Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Định hướng phát triển công nghiệp Nghệ An

16:03, 23/08/2010
Giai đoạn từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo tình hình kinh tế thế giới, khu vực, tình hình kinh tế trong nước được dự báo sẽ còn nhiều biến động phức tạp. Việc lựa chọn hướng đầu tư phát triển công nghiệp Nghệ An phù hợp với xu thế phát triển, khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương, từ đó đề ra được các giải pháp hữu hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

  

Hội thảo “Phát triển công nghiệp Nghệ An giai đoạn 2011-2015” được tổ chức tại thành phố Vinh vừa qua chính là cơ hội để tỉnh Nghệ An tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các chuyên gia về lĩnh vực công nghiệp nhằm, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển công nghiệp Nghệ An phát triển một cách bền vững, hiệu quả nhất đồng thời khai thác tốt, hợp lý và khoa học nhất tiềm năng để kinh tế Nghệ An thực sự có bước đột phá.

 

Nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, Nghệ An là tỉnh có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, số lượng dân số, diện tích đất đai cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để phát triển công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn Nghệ An có trên 867 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, vốn sản xuất kinh doanh đạt trên 6.6 ngàn tỷ đồng. Lao động trong ngành công nghiệp gần 140.000 người, chiếm xấp xỉ 8% lao động xã hội của tỉnh. Năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.220 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 14,54%, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP của tỉnh đạt 36%. Thực hiện các mục tiêu về phát triển công nghiệp mà Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XV, XVI đã đề ra, việc đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp đã được thực hiện tập trung, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ ở một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm. Đến nay, công nghiệp Nghệ An đã hình thành được một số ngành trọng điểm: Công nghiệp chế biến: Sản lượng đường kính đạt bình quân 11-12 vạn tấn/năm, chè chế biến 10 ngàn tấn, nuôi trồng chế biến hải sản xuất khẩu 5 - 6 ngàn tấn/năm,...; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Xi măng 1,7 triệu tấn, gạch nung 400 triệu viên; Công nghiệp thực phẩm đồ uống: Bia, nước giải khát sản lượng đạt 50 triệu lít, đang tập trung đầu tư để đạt công suất 150 triệu lít vào cuối năm 2010; Công nghiệp khai thác khoáng sản: Thiếc, đá Bazan, đá trắng; Công nghiệp dệt, da, may mặc. Nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi trên các lĩnh vực: bồi thường giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, chính sách khuyến công,… Bên cạnh đó, đã qui hoạch, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai, Phủ Quì, Khu kinh tế Đông Nam, các cụm công nghiệp ở hầu hết ở các huyện.

 

Khu công nghiệp Hoàng Mai

 

Tuy vậy, với vị trí 26/63 tỉnh thành trong cả nước, có thể nói công nghiệp Nghệ An vẫn chưa phát triển và có chỗ đứng xứng tầm so với tiềm năng, lợi thế. Tồn tại lớn nhất của công nghiệp Nghệ An chính là: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP còn thấp so với bình quân chung của cả nước, sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao do qui mô, trình độ công nghệ thấp kém, lạc hậu, ít có mặt hàng chủ lực chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Giá trị tăng thêm, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn nhỏ. Công nghiệp nông thôn, ngành nghề, làng nghề bước đầu mới hình thành, nên qui mô nhỏ, thu nhập thấp, giải quyết việc làm ít, do vậy tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn chậm.

 

Tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp Nghệ An giai đoạn 2011-2015”, Thứ trưởng Bộ Công thương – Nguyễn Nam Hải khi định hướng chung cho phát triển công nghiệp Nghệ an cũng đã xác định: Điểm yếu của kinh tế Nghệ An nói chung và công nghiệp nói riêng là đội ngũ doanh nhân của Nghệ An còn nhỏ bé, các cơ sở CN của trung ương, của các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn đặt trên đất Nghệ An còn khá ít ỏi, thiếu các cơ sở công nghiệp quy mô lớn có vai trò hạt nhân, tạo được tác động lan toả, lôi kéo, kích thích phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành CN hỗ trợ. Việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm CN ở Nghệ An, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, cũng mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu hạn chế. Nguồn nhân lực cho phát triển tuy dồi dào về số lượng, nhưng tỷ lệ qua đào tạo còn thấp. Ngoài ra, sự liên kết với các tỉnh bạn, trước hết là các tỉnh lân cận cũng như các tỉnh thuộc nước bạn Lào, trong việc phối hợp để phát triển công nghiệp cũng còn hạn chế. Có lẽ đây là những nguyên nhân (cùng với các nguyên nhân khách quan khác như biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước 2 năm 2008-2009) làm cho quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh - mặc dù đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện - khó đạt được một số mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2010. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải: trong phát triển công nghiệp, Nghệ An cần chú ý phát triển giữa công nghiệp chủ lực, công nghiệp có đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, đồng thời phát triển công nghiệp nhỏ, tiểu thủ công nghiệp để góp phần xây dựng nông thôn theo hướng “ly nông, bất ly hương”. Và để Nghệ An thành công trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng, để sớm đưa Nghệ An vào tốp những tỉnh phát triển và đạt mục tiêu trở thành tỉnh CN vào năm 2020 thì tỉnh nhà cần cân đối hài hoà lộ trình phát triển 3 nhóm ngành chính mà Bộ công thương đã xác định trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 gồm các nhóm các ngành công nghiệp hiện đang có lợi thế cạnh tranh hoặc có thể tạo dựng được lợi thế cạnh tranh thông qua thế mạnh về nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động tương đối thấp, phí đào tạo lao động không nhiều; các ngành có thuận lợi về nguồn nguyên liệu hoặc có điều kiện để phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ; các ngành có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp…  Nhóm các ngành công nghiệp cơ bản có vai trò nền tảng cho sự nghiệp CNH-HĐH và đảm bảo tính tự chủ cho nền kinh tế, gồm một số ngành CN năng lượng, luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất-hoá dầu, khoáng sản. Và có kế hoạch nghiên cứu, tìm kiếm và mời gọi nhà đầu tư, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất để có thể từng bước phát triển nhóm các ngành CN mới, các ngành đón bắt xu hướng phát triển của tương lai, bao gồm các ngành CN công nghệ cao như công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ sinh học.v.v…

