Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Làng chài Lương Giang

09:03, 29/06/2010
Ngược dòng sông Lam, làng chài Lương Giang, xã Đặng Sơn, Huyện Đô Lương chỉ là một chấm nhỏ trong hành trình về với Miền Tây Nghệ An. Ở đó, nhiều mảnh đời, nhiều số phận lênh đênh, chòng chành trên bến nước. Họ từng ngày từng giờ đối mặt với đói nghèo, thất học và những hiểm nguy khi mưa lũ tới...

 

Cuộc sống trên sông nước

 

Những con đò lừng lững xuôi ngựơc, những mảnh đời chìm nổi lênh đênh. Dòng sông Lam từ ngàn năm đã chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh trên những chuyến đũ ngang dọc ấy. Sự  sống của họ gắn với sông nước từ bao đời nay, như là định mệnh. Số phận của bao gia đình, bao đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học đều gói gọn trên chiếc thuyền chật chội, bạc phếch vỡ nắng mưa.

 

Nhìn khuôn mặt ngây thơ của Duy, ít ai có thể hình dung được Duy đã phải bươn chải kiếm sống cùng cha mẹ từ  7, 8 năm nay. Mới lớp 3, Duy phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn, nay đây mai đó trên sông nước. Nỗi khao khát được đi học, được bình yên như những đứa trẻ may mắn sinh ra trên bờ vẫn rực cháy trong Duy. Dáng người Duy nhỏ bé, nước da đen nhẻm. Biết bơi từ khi còn bé tẹo nhưng có lẽ cuộc sống sông nước lắm rủi ro khiến những người dân chài trở nên cẩn trọng hơn.

 

Gia đình ông Nguyễn Đình In sinh được năm đứa con và Duy là con thứ 2. 7 con người sống chen chúc trong một chiếc thuyền chưa được 1om2. Khi chúng tôi đến, chỉ gặp vợ chồng ông. Những đứa trẻ đi thả lưới hoặc đi học nhưng cũng chỉ học để biết được mặt chữ. Con thuyền trống tuyếch, không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc tivi đen trắng. Cái khổ hạnh hiện ra trên dáng vẻ của những người dân chài. Có lẽ bởi sự lênh đênh, chìm nổi, và nỗi bất an đã đè nặng tâm hồn họ từ bao đời...

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, làng chài Lương Giang là một trong những đội vận tải lớn của Nghệ An chuyên vận chuyển thuốc men, đạn dược, vũ khí... cho chiến trường Miền Nam . Họ đã từng lập biết bao chiến công hiển hách. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi chuyến đi đầy vinh quang và tự hào của HTX vận tải Lương Giang lại có không ít những hy sinh mất mát, có không ít những con người, những chiếc thuyền phải vĩnh viễn nằm lại trên dòng Lam. Hoà bình  lập lại, cũng đã một thời, cuộc sống của họ tưởng như bình yên và ổn định. Họ trở thành người của HTX, có sổ gạo, mọi chế độ ưu đãi của nhà nước. Năm 1979, HTX tan rã, những người dân làng chài lại trôi nổi và trở về với cuộc sống vốn dĩ bấp bênh trên bến sông xưa và tạo nên làng chài đông đúc ngày nay.

 

Dòng Lam hiền hoà uốn lượn như một nét vẽ duyên dáng tạo nên bức tranh sơn thuỷ của Xứ Nghệ. Nhưng có ai ngờ được, trên nét vẽ ấy, biết bao số phận đang neo đậu, sự sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào dòng sông. Mưa lũ, sông Lam trở nên hung dữ lạ thường. Nước lũ cuồn cuộn tràn về dễ dàng cuốn trôi những chiếc thuyền nhỏ bộ, mỏng manh. Người dân làng chài lại phải đối mặt với thần chết. Người già và trẻ nhỏ thì đi lánh vào nhà dân, còn vợ chồng thì phải liều chết mà bám trụ để giữ lấy chiếc thuyền. Bởi thuyền vừa là “mái nhà” che nắng, che mưa, vừa là chiếc cần câu cơm của cả gia đình. Nỗi vất vả, cực nhọc, cái nghèo đói cứ bám riết lấy những mảnh đời. Họ sống lay lắt như ngọn đốn trước mưa gió mà không biết ngày mai.

 

Tương lai những đứa trẻ lênh đênh trên sông nước sẽ về đâu?

 

Tôi gặp bé Hà và Đức khi các em vừa đi học về. Có lẽ chúng may mắn hơn là đang được học đến lớp 6. Nhưng rồi tương lai của chúng sẽ ra sao khi cha mẹ phải bươn chải trên sông nước hết ngày này qua tháng khác. Hai em phải sống cùng ông bà trên chiếc thuyền nhỏ. Và đến bao giờ chúng mới hiểu được khái niệm về góc học tập khi chiếc thuyền bé tí không đủ chỗ cho 4, 5 con người.

 

Cuộc sống mưu sinh của người dân làng chài càng bấp bênh và phiêu lưu hơn khi tài sản duy nhất của họ là chiếc thuyền nan bạc phếch. Quanh năm chỉ biết đến nghề chài lưới và đội cát sỏi thuê.

 

Lênh đênh sông nước trở thành cái nghề gia truyền của những người dân làng chài. Họ cũng khao khao đổi đời, khao khao có một mái nhà, một tấc đất cắm dùi để có tương lai cho con cháu họ. Những đứa trẻ sẽ lại được đến trường, các em nhỏ sẽ được chơi thực sự trong một không gian sạch đẹp và thoáng mắt mà không phải ngụp lặn trên những tràng cát trắng xóa. Cuộc sống của họ sẽ bình yên như biết bao làng quê khác khi rời khỏi dòng sông...

Khánh Ly