Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xã hội hóa công tác quản lý di tích ở Nghệ An

14:40, 13/07/2010
Xứ Nghệ, cái nôi truyền thống văn hoá lâu đời, với rất nhiều các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh gắn với những tên tuổi lớn như: khu di tích Kim Liên, di tích cụ Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong... hay đền thờ Thục An Dương Vương; Mai Hắc Đế...

 

 

Nghệ An là một trong những địa chỉ văn hoá đặc biệt của cả nước với hệ thống di tích - danh thắng đa dạng, phong phú nhiều chủng loại như Di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật... Theo thống kê, Nghệ An có gần 1000 di tích, trong đó có hơn 170 di tích được cấp hồ sơ hoa học và có quyết định xếp hạng (với hơn 100 di tích cấp quốc gia, hơn 50 di tích cấp tỉnh).

 

Từ khi Luật di sản của nhà nước ra đời và UBND tỉnh có quyết định số 24 về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng, bảo vệ di tích danh thắng; quyết định 1306 về phân cấp quản lý các di tích danh thắng trên địa bàn Nghệ An thì Sở VHTT- DL đã có những biện pháp cũng như phương hướng cụ thể để xây dựng, quy hoạch tu bổ, tôn tạo, phân cấp quản lý cho từng vùng miền, địa phương nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong nhân dân.

 

Đền Cờn

 

Khi đã thực hiện xã hội hoá công tác quản lý di tích danh thắng thì sẽ nâng cao được ý thức của người dân trong việc giữ gìn cũng như phát huy những giá trị lịch sử văn hoá của di tích ở mỗi địa phương. Và một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để vừa làm tốt công tác quản lý, vừa khai thác có hiệu quả các quần thể di tích là Nghệ An đã chủ trương đẩy mạnh phát triển các lễ hội truyền thống cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Bên cạnh đó, Nghệ An còn khai thác có hiệu quả việc tổ chức tua du lịch gắn với các quần thể di tích lịch sử văn hoá, danh thắng mang tính tâm linh hướng về cội nguồn. Vừa góp phần  khai thác tiềm năng du lịch lại vừa giúp nhân dân địa phương cũng như du khách hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử cũng như những vẻ đẹp riêng nhất của mỗi miền quê.

 

Trong thời gian qua, công tác trùng tu, khôi phục các di tích hoặc phế tích cũ đã có những bước tiến đáng kể. Có nhiều ngôi đền hoặc lễ hội sau khi trùng tu tôn tạo đã thu hút rất đông du khách thập phương và nhân dân trong vùng như đền Đức Hoàng, đền Cuông, lễ hội vua Mai... Tiêu biểu là đền Ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh Huyện Hưng Nguyên, được trùng tu năm 1995, đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn được ngôi đền này thờ ai chỉ biết rằng ngôi đền đã có từ rất lâu đời, bốn bề là đồng ruộng hoang vắng. Từ khi được trùng tu nâng cấp và tôn tạo lại, du khách ở khắp mọi miền tổ quốc trở về cúng lễ. Họ đến với những nén hương thành kính và xem đây như là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu.

 

Đình Võ Liệt

 

Những gì còn lại với thời gian thì sẽ là bất tử! Câu nói ấy quả không sai. Lịch sử có thể sẽ bị quên lãng nếu nó không được hiện hữu bằng những di vật, bằng những di tích văn hóa. Thành quả đạt được trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả các quần thể di tích tên địa bàn đã cho thấy sự vào cuộc của nghành văn hoá mà trách nhiệm chính là Ban quản lý di tích danh thắng Nghệ An. Đây là một công việc khó khăn, đòi hỏi trình độ chuyên môn, sự trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Họ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và đánh giá đúng bản chất giá trị của mỗi di tích, từ đó đưa ra cách thức quản lý, khôi phục di tích theo đúng hiện trạng ban đầu của lịch sử. 

 

Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc phát huy nội lực từ  nhân dân trong vùng cũng là một phương thức hiệu quả để phát hiện, bảo vệ và tôn tạo các di tích. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng nghành văn hoá, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân, mỗi du khách khi đến với di tích danh thắng trên địa bàn.

