Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Dân số vàng - Thời cơ và thách thức

15:09, 30/07/2010
Dân số Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn mà số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 59 tuổi) cao hơn số người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già 60 tuổi trở lên). Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động hiện nay chiếm 63,5 % dân số. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng".

 

 

Thời cơ lớn

 

Cơ cấu dân số vàng đồng nghĩa với sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Về lý thuyết, khi lực lượng này được tận dụng trí tuệ và sức lao động một cách tối đa thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn dân số già.

 

 

Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ tư trong cả nước với hơn 3 triệu người (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa), mật độ dân số cao: 177 người/km2 (gấp 4 -5 lần so với mật độ chuẩn); Hiện nay số dân trong độ tuổi lao động ở tỉnh ta có hơn 1,8 triệu người, chiếm hơn 60%, đạt ngưỡng cơ cấu dân số vàng (dự tính đến 2015, dân số trong độ tuổi lao động đạt mức cực đại 64,3%, tương ứng 2,2 triệu lao động so với 3,4 triệu dân), đây là cơ hội ngàn vàng song cũng là thách thức gay gắt đang đặt ra đối với sự phát triển tỉnh ta hiện nay và thời gian tới. 

 

Cứ mỗi năm, tỉnh ta có hơn 3 vạn người bước vào độ tuổi lao động, xét về cơ cấu, lực lượng lao động phần lớn là trẻ và sung sức, đồng nghĩa với việc chúng ta có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, có sức hấp dẫn đầu tư. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lực lao động đang là vấn đề cần được quan tâm. Đó là trình độ chuyên môn và nghề nghiệp của lực lượng lao động còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao, chỉ chiếm trên 35%, một số lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế thì lao động lại được đào tạo nghề quá ít.

 

Nhưng hướng nghiệp còn lệch

 

Trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh ta phát triển rất mạnh. Trước năm 2001, toàn tỉnh mới chỉ có 6 cơ sở đào tạo nghề với quy mô nhỏ và một số trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề thì đến nay đã có 57 cơ sở đào tạo nghề, gồm 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng nghề, 8 trường trung cấp nghề và 45 trung tâm dạy nghề (trong đó có 16 trung tâm dạy nghề công lập và 29 trung tâm dạy nghề ngoài công lập). Tuy nhiên, nguồn nhân lực có chất lượng và đáp ứng được nhu cầu việc làm cho thị trường không phải là nhiều. Như Trường dạy nghề Kinh tế - Kỹ thuật số 1, mỗi năm đào tạo cho Nghệ An gần 2000 lao động ngắn hạn và dài hạn. Với chất lượng đầu vào đầu ra tương đối ổn định. Song, điều đáng quan tâm là những ngành quan trọng và cần nhiều lao động như chế biến nông lâm thuỷ hải sản thì hiện tại Nghệ An chưa có trường nào đào tạo.

 

 

Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm cũng đang là vấn đề nan giải hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp còn khá cao, tính đến tháng 4/2009, Nghệ An có hơn 10.000 lao động mất việc làm, khả năng đầu tư phát triển tạo việc làm tại chỗ không cân đối với tốc độ gia tăng lực lượng lao động hàng năm. Dự báo mỗi năm số lao động cần giải quyết việc làm lên đến 3,4 vạn người.

 

Bên cạnh đó, Nghệ An đang trong giai đoạn đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị với hàng loạt dự án thì một diện tích lớn đất nông nghiệp bị thu hồi đã làm tăng thêm số lượng người thất nghiệp, tạo sức ép cho công tác giải quyết việc làm trong thời gian tới. Mất đất sản xuất, không có công ăn việc làm ổn định. Dẫn đến số người nhàn rỗi cũng như số lao động ra thành phố tìm việc là không nhỏ. Trước thực trạng đó, giải quyết việc làm cho người lao động để có thể tận dụng tốt cơ hội trong giai đoạn dân số vàng là một bài toán nan giải.

