Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Báo chí Nghệ An với công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng

14:50, 19/07/2010
Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác PCTN. Với hàng chục nhà báo chuyên viết về điều tra tiêu cực, Báo chí Nghệ an luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng bằng việc cập nhật tin tức hàng ngày các vụ án liên quan đến tham nhũng. Bên cạnh đó, với nhiều tác phẩm sâu sắc, công phu, báo chí Nghệ an đã cùng với nhân dân và các cơ quan chức năng vạch

 

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều bà con nông dân, sự hám lợi của một bộ phận cán bộ xã, nhất là cán bộ ở vùng sâu, vùng xa. Hàng nghìn bìa đỏ của người dân tập trung chủ yếu tại các huyện có diện tích đất rừng lớn như Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Tân Kỳ…, tỉnh Nghệ an đã bị những kẻ xấu bày trò chiếm dụng. Chiêu lừa đảo của chúng là vẽ nên những dự án ma về phát quang, trồng rừng. Người dân có bìa đỏ nếu tự nguyện thế chấp sẽ được vay vốn với số lượng lớn, không phải chịu lãi suất. Phát hiện thấy những dấu hiệu khả nghi của một kế hoạch lừa đảo lớn được dàn dựng khá công phu, nhóm phóng viên kinh tế báo Nghệ An đã quyết định vào cuộc, tiến hành thu thập các chứng cứ, thông tin liên quan tới các hành vi lừa đảo. Với loạt bài phóng sự điều tra dài 3 kỳ có tiêu đề “Hàng nghìn bìa đỏ của dân “bay” theo các “dự án ma”: ai chịu trách nhiệm?” (tác giả Văn Đoàn), bộ mặt thật của những cán bộ chạy dự án đã hiện nguyên hình là kẻ lừa đảo và bị đưa ra ánh sáng; hàng nghìn bìa đỏ đã trở về với những người chủ thực sự của nó. Khi vụ việc được phát giác qua phản ánh của báo chí, các cơ quan chức năng đã tiến hành ngay việc điều tra. Nhưng điều quan trọng hơn cả là niềm tin của nhân dân đối với cấp uỷ Đảng chính quyền địa phương đã không bị đánh mất trước âm mưu của những kẻ xấu.

 

Hàng nghìn bìa đỏ của dân “bay” theo các “dự án ma” (Ảnh: Báo Nghệ An)

 

Câu chuyện bìa đỏ nêu trên chỉ là một trong số hàng trăm tác phẩm báo chí đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng của các phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp trong các cơ quan báo chí tại Nghệ An. Không ít vụ việc tiêu cực xảy ra thời gian qua nếu không có sự vào cuộc kịp thời của báo chí đã có thể gây ra và để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế, xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2009, với sự góp sức của báo chí, các cơ quan chức năng Nghệ an đã khởi tố 9 vụ án, 14 bị cáo liên quan đến tham nhũng. Viện Kiểm sát đã truy tố, chuyển hồ sơ Toà án 13 vụ, 18 bị can. Toà án đã xét xử 14 vụ án, 21 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

 

Vụ việc 9 giáo viên mầm non của huyện Yên thành đã bị chấm dứt hợp đồng dài hạn nhưng nguồn ngân sách cấp chi lương lên đến tiền tỷ trong 3 năm, 8 tháng vẫn không bị cắt và bản thân các giáo viên vẫn có quyết định nâng lương nhưng không được nhận. Hay chuyện một trung tâm mang danh thành lập để dạy nghề cho người khuyết tật và học sinh nghèo nhưng không có bất cứ một học viên nào thuộc đối tượng trên nhưng vẫn được sống nhờ vào ngân sách nhà nước, bằng đặc ân của các cấp chính quyền… là những vấn đề đã được Báo lao động Nghệ An phản ánh và tạo được hiệu ứng xã hội cao trong thời gian vừa qua. Lâu nay, Báo Lao động Nghệ An vẫn được bạn đọc coi là một trong những địa chỉ phòng chống tiêu cực, tham nhũng đáng tin cậy. Hàng loạt các vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến đất đai, xâm phạm quyền lợi người lao động… được phóng viên của báo điều tra, phát hiện và đưa ra công luận. Điều khiến bạn đọc đánh giá cao ở các bài viết về phòng chống tiêu cực, tham nhũng của báo Lao động Nghệ An đó là tính khách quan, khi phản ánh các vụ việc. Bản thân phóng viên của báo không kết án, kết tội ai nhưng người đọc có thể tự kết luận lấy bằng hệ thống chứng cứ mà bài báo đã đưa ra điều tra.

