Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sáng giữa đời thường

16:49, 26/07/2010
Bằng ý chí vượt khó đi lên, quyết không trở thành gánh nặng cho xã hội, những cựu chiến binh – thương binh đã tiếp tục sống và cống hiến, trọn vẹn với lý tưởng và phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

 

Những tấm gương giữa đời thường    

 

Năm nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, vết thương cũ trong chiến tranh khiến đại tá Nguyễn Đình Chuân không còn minh mẫn như xưa. Nhưng đối với ông, kỷ niệm 3 lần được gặp Bác Hồ thì mãi vẹn nguyên, tươi mới. Lần thứ nhất vào năm 1953, sau thắng lợi chiến dịch Tây Bắc, Đại đoàn công pháo 351 vinh dự được đón Bác và đồng chí Nguyễn Chí Thanh tới thăm. Lần thứ hai vào năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đơn vị của ông nằm trong khối duyệt binh đón Bác và Trung ương Đảng về lại Thủ đô Hà Nội. Lần thứ 3, cũng là lần cuối cùng Bác đi chúc tết bộ đội, đồng bào. Sáng 19/2/1969, tại Hội trường quân chủng phòng không không quân, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã đến chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh.

 

Vợ chồng đại tá Nguyễn Đình Chuân

 

40 năm trong quân ngũ, trưởng thành từ anh lính pháo binh, trung đội trưởng, trung đoàn phó rồi tham mưu trưởng, ông đã từng chiến đấu tại những mặt trận ác liệt như Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.v.v… bị thương nhiều lần, nhưng ông vẫn xin ở lại tiếp tục chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Về đời thường, ông tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội, là tấm gương nhiệt tình, gương mẫu, gia đình văn hoá tiêu biểu của xã Nghi Phú, thành phố Vinh.

 

Ba lần gặp Bác, đối với ông đó là niềm hạnh phúc và may mắn nhất trong cuộc đời. Bởi mỗi lần gặp Bác là một lần được Người dạy bảo về đạo làm người, truyền thêm sức mạnh cho ông suốt những năm chiến đấu gian khổ cũng như chắp thêm nghị lực giúp ông vững vàng trong cuộc sống.

 

Cũng với những hồi ức đẹp đẽ qua những lần gặp Bác Hồ, được Bác ân cần chỉ bảo, người thương binh năm nay đã 85 tuổi vẫn sống mẫu mực và những nghĩa cử đẹp giúp ích cho đời. Đó là cụ Nguyễn Văn Hường ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn.

 

Gia nhập quân ngũ từ năm 1951, người lính trẻ đã vinh dự được làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương ở Bắc Cạn rồi đội cận vệ của Bác Hồ ở thủ đô, đi đón các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam. Thường xuyên gặp Bác, bảo vệ Người, hơn ai hết, anh lính Nguyễn Văn Hường luôn tự răn mình phải sống xứng đáng với những lời Người dạy bảo. Bởi những ân tình đó mà cụ Hường là một trong những người đầu tiên lập bàn thờ Bác ngay sau ngày Người đi xa.

 

Phục viên về quê nhà, cụ Hường đã từng là chủ nhiệm HTX, xã đội trưởng, bí thư chi bộ, đội trưởng đội sản xuất, hội CCB, ban thanh tra nhân dân… Những năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, cụ là người chỉ huy quân dân phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ sân bay Dừa và xóm làng.

 

Năm 2000, thấy vườn nhà rộng rãi, trong khi xóm lại chưa có nhà văn hoá, cụ đã không ngần ngại hiến hơn 300m2 đất để xóm có chỗ sinh hoạt, hội họp, đồng thời làm lớp học cho các cháu mầm non. Tuổi cao, sức yếu, nhưng cụ vẫn tự nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc khuôn viên, trồng cây cảnh, quét dọn xung quanh nhà văn hoá. Học sinh trong xóm cũng đã quen với giờ học bài buổi sáng và buổi tối nhờ tiếng trống đều đặn của cụ Hường.

 

Từ tấm gương cụ Nguyễn Văn Hường, cả xóm làm theo cụ. Nhà nhà sạch đẹp. Đường làng, ngõ xóm phong quang. Chính vì vậy mà xóm 6 là xóm thứ 2 của huyện Anh Sơn được công nhận làng văn hoá cấp tỉnh.

 

Trên 80 tuổi và gần 60 tuổi Đảng, thương binh 4/4, cụ Nguyễn Văn Hường là tấm gương mẫu mực, là đại biểu của huyện Anh Sơn được đi dự hội nghị điển hình tiên tiến gia đình văn hoá cấp tỉnh năm 2007. Tổng kết 10 năm xây dựng làng văn hoá năm 2009, cụ vẫn được suy tôn là gia đình mẫu mực nhất xã.