 

Thách thức trước cơ hội lớn

 

Những năm gần dây chất lượng dân số ở nghệ An đã tăng lên đáng kể. Nhận thức của người dân về vấn đề sinh con thứ 3, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là tương đối cao bởi đời sống vật chất của người dân được nâng lên, mà các chính sách tuyên truyền về dân số đến tận cơ sở. Khi đời sống cũng như nhận thức được nâng cao thì vấn đề sức khoẻ con người luôn được chú trọng. Đây cũng là một trong những lý do để khẳng định chất lượng sức khoẻ nguồn lao động ở Nghệ An được nâng lên rõ nét.

 

 

Bên cạnh đó, hàng năm, Nghệ An đã có chủ trương về tập huấn nâng cao trình độ chuyện môn kỹ thuật cho hầu hết các đối tượng lao động. Ngoài sự gia tăng đáng kể của các trường dạy nghề thì các trung tâm như khuyến công, khuyến nông, các làng nghề, các doanh nghiệp cũng tự tổ chức các lớp tập huấn nghề cho người lao động. Tính riêng năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, số lượng lao động có nghề và qua đào tạo nghề đã lên tới gần 40% tổng số nguồn lao động ở Nghệ An. Điều này cho thấy, giải quyết việc làm cho lao động là vấn đề bức xúc.

 

Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để tạo thêm chỗ làm việc mới, đặc biệt là hỗ trợ và khuyến khích người lao động học nghề, tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động như: Trích lập Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm địa phương từ ngân sách tỉnh với mức 2,5 - 3 tỷ đồng/năm; thành lập và đầu tư nâng cấp hệ thống trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp tại các vùng và các huyện, thành thị, nâng cao năng lực các cơ sở giới thiệu việc làm; ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động, hỗ trợ học nghề, chính sách khuyến khích thu hút và đào tạo nghề cho lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh; liên kết các chương trình đầu tư phát triển kinh tế với giải quyết việc làm, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Khuyến khích các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế và các trang trại nông - lâm - ngư trên địa bàn để tạo nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động.

 

Tuy vậy, Nghệ An vẫn chưa thể tận dụng một cách tốt nhất cơ hội vàng khi mà tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao hơn tỷ lệ người gìa và trẻ nhỏ. Vậy Nghệ An nên có những giải pháp nào để vận dụng tốt nhất cơ hội vàng này nhằm đưa nền kinh tế địa phương phát triển. Ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng chi cục DSKHHGĐ cho biết, hiện nay Nghệ An đã phát triển khá nhiều các trường đào tạo nghề. Bên cạnh đó còn các khu cộng nghiệp, các làng nghề... Đây là một cơ hội lớn để lao động Nghệ An tham gia làm việc và nâng cao được trình độ. Tuy nhiên, phần lớn lao động chưa được chuẩn bị kiến thức về chuyên môn cũng như kỹ năng sống khi bước ra xã hội. Thiết nghĩ, để chất lượng nguồn lao động nghệ an đáp ứng được nhu cầu cung ứng trên thị trường song song với sự phát triển các trường, các cơ sở đào tạo nghề, thì các trường đào tạo nghề cần phải chuyên nghiệp hơn nữa. Bên cạnh đào tạo chuyên môn còn phải đào tạo tác phong, kỷ cương cũng như kỹ năng để họ sống độc lập, thành những gia đình nhỏ đôc lập...mặt khác, sức khỏe nguồn lao động cũng cần được nâng cao có như thế, nguồn lao động mới đảm bảo về mọi mặt để tham gia tích cực và mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp cũng như cho xã hội.

 

 

Có thể nói, tận dụng tối đa nhất thời cơ khi địa phương đạt tới cơ cấu dân số vàng là việc thực hiện tốt nhất bài toán về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và giải quyết được triệt để nhu cầu việc làm của ngưoì lao động. Bởi khi lực lượng lao động trong xã hội đông và năng suât lao động tăng thì đồng nghĩa với việc lực lượng đó sẽ tạo ra một nguồn của cải dư thừa lớn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên để tận dụng tốt nhất cơ hội có một không hai của mỗi nền kinh tế này không phải là một bài toán đễ giải đối với các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo. Hy vọng Nghệ An sẽ có những chiến lược cụ thể để đưa nền kinh tế tỉnh nhà “cất cánh”.

 

(Khánh Ly)