Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Rượu cần với người Thái (Nghệ An)

09:45, 16/06/2010
Tục uống rượu cần của đồng bào Thái Nghệ An là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng được truyền đời mang tính phổ biến. Cho đến nay, tục lệ ấy vẫn được bảo lưu bảo tồn trong nhân dân, mang đậm nét văn hoá Thái.

     

Rượu cần đối với người Thái miền Tây Nghệ An từ lâu đã được các nhà văn hóa dân gian xem như một sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hay nói đúng hơn nó chính là một nét văn hóa bản sắc. Phổ biến trong cộng đồng người Thái miền Tây Nghệ An chỉ có 2 loại rượu cơ bản đó là rượu cần, loại rượu được ủ từ men và trấu trộn sắn hoặc gạo, khi uống thì đổ nước lã vào hũ và cắm cần trúc để hút và loại thứ 2 là rượu Siêu, loại rượu được cất ra từ bã ủ của sắn, cơm hoặc từ vò rượu cần. Từ rượu Siêu (Rượu được cất ra) bà con có thể ngâm với nhiều loại thuốc hoặc hương liệu để tạo ra các loại rượu khác nhau. Nhưng cơ bản đại loại là như đã nói trên.

 

 

Rượu cần, nghĩa tiếng Thái là “Lầu Xà hoặc Lầu háy”. Người Lào ở vùng cao cũng phổ biến loại rượu này.  Dù gọi theo cách nào nhưng khi uống thường được dùng cần trúc hay vòi để nút (hút) trực tiếp vào miệng. Uống rượu thường thì trong gia đình, tập thể các gia đình hoặc nhóm cộng đồng. Người Thái uống loại rượu này thường chọn thời điểm, thời cơ thích hợp. Nhưng phổ biến là khi có khách quý đến nhà, đến bản. Bà con quan niệm “Khách bò tàu - Làu bò pắc” nghĩa là “Khách không đến- cần rượu không cắm miệng vò”. Những khi có việc hệ trọng trong gia đình, trong mường bản, cộng đồng... Rượu cần cũng được cắm ra không chỉ có sự kiện vui như hội hè, cưới hỏi, chúc tụng mà cả khi có chuyện buồn như ma chay, cúng tế v.v... Tóm lại, Rượu cần cũng là phương tiện giao tiếp của người Thái. Rượu cần không chỉ để thỏa mãn khao khát vật chất mà còn hàm chứa những khao khát tinh thần, nó vừa mang yếu tố văn hóa vật thể nhưng cũng mang yếu tố văn hóa phi vật thể. Hai phạm trù văn hóa ấy giao thoa tạo ra cái nét đặc trưng văn hóa Thái.

 

 

 

Rượu cần được làm từ trấu rửa sạch, trộn với gạo, nếp hoặc sắn hông chín, sau đó để nguội mới trộn men tự chế, (phải là men tự chế rượu mới thơm ngon) rồi ủ sơ qua lá chuối 1 đến 3 ngày, khi bã ủ có mùi thơm của rượu mới cho vào hũ, nện thật chặt rồi phủ trấu lên miệng hũ kèm lá chuối khô... cuối cùng là một lớp tro hoà nước đắp lên cho kín hơi và giữ ẩm... Từ khi cho vào vò hay chum, khoảng 10 đến 20 ngày thì có thể dùng được. Nhưng rượu cần có thể để được cả năm (Nếu làm bằng men tự chế của bà con), càng để lâu rượu càng nồng, càng thơm ngon… Vì thế, trai gái bản thường làm chum rượu từ hội năm nay để mở  vào hội năm sau.

 

 

 

Rượu cần cũng được phân thành hai loại khẩu vị. Loại dành cho đàn ông phải là rượu mang tiêu chí: “Khốm, phết, khìu, ván” – Tức đắng, cay, nồng, ngọt nghĩa là trong vị rượu phải đắng, cay, nồng và ngọt. Còn nếu rượu chỉ có ngọt hoặc ngọt ghé chua thì là “Rượu đàn bà!”...