 

Báo hình là một loại hình báo chí khó khăn trong việc thực hiện các tác phẩm điều tra phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Ngoài yêu cầu phải có những chứng cứ bằng hình ảnh, phóng viên báo hình còn gặp bất lợi khi kèm theo hệ thống máy móc nên gần như bị đối tượng theo dõi nhất cử, nhất động khi tác nghiệp. Khó khăn là vậy nhưng với nhà báo trẻ Hoàng Quyền, công tác tại phòng Thời sự, Đài PT-TH Nghệ An, điều tra chống tiêu cực, tham nhũng luôn là thể loại khiến anh đam mê dấn thân với nghề. Trong tác phẩm “Những sai phạm ở Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương” bằng sự kiên trì, khéo léo khi tiếp cận và xử lý các nguồn thông tin, hàng loạt diện tích rừng trồng, trạm bảo vệ rừng, cột mốc được khai khống để rút tiền nhà nước đã được anh chứng minh một cách thuyết phục. Hiệu quả sau khi tác phẩm phát sóng, các cơ quan chức năng vào cuộc đã thu hồi trên 700 triệu đồng và các cán bộ vi phạm đã bị xử lý kỷ luật.

 

Khu kinh tế Minh Châu (xã Tri Lễ, Quế Phong) với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng... vẫn chỉ là bãi đất hoang (Điều tra của Báo Nghệ An)

 

Tâm huyết với công việc điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, các phóng viên, nhà báo đang công tác trong các cơ quan báo chí tại Nghệ An đều hiểu rằng: muốn thành công trong lĩnh vực “gai góc” này, bản thân phóng viên, nhà báo phải hội tụ đủ 3 tố chất: “một cái đầu lạnh, một trái tim nóng và hai bàn tay sạch”. “Cái đầu lạnh” để tỉnh táo khi điều tra, muốn vậy phải có kiến thức, mà quan trọng là kiến thức pháp luật. “Trái tim nóng” để nhà báo biết rung lên nhịp đập giận dữ với những hành vi trái pháp luật, biết đồng cảm với nỗi khổ của các nạn nhân trong các vụ việc tiêu cực. Và có “hai bàn tay sạch” để ngòi bút không bị “uốn cong”. Bên cạnh đó, xây dựng tốt mối quan hệ với với quần chúng nhân dân, thiết lập mạng lưới thông tin từ cơ sở, thông qua đơn thư khiếu nại tố cáo của nhân dân để nắm bắt thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng người dân. Đây cũng chính là tâm sự của nhà báo Trần Hồng Cơ, TBT Báo Lao động Nghệ An.

 

Trước tình trạng hành hung nhà báo trong khi tác nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua, phóng viên viết về đề tài điều tra tiêu cực, chống tham nhũng chắc chắn sẽ luôn phải đối mặt với những hiểm nguy bất ngờ, mà vũ khí của họ chỉ có sự sắc sảo, nhanh nhạy và kinh nghiệm. Có những rủi ro mà những nhà báo chống tiêu cực, tham nhũng phải chấp nhận nhưng điều đó không ngăn cản được hàng trăm nhà báo viết điều tra của các cơ quan báo chí tại nghệ an đang tiếp tục làm việc. Thực tế cho thấy rằng: dù không vũ khí “nóng”, không có lực lượng hỗ trợ để có thể tự bảo vệ mình nhưng với tinh thần kiên cường theo đuổi nghề nghiệp, say mê, xả thân vì nghề, biết tự bảo vệ mình, hiểu được tâm lý đối tượng, thật linh hoạt khi xử lý tình huống đã giúp nhà báo thành công trong các vụ việc chống tiêu cực. Tuy nhiên, ngoài bản lĩnh của chính mình, thì những nhà báo viết bài chống tiêu cực, thamm nhũng cũng rất cần được bảo vệ. Người phóng viên được bảo vệ là khi có sự ủng hộ của Ban biên tập, là khi l bài báo được đăng lên các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý báo chí có cái nhìn khách quan, tích cực.

 

Có thể nói, vinh dự lớn nhất của những nhà báo viết điều tra phòng chống tiêu cực, tham nhũng chính là hiệu ứng xã hội mà công việc của mình đem lại. Đam mê với nghề, xác định rõ vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp của mình, các phóng viên nhà báo hoạt động trên lĩnh vực chống tiêu cực, tham nhũng của các cơ quan báo chí Nghệ an vẫn đang tiếp tục đi đến những nơi hiểm nguy nhất để pháp luật và lẽ phải được bảo vệ. Chính họ đã và đang góp phần quan trọng khẳng định và nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu của báo chí Tỉnh nhà.

 

(Xuân Hướng)