 

Hơn 10 năm nay, dù trời mưa hay nắng, người ta vẫn thấy ông Đặng Văn An đều đặn làm nhiệm vụ của người trông giữ xe ở chợ Hưng Dũng, thành phố Vinh. Mỗi ngày 10 tiếng đồng hồ, với người khoẻ mạnh còn thấm mệt huống gì với người thương binh nặng 1/4, đi lại còn khó khăn. Có việc làm, ngoài việc có thêm thu nhập nuôi con ăn học thì đối với ông, điều quan trọng hơn cả là được khuây khoả, cảm thấy mình có ích.

 

Thương binh Đặng Văn An chỉ là một trong số 4 thương binh nặng ở chợ Hưng Dũng. Họ đều có chung một hoàn cảnh và nguyện vọng được làm việc, được giúp gia đình, được hoà nhập với cuộc sống. Chính vì vậy, chính quyền phường Hưng Dũng đã tạo điều kiện giúp đỡ họ có việc làm phù hợp với điều kiện sức khoẻ. Những vị trí trong tổ quản lý chợ bao gồm giữ xe, bảo vệ trật tự, thu phí đều được dành cho thương binh có tỷ lệ thương tật trên 81%.

 

Gắn bó và say sưa với công việc, có người trong số họ đã làm việc ở chợ gần 20 năm, người ít nhất cũng trên 10 năm. Có người ban đầu đi làm để sẻ chia gánh nặng mưu sinh với người thân trong gia đình. Thì nay, con cái ổn định vẫn nhiệt tình sớm, tối đi về. Bởi với họ, lao động không chỉ là mưu sinh mà còn là để thấy mình đang sống, đang có ích cho gia đình và xã hội.

 

Hành trình đưa đồng đội về đất Mẹ

 

Cầu Đầu Mầu - thuộc địa bàn xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, nơi đây 39 năm trước đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa 33 chiến sĩ đặc công với một tiểu đoàn địch được phòng thủ kiên cố. Trận đánh thắng lợi nhưng 19 chiến sĩ đã hi sinh. Trong khi chưa kịp đưa các liệt sĩ ra ngoài thì trời sáng, bọn địch đã gom thi thể các chiến sĩ, tưới xăng đốt và chôn lấp tại chân cầu. Chứng kiến cảnh đó qua ống nhòm, người chỉ huy Võ Quốc Hùng nghẹn ngào thầm hứa với đồng đội sẽ đưa các anh về quê nhà. Chiến tranh ác liệt đã không cho phép ông thực hiện lời hứa đó. Hoà bình lập lại, ông vẫn luôn day dứt khi nghĩ về những chiến sĩ còn nằm lại chiến trường xưa.

 

Những CCB, thương binh không quản ngại khó khăn trong hành trình đưa đồng đội về đất Mẹ

 

Một thời gian dài tìm kiếm địa chỉ thân nhân liệt sĩ, ông Hùng cất công ra Bộ tư lệnh đặc công lần dò tên tuổi các liệt sĩ tại trận đánh 14/1/1970. Tìm được địa chỉ 2 gia đình liệt sĩ Lê Văn Huê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh và Dương Xuân Mỹ ở Kim Bảng, Hà Nam. Ông cùng các đồng đội trong ban liên lạc đặc công thành phố Vinh đã có 2 chuyến trở lại chiến trường, cùng nhà ngoại cảm xác định vị trí và hài cốt đồng đội. Đến nay, hài cốt hai liệt sĩ Dương Xuân Mỹ và Lê Văn Huê đã được an táng tại quê nhà. Còn hài cốt một liệt sĩ chưa xác định danh tính được ông Hùng cùng đồng đội an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị.

 

Tại chân cầu Đầu Mầu, dòng sông hiền hoà đã xoá đi nhiều vết tích chiến tranh. Nhưng ông Hùng biết, dưới lớp đất kia vẫn còn những đồng đội chưa được về đoàn tụ với gia đình. Ông chỉ mong mình còn sức khoẻ để tiếp tục hoàn thành lời hứa năm xưa đưa các anh trở về đất mẹ.

 

Hôm nay, những người lính già lại tiếp tục hành trình về quê của hai chiến sĩ Dương Xuân Mỹ và Lê Văn Huê. Ông Hùng đã liên hệ với quân khu Trị Thiên B4, B5 và bộ Tư lệnh đặc công tại Hà Nội để truy tặng kỉ niệm chương, huy hiệu binh chủng đặc công cho 2 liệt sĩ. Họ lại lên đường để tiếp tục hoàn thành lời hứa vẫn còn dang dở…

 

Có những người may mắn được gặp Bác Hồ, được nghe những lời người ân cần dạy bảo. Cũng có người chưa một lần được gặp Bác nhưng trọn vẹn một đời vẫn nguyện sống thủy chung với tư cách của một chiến sĩ cộng sản chân chính. Họ - những người thương binh không còn vẹn nguyên về thân thể, nhưng vẫn sống và cống hiến theo cách riêng của mình. Bằng những việc làm cụ thể và ý nghĩa, những cựu chiến binh này đã và đang góp phần làm sáng mãi phẩm chất cao quý của “anh bộ đội cụ Hồ”.

 

(Hoa Mơ)