Khi dân đồng lòng...
Nổi bật nhất, tạo được dấu ấn quan trọng nhất, đồng thời cũng là nội dung trọng tâm của phong trào "Toàn dân đoàn kết XD đời sống văn hoá" trong 10 năm qua phải kể đến những kết quả, chuyển biến tích cực trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá; làng, bản, khối phố văn hoá; xã đạt chuẩn văn hoá; huyện điểm văn hoá trên địa bàn toàn Tỉnh. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành cũng như đề ra được nhiều biện pháp, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng nên phong trào đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị; làm cho phong trào ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, có chất lượng và đi vào thực chất.
Đến xóm Hiếu Thành - Thị xã Thái Hòa, điều cảm nhận đầu tiên là hình ảnh một khối dân cư có đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần phát triển, cơ sở hạ tầng với hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng hoàn chỉnh. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hoá tinh thần của người dân được chăm lo và ngày 1 nâng cao. 100% hộ gia đình có điện thắp sáng và phương tiện thông tin nghe nhìn, trên 80% hộ có nhà kiên cố, 100% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Kết quả đó phản ánh công sức, tâm huyết và sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", xây dựng khu dân cư tiên tiến xuất sắc.
Hiếu Thành chỉ là 1 trong tổng số trên 2.600 làng, bản, khối phố văn hóa của toàn tỉnh tính đến thời điểm hết năm 2009 giữ vững và phát huy được danh hiệu làng văn hoá. Nét nổi bật nhất trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá; làng, bản, khối phố văn hoá; xã đạt chuẩn văn hoá; huyện điểm văn hoá là các ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị đã lồng ghép các nội dung, tiêu chí thi đua, làm cho phong trào ngày càng có bước phát triển đa dạng, phong phú nhưng vẫn bám sát được các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản, khối phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hoá; huyện điểm văn hoá. Chuyển biến mạnh mẽ nhất, đáng kể nhất của phong trào chính là đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế của người dân các địa phương từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng đến miền núi. Điều đáng ghi nhận nhất ở các làng văn hoá là số hộ nghèo ngày càng giảm, số hộ có đời sống kinh tế phát triển ngày 1 tăng lên. Bài học giữ vững và phát huy danh hiệu làng văn hoá, xã đạt chuẩn văn hoá, huyện điểm văn hoá ở cơ sở cho thấy, bên cạnh việc xây dựng yếu tố văn hoá tinh thần lành mạnh thì phát triển kinh tế bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Huyện Quỳnh Lưu, 1 trong 5 đơn vị chỉ đạo điểm của Tỉnh về xây dựng huyện điểm văn hoá đã có nhiều cách làm sáng tạo để đưa phong trào phát triển. Xác định, xây dựng đời sống văn hoá và phát triển kinh tế là 2 bộ phận không thể tách rời trong phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", cấp uỷ, chính quyền đã đề ra chương trình hành động thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh việc huy động nguồn lực từ nhân dân, trong nhân dân để củng cố và xây dựng thiết chế văn hoá đồng bộ, huyện chú trọng mở mang phát triển các vùng chuyên canh trọng điểm như: nuôi trồng, chế biến hải sản; xây dựng các làng nghề; vùng chuyên canh rau an toàn, xây dựng cánh đồng 100 triệu/ha... Kinh tế phát triển đã tạo ra nhiều cơ hội để Quỳnh Lưu tạo sự bứt phá tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Văn hóa chính là động lực của sự phát triển ở Nghệ An. Trong 10 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hoá; làng, bản, khối phố văn hoá; xã đạt chuẩn văn hoá; xã có thành tích xuất sắc trong phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã góp phần khắc hoạ bức tranh kinh tế toàn cảnh hết sức tốt đẹp. Số hộ nghèo toàn tỉnh mỗi năm giảm từ 15 - 18.000 hộ. Số xã nghèo từ 130 giảm xuống còn 39 xã, đạt tỷ lệ 70%. Toàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 260.000 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 26.000 người. Việc huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực... Với những nội dung, tiêu chí rất cụ thể thiết thực, trong đó đề cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng; việc triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" nói chung, xây dựng làng văn hoá nói riêng còn mang lại kết quả hết sức tốt đẹp, góp phần xây dựng mối quan hệ hàng xóm láng giềng theo hướng tích cực, đoàn kết tương thân tương ái. Bên cạnh đó còn có tác dụng duy trì và phát huy có hiệu quả các phong trào xã hội khác như phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo... trên phạm vi toàn Tỉnh.
Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống được khôi phục |
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng kết luận "một tấm gương tốt sẽ có giá trị gấp trăm lần bài báo cáo suông". Thực hiện lời dạy của Người, đội ngũ những người làm công tác văn hoá đã luôn bám sát cơ sở, triển khai toàn diện các nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đến tận thôn, bản, khối xóm; chỉ đạo, xây dựng các đơn vị điểm để nhân rộng phong trào. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều hơn gương “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến tập thể và cá nhân trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan toả mạnh mẽ. Từ cơ