xã Đoài chín vào tháng 11, 12 hàng năm. Vỏ cam có màu vàng đỏ rồi đỏ sậm nhưng tươi tắn, hơi phơn phớt màu vàng, trong giới hội họa gọi là màu vàng chanh. Bề ngoài có lớp the mỏng, nếu bị xây xát sẽ toả ra mùi thơm mà các nhà sản xuất kẹo, rượu đã dùng làm hương liệu. Quả cam bổ ra, màu vàng óng, ăn vào có vị ngọt dịu của quả, có mùi thơm của hoa, lại có dính kết trên môi tí chút như mật ong.

 

Một nhành cam Xã Đoài

 

Kênh Gai chạy qua nhà thờ Xã Đoài – xã Nghi Diên và nhà thờ Bùi Chu – xã Hưng Trung còn được gọi là sông chợ Cầu. Gọi tên như thế vì có 1 cái chợ họp ở gần cây cầu bắc qua sông. Nhà thờ Xã Đoài là trung tâm của giáo phận Vinh có trên 160 năm tồn tại và phát triển. Khởi công năm 1846, nhà thờ xã Đoài là một trong những công trình đẹp trong hệ thống nhà thờ từ thế kỷ trước ở Nghệ An.

 

Tổng thể công trình mang phong cách Gôtíc kết hợp Roman, pha chút Barốc ở những nét trang trí. Vào năm 1946, nhân dịp kỷ niệm 100 năm, nhà thờ được trùng tu, sơn sửa lại tháp chuông. Màu sơn và những đường nét hoa văn trang trí làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh, tạo một vẻ lộng lẫy và tươi mới. Trải qua thời gian bị chiến tranh tàn phá, kiến trúc nguyên thủy của nhà thờ chỉ còn lại phần tháp chuông. Năm 1977, nhà thờ được xây dựng lại theo thiết kế nguyên bản trên nền đất cũ và đến năm 1979 thì hoàn thành. Ngoài phần khôi phục và tôn tạo, khu nhà thờ xây dựng thêm tòa tháp cao khoảng 35 mét.

 

Nhìn từ phía mặt tiền, có thể thấy tòa tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp là chóp hình bát giác với cây thánh giá cao 3 m. Trong tháp có 4 quả chuông. Hai bên tháp phụ có những tháp đèn, có nhiều lỗ thông gió và những hoa văn tạo vẻ vững chãi nhưng rất duyên dáng. Trên mái trần vòm của nhà thờ có  những ô cửa tròn trang trí hoa lá, hình tượng Chúa mẹ và Các vị thánh rất tinh xảo, sống động.

 

Nhà thờ Xã Đoài không chỉ là một công trình kiến trúc có giá trị, nơi thờ phụng của bà con giáo dân, mà còn là nơi tổ chức hoạt động từ thiện của những tấm lòng sống “tốt đời đẹp đạo”.

 

Cạnh nhà thờ Xã Đoài là Nhà thờ Bùi Chu, một nhà thờ được xây dựng sau này nhưng cũng có kiến trúc theo lối gôtíc với những hoa văn nghệ thuật trang trí rất đẹp. Từ nhà thờ Bùi Chu khoảng hơn 1 cây số là đến khu mộ của nhà Canh tân – Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trường Tộ - người có công đào thông dòng Kênh Sắt.  Sự tích đào dòng kênh Sắt của Nguyễn Trường Tộ được viết như sau: "Năm Tự Đức 19, Bính Dần, ngũ nguyệt, Bộ sai quan Tổng đốc Nghệ An là Hoàng Tá Viêm ra đào Kênh Sắt. Người được chỉ ra trọ nơi xã Kim Khê, thì người viết thư cậy ông Tộ đi khám xem hình đất, thế đất, chỉ lối cho mà đào. Vì trước ông Cao Biền là quan vua Đường bên Tàu sang làm quan Bộ Hộ úy nước Nam, lại vua Quý Ly nhà Hồ đã đào không xong, vì mắc nhiều đá cuội dưới đất. Ông Tộ đi xem nói rằng: Có một khúc vì có nhiều đá lớn, như bên Tây có cốt mìn thì phá đi, ta không có nên phải tránh, ông cắm nêu một hồi buổi sớm vừa xong, dân phu cứ thế mà đào thì kênh hoàn thành..”.