 

 

Uống rượu cần chú ý không được thọc cần, như thế sẽ làm đục nước và tắc vòi. Cách thức điều hành cuộc rượu được tiến hành theo luật tục mang tính phổ biến mà người Thái miền nào cũng hiểu và biết trình tự của luật tục ấy. Mỗi khi tổ chức uống rượu cần, người ta thường cử ra người cầm chịch (Tiếng Thái gọi là “Chàm”). Người cầm chịch có quyền cao nhất trong điều hành cuộc rượu:  “Chàm lảu pẹ chau mường” – Nghĩa là người cầm chịch quyền cao hơn cả chúa mường – Thắng chúa mường!  Trong cuộc rượu không phân biệt chức sắc mà chỉ theo tuổi tác. Người nhiều tuổi nhất được “Chàm” mời uống trước, sau đó mới đến các vị chức sắc, khách quý. (Khách quý được xếp ngang hàng với chức sắc và người cao tuổi).. Trong việc uống chỉ phân định người nào được uống trước, người nào uống sau. Uống rượu cần có thi, có thưởng và có phạt. Đã vào cuộc thì thưởng phạt bình đẳng không phân biệt khách quý chức sắc. Thường lúc uống luôn được bố trí cặp chẵn thành tốp – 2; 4; 6; 8…Nếu tốp nào làm chậm “Tiến độ” uống của tốp khác, hoặc uống không đủ lượng quy định của Chàm sẽ bị chàm phạt.. Để điều hành, người cầm chịch thường dùng “Phong” (Phong được làm bằng sừng gia súc) để làm vật đo lường.  

 

 

 

Vò rượu thường được đặt uống ở nơi trang trọng nhất trong nhà, thường là gian ngoài, hướng về bàn thờ tổ tiên và được đặt trên một tấm gỗ, hay trong một chậu to, chứ không bao giờ đặt trực tiếp trên sàn nhà hay nền đất. Ngay từ lúc mở vò rượu và trước khi cắm cần, người ta thường dùng chiếc que dài xăm lỗ  rồi mới cắm cần (gọi là tăng bùa lầu). Khi các cần đã cắm đủ, chàm dùng nước lã rót từ từ vào vò, tránh rót mạnh làm trấu trong vò sủi lộn và chờ khoảng 10 đến 15 phút mới uống. Trong thời gian chờ đợi, chủ khấn tổ tiên ông bà ông vải dùng trước.

 

 

Người Thái gọi phía bàn thờ tổ tiên là phía trên và là phía trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình, nên thường được mời người đàn ông cao tuổi và các vị chức sắc, khách quý ngồi, và phía dưới tức là phía cửa ra vào, phía này dành riêng cho phụ nữ và thanh niên vì đối tượng này thường “Cơ động” đi lại phục vụ. Cả hai phía cùng ngồi vây lại thành vòng quanh chum rượu và luôn hình dung một ranh giới không ngồi lẫn lộn. Lúc đó chàm mới lấy hai tay  vít cần trịnh trọng mời khách bằng những câu mời văn vần khiêm tốn. Đại loại “Khách quý đến nhà, nhà tôi dựng bằng cột sậy, rượu tôi rượu nhạt chỉ một vò nhỏ. Khách đến nhà thấy nhà nhỏ đừng chê, uông rượu nhạt đừng bỏ đi, uống rồi hôm sau lại đến thăm đừng kệch!”…Cần rượu vít cho người nào thì nguời đó mới được cầm cần, khách không được tự ý vít cần khi chưa được phép Chàm. Khi uống tuyệt đối không được để cần chéo nhau, (cần rượu chỉ được chéo nhau trong trường hợp kết hôn vợ chồng). Uống phải hết mình, muốn chỉ uống ít thì lượt đầu nên uống hết “Khẩu phần”. Muốn  uống… nhiều thì uống…ít – nghĩa là, nếu không hết khẩu phần sẽ bị phạt vào lần sau, và như thế sẽ là bị uống nhiều hơn. Uống xong, chàm  mới đưa tay đỡ cần hạ cho khách, nếu người nào tự ý thả cần hay bật cần sẽ bị phạt, vì cử chỉ đó  được xem là thất lễ với khách quý, người già.

 

 

Tục uống rượu cần của đồng bào Thái Nghệ An là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng được truyền đời mang tính phổ biến. Cho đến nay, tục lệ ấy vẫn được bảo lưu bảo tồn trong nhân dân, mang đậm nét văn hoá Thái.

 

 

(May Huyền)