Người làm báo Nghệ An trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực
Nhà báo Dương Huy, nguyên là phóng viên báo Nghệ An, đã từng giữ cương vị tổng biên tập Tạp chí Sông Lam. Ông là một cây bút trào phúng nổi tiếng của làng báo Nghệ An, chuyên viết thơ châm biếm đả kích các thói hư tật xấu, tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mặc dù đã về hưu hơn 10 năm nay, ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn say sưa bền bỉ với cuộc chiến chống tiêu cực. Chỉ tính từ ngày nghỉ hưu đến nay, ông đã viết trên 500 tiểu phẩm trào phúng đăng trên báo Đại biểu nhân dân và Công an Nghệ An, 300 bài thơ châm biếm đăng trên báo Lao động Nghệ An về đề tài chống tiêu cực bởi ôngluôn cho rằng, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, người làm báo phải kiên định với chức năng của mình là vừa chiến đấu vừa phản biện, do đó, đòi hỏi nhà báo phải có trí tuệ, phải có bản lĩnh và ngòi bút sắc bén, nhạy cảm.
Một trong những đề tài thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhân dân trong tỉnh, cuốn hút nhiều nhà báo Nghệ An trong nhiều năm qua, đó là cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô lãng phí, phòng chống tiêu cực. Báo chí Nghệ An đã tích cực tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời biểu dương những tấm gương dũng cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Nhiều phóng viên rất tận tụy, say mê, khách quan và tích cực, lăn lộn với thực tiễn, đi sâu vào đời sống quần chúng, nhân dân, không nề hà nguy hiểm, khó khăn, dũng cảm đi tới những “điểm nóng”. Vì vậy, thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được báo chí Nghệ An phát hiện, phanh phui, đưa ra trước công luận. Mỗi một người cầm bút khi đã chọn mảng điều tra thì cũng đồng nghĩa với việc phải biết chấp nhận sự hy sinh, thậm chí là mất mát. Và bản thân những nhà báo viết điều tra cũng thừa biết khi đã chọn lĩnh vực này thì chắc chắn phải nếm mùi đắng cay, nguy hiểm. Song, với sự say mê nghề nghiệp, tinh thần quả cảm, tận tuy với nghề, những người làm báo Nghệ An đã vượt qua tất cả để ngày ngày vẫn xông pha “trận mạc”, đêm đêm vẫn ngồi miệt mài bên bàn viết để có được những bài điều tra chất lượng và nóng hổi đem đến cho độc giả.PV đang tác nghiệp (Ảnh: Sỹ Minh) |
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên mặt trận báo chí thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém mà nổi bật là hiện tượng thiếu trung thực, khách quan trong việc đưa tin, bài phản ánh, thậm chí có biểu hiện vừa tô hồng, vừa bôi đen. Bởi vậy, sự cẩn trọng của ngòi bút phòng, chống tham nhũng là không bao giờ thừa. Xác định được điều đó, đa số nhà báo Nghệ An đã cố gắng thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Nhà báo Lê Quý Kỳ, nguyên là phóng viên báo Nghệ An, trước đây là một cây bút chuyên viết về phóng sự điều tra cho rằng: muốn viết vụ án tiêu cực phải có đầy đủ hồ sơ chứng cứ trong tay, phải hiểu về vụ án, chứ không thể nói một một chiều, cảm tính. Có thế mới đảm bảo tính trung thực của chống tiêu cực.