 

Khởi công Nhà máy xi măng Tân Thắng

 

Quy hoạch phát triển công nghiệp Nghệ An đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2008. Về cơ bản, những quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp chủ yếu nêu trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch vẫn còn nguyên giá trị. Tuy vậy, tại Hội thảo, một số tham luận cũng đã định hướng Tỉnh cần cân nhắc, điều chỉnh tiến độ, quy mô trong việc đầu tư phát triển đối với một số ngành, một số dự án để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất xi măng. Với tiềm năng trên 4 tỷ tấn đá vôi, nguồn đất sét dồi dào, chất lượng tốt, nguồn phụ gia phong phú, nguồn nhân lực sẵn có… nên ngoài các nhà máy đã có, Nghệ An cũng đang trình xin bổ sung một số dự án mới như: Xi măng Tân kỳ 2, xi măng Tân Thắng và dự án Hoàng Mai 2. Tuy vậy, Tiến sĩ Võ Quang Diệm – Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cũng cảnh báo: Thực tế trong những năm qua ngành xi măng trong cả nước đã phát triển với một tốc độ rất nhanh. Cho đến năm 2010, về cơ bản ngành này đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và theo dự báo sẽ diễn ra tình trạng cung vượt cầu vào năm 2011 do sẽ có thêm 18 dự án đi vào hoạt động sản xuất. Vậy nên tỉnh cần cân nhắc kỹ lưỡng trong ưu tiên phát triển lĩnh vực này.

 

Nghệ An đã có 8 Khu công nghiệp, được Thủ tướng phê duyệt. Đây là điều kiện thuận lợi để Tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa nghề, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh trên cơ sở tận dụng các yếu tố thuận lợi về địa lý và điều kiện hạ tầng thuận lợi của KKT, các KCN. Từ đây có thể thu hút, xây dựng, phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn khai thác các nguồn nguyên liệu thế mạnh của tỉnh tại KKT, KCN để tạo lực đẩy, tác động lan tỏa đến các cơ sở sản xuất nhỏ hơn ngoài KKT, KCN. Để làm được điều này, địa phương phải giải quyết tốt 3 khâu tạo được mặt bằng, thủ tục hành chính và nguồn nhân lực tại chỗ. Đây cũng chính là các yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của mỗi địa phương trong thu hút đầu tư. Song song với việc kêu gọi đầu tư, cần chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Khu yến khích người đầu tư SX nguyên liệu  tham gia cổ phần vào các dự án chế biến để gắn bó trách nhiệm, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài, tránh được tác động xấu khi giá nguyên liệu biến động. Một vấn đề cần chú trọng việc nữa là việc kêu gọi những người Nghệ An làm ăn xa quê, đặc biệt là các doanh nghiệp, các chuyên gia giỏi, nhà khoa học, kiều bào ở nước ngoài… tham gia tích cực vào việc đầu tư vốn, chất xám, các mối quan hệ thị trường để phát triển công nghiệp tại quê nhà.

 

Phát triển công nghiệp của Nghệ An nhanh và bền vững là đòi hỏi khách quan, tất yếu. Đây là việc không dễ dàng, nhưng Nghệ An có đủ tiền đề và điều kiện để thực hiện. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, với quyết tâm cao của Lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh, với truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, quê hương Bác Hồ, kết hợp với việc xác định đúng hướng phát triển và các giải pháp quyết liệt, mang tính khả thi cao, Nghệ An sẽ thành công trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng, để sớm đưa Nghệ An vào tốp những tỉnh phát triển và đạt mục tiêu trở thành tỉnh CN vào năm 2020.

 

(Xuân Hướng)