 

Nguyễn Trường Tộ, sinh năm 1828, tại làng Bùi Chu nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lớn lên trong một gia đình theo đạo Gia tô, nhưng Nguyễn Trường Tộ học thông tứ thư ngũ kinh của Nho giáo. Năm 27 tuổi, ông được giám mục Gô-ti-ê đưa vào chủng viện Tân ấp thuộc xứ đạo Xã Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục, và được giám mục dạy lại cho chữ Pháp cũng như kiến thức khoa học châu Âu. Năm 1858, giám mục Gô-ti-ê đưa Nguyễn Trường Tộ sang Pháp để tạo điều kiện học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt.

 

Hơn hai năm ở Paris, chẳng những ông hiểu biết nhiều về khoa học - kỹ thuật, có trình độ như một kiến trúc sư, một người biết khai mỏ, mà còn đọc rộng về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật, v.v... và tìm hiểu được một số hoạt động công nghệ của nước Pháp. Khi về nước, Ông đã viết hàng loạt điều trần, luận văn, tờ bẩm, trình nhiều kiến nghị có tầm chiến lược nhằm canh tân đất nước, tạo thế vươn lên cho dân tộc để giữ nền độc lập một cách khôn khéo mà vững chắc. Di thảo còn lại của Nguyễn Trường Tộ đã sưu tầm được, bàn về các phương diện: kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, quân sự. Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam . Nhưng nói chung, triều đình nhà Nguyễn cũng như các nho sĩ, văn thân thời ấy chưa hiểu tư tưởng của ông, nên chưa coi trọng đúng mức những kiến nghị cách tân của ông. Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ bị lãng quên như một luồng ánh sáng rọi vào đám sương mù dày đặc. Ngoài những bản điều trần và luận văn tạo nên một công trình trí tuệ vĩ đại vô giá, Nguyễn Trường Tộ còn thiết kế xây dựng nhiều công trình kiến trúc đầu tiên theo kiểu châu Âu ở Việt Nam giữa thế kỷ 19.

 

Giữa những năm 60 thế kỷ 19, ông đã giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đào Kênh Sắt, một công trình xưa kia Cao Biền rồi Hồ Quý Ly dự định làm mà không làm nổi. Trong “Bài bạt mừng đào xong Thiết Cảng” của Nguyễn Trường Tộ có nhắc đến sự tích Cao Biền để nói rằng cảng Thiên Uy là một phần do Trời, còn Thiết Cảng thì hoàn toàn do công người.

 

Nguyễn Trường Tộ quả thực đã có công lớn là hoàn thành một công trình dở dang từ nhiều thế hệ trước, khai thông được con đường thủy từ Sông Cấm cho tới sông Vinh, xóa bỏ được Thiết Cảng - Cửa Sắt, để làm thành Kênh Sắt, mà ngày nay còn gọi là Kênh Gai hay kênh Nguyễn Trường Tộ.

 

Từ Hưng Trung, sông chảy tiếp qua xã Hưng Tây và phía đông các xã Nghi Vạn – Nghi Lộc, Nghi Liên, Nghi Kim – TP Vinh. Đoạn kênh này còn có tên gọi là Kênh Hương Cái, theo tên gọi trước đây của xã Hưng Tây.

 

Sông Đích nối tiếp với kênh Gai ở giáp giữa xã Nghi Vạn và xã Hưng Tây rồi thông vào sông Vinh. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi lại: “...Kênh Đích: ở phía Tây nam huyện Hưng Nguyên, do nước hồ Nón chảy vào, qua các xã Hữu Biệt và Thái Lão, chảy quanh đến thôn Chân Đích...”

Hồ Nón còn được người dân địa phương gọi là bàu Nón. Bàu Nón là một cái hồ lớn do thung lũng chết của sông Lam cổ tạo thành. Đời Dương Hòa vua Lê Thần Tông (1635 – 1642), một vị quan người xã Hương Lãm là hương cống Hương Lãm hầu Nguyễn Văn Lãm, thấy bàu Nón dùng cho nông nghiệp lợi hơn ngư nghiệp, hơn nữa thấy hằng năm đến mùa mưa, bàu Nón thường úng thủy, gây ra tai họa. Vì vậy, ông có đơn gửi triều đình xin cho khai thông bàu Nón để trồng lúa. Được nhà vua đồng ý, ông vận động nhân dân đào một con kênh từ bàu Nón chảy đến kênh Đước huyện Hưng Nguyên rồi đổ ra sông Lam. Khi con kênh đào xong, nạn úng thủy không còn nữa và diện tích trồng lúa dần được mở rộng ra.