 

Đền thờ Vua Quang Trung

 

Xã Xuân Hoà huyện Nam Đàn, nơi có quần thể di tích đền Tán Sơn và mộ nhà chí sỹ cách mạng Lê Hồng Sơn là một trong những địa phương đặc quan tâm đến công tác khôi phục, trùng tu các di tích trên địa bàn. Cũng từ ý thức trách nhiệm đó mà nguyện vọng của ban lãnh đạo xã Xuân Hoà cũng như con cháu dòng họ Lê Hồng Sơn trong việc khôi phục lại ngôi nhà của cụ trên chính mảnh đất xưa là điều chính đáng. Bởi Lê Hồng Sơn - một anh hùng cách mạng kiên cường của xứ Nghệ. Ông là một trong 3 thành viên quan trọng giúp Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam . Hiện nay, ngôi nhà nơi Lê Hồng Sơn sinh ra, lớn lên đã đựơc người cháu ruột dời về sống ở xã Nam Lĩnh- huyện Nam Đàn nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị lịch sử ban đầu của nó. Những di vật của ông và gia đình đều được con cháu cũng chính quyền địa phương sưu tầm, lưu giữ khá đầy đủ.

 

Miền quê lúa Yên Thành giàu truyền thống với số lượng di tích lịch sử lớn nhất Nghệ An. Toàn huyện có tới 202 di tích, trong đó có 27 di tích được xếp hạng ở các loại với khá nhiều địa chỉ đỏ thu hút đông đảo khách thập phương. Và nơi đây đã trở thành huyện đi đầu trong công tác quản lý, khôi phục các di tích danh thắng trên địa bàn với những cách thức rất riêng, vừa xã hội hóa công tác trùng tu bảo vệ các di tích lịch sử, vừa tuyên truyền cho dân nhận thức được tầm quan trọng trong việc lưu giữ bảo tồn những nét đẹp truyền thống ấy. Bên cạnh đó, chính quyền đã có sự chỉ đạo trực tiếp xuống các địa phương: nghiêm cấm người dân có những hành vi ảnh hưởng đến các khu di tích, dù đó là khu di tích đã được công nhận hay chưa được công nhận.

 

Nghệ An cần có nhiều hơn nữa những địa phương tiêu biểu như huyện Yên Thành. Có như thế chúng ta mới có thể làm tốt hơn nữa công tác quản lý di tích trên địa bàn. Trong những năm gần đây, các dự án bảo tồn, tu bổ di tích, phế tích đã và đang được triển khai theo các chương trình mục tiêu của nhà nước, của tỉnh với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Như  Đền Cờn, đền Vua Mai, Đình Võ Liệt, đình Hoành Sơn, đền Quả Sơn... cùng với rất nhiều dự án về đình làng, miếu mạo cũng đang được khôi phục.

 

Thành cổ Vinh

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì công tác quản lý di tích danh thắng trên địa bàn Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế. Ngành văn hóa cần phải tổ chức tập huấn về công tác bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử - danh thắng một cách thường xuyên hơn nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ văn hóa cấp cơ sở. Đồng thời, cần tuyên truyền một cách rộng rãi luật di sản văn hóa để người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ các di tích lịch sử - danh thắng trên địa bàn cư trú. Tránh tình trạng ở nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng tu sửa di tích một cách tự phát làm biến dạng di tích như dự án tu sửa Thành Cổ Vinh hay Đền Cuông... Đây là hai di tích lịch sử quan trọng và có giá trị nghệ thuật cao. Tuy nhiên sau khi được trùng tu tôn tạo, những công trình này đã bị hiện dại hoá, mất nét đẹp cổ kính và những hoa văn tinh xảo của nghệ thuật kiến trúc. Trách nhiệm thuộc về ai và nguyên nhân do đâu. “Trách nhiệm chính vẫn là ngành văn hóa. Bởi trình độ chuyên môn của những cán bộ chuyên trách còn hạn chế nên chưa nắm hết được nét đặc trưng trong kiến trúc của một di tích lịch sử, cũng như chưa hiểu sâu sắc về giá trị của mỗi di tích nên trong quá trình thực hiện trùng tu, tôn tạo đã có sai sót. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp cụ thể hơn để khắc phục tình trạng này.” Ông Cao Đăng Vĩnh - Giám đốc sở VHTT&DL Nghệ An thừa nhận.

 

Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên

 

 

Có thể nói, công tác quản lý di tích danh thắng là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi địa phương trong cả nước. Bởi trong xu thế phát tiển chung của nền kinh tế thời hội nhập thì việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống văn hoá lịch sử lâu đời của mỗi vùng đất là vô cùng quan trọng, đặc biệt là Nghệ An, một trong những cái nôi của văn hoá Đông Sơn, nơi có hệ thống di tích danh thắng phong phú bậc nhất Việt Nam và còn là quê hương của vị lãnh tụ thiên tài được toàn thế giới biết đến Hồ Chí Minh.    

 

(Khánh Ly)