 

Ở Bàu Nón có giống cá rô ngon nổi tiếng, đến nỗi tiếng thơm truyền đến kinh đô Thăng Long. Thời Lý Cao Tông (1178 – 1210), nhân dân xã Nộn Giang phải đem cá rô bàu Nón ra Thăng Long tiến lên vua. Việc đưa cá rô từ xã Nộn Giang ra kinh đô vô cùng vất vả. Lúc đó, ở cung vua có một người hầu gái họ Lê, người xã Nộn Giang, chuyên phục vụ bữa ăn trưa của vua, thấy việc tiến cá cho vua của nhân dân khổ cực mới bày mưu cách làm cho cá gầy nhỏ đi để không phải cung tiến nữa.

 

Khi bà mất, nhân dân xã Nộn Giang rước lĩnh cữu bà về quê an táng và lập đền thờ bà để ghi nhớ công ơn của bà đối với dân xã, gọi là đền Nhà Bà hay đền Mụ Ngọ. Trải qua thời gian, nay đền không còn nữa, nhưng cánh đồng có ao nuôi cá trước khi đem tiến lên vua vẫn được người dân quanh vùng gọi tên là xứ Mụ Ngọ.

 

Ngày nay, Bàu Nón là cánh đồng chung của 5 xã: Xuân Hòa, Nam Anh, Nam Xuân, Vân Diên và Nam Thanh, bởi đất ở đây màu mỡ lúa ngô xanh tốt quanh năm. Đoạn kênh nối Bàu Nón với kênh Đước vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay góp phần tưới tiêu cho cả 1 vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn của huyện Nam Đàn.

 

Còn Thái Lão là 1 địa danh nổi tiếng trong phong trào đấu tranh Cách mạng của nhân dân ta những năm 1930 - 1945. Tại đây, ngôi mộ chung của các chiến sỹ hi sinh trong cuộc đấu tranh ngày 12-9-1930 tại Hưng Nguyên đã được xây dựng thành tượng đài. Di tích nằm tại xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngày 12-9-1930, từ sáng sớm hơn 8.000 nông dân thuộc ba tổng Phù Long, Thông Lạng (Hưng Nguyên) và Tổng Nam Kim (Nam Ðàn), cùng 300 công nhân Vinh - Bến Thủy đã đồng loạt kéo về ga Yên Xuân biểu tình, tố cáo tội ác bọn thực dân phong kiến. Khi đoàn người đến Thái Lão thì bị máy bay địch đến ném bom hai lần, làm 217 người chết, 125 người bị thương.

 

Đài Liệt sỹ Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An)

 

Ghi nhớ công ơn của các chiến sỹ đã vì nước quên thân, năm 1956 Tỉnh uỷ Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An cho khởi công xây dựng di tích với qui mô như một nghĩa trang liệt sỹ. Năm 1960, Ty Văn hoá Nghệ An thiết kế và thể hiện theo qui mô đài liệt sỹ như ngày nay. 

 

Trong dịp về thăm quê lần thứ hai năm 1961, Bác Hồ đã đến đặt vòng hoa trước dài và tưởng nhớ 217 chiến sỹ đã hy sinh ngày 12- 9- 1930. Đài liệt sỹ Thái Lão là một di tích lịch sử ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn. Đồng thời, nơi đây cũng đã chứng kiến tội ác tàn bạo của đế quốc và phong kiến. Năm 1990, đài liệt sĩ Thái Lão đã được nâng cấp thành đài tưởng niệm Xô-viết Nghệ Tĩnh và trở thành 1 địa chỉ di tích lịch sử cách mạng ở Hưng Nguyên. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hoá ra Quyết định số 1288, công nhận Đài liệt sỹ Thái Lão Hưng Nguyên là di tích Lịch sử cấp quốc gia.

 

Phía bên kia Cầu Cửa Tiền bắc qua sông Vinh nối liền thành phố với các xã phía Nam của huyện Hưng Nguyên, trong đó có 2 xã là Hưng Châu và Hưng Thịnh nay đã nhập vào thành phố Vinh là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười nổi tiếng linh thiêng.

 

Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả vẻ đẹp có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc... đã hợp thành một bức tranh thủy mặc sinh động và thanh bình.

 

Cùng các di tích bên dòng kênh nhà Lê, quần thể những điểm tham quan như khu di tích tổng bí thư Lê Hồng Phong, Đài tưởng niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh, Núi Lam Thành, du thuyền trên Sông Lam…đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút du khách đến với vẻ đẹp của quê hương Hưng Nguyên trong  xứ Nghệ “nước biếc non xanh”.

(Việt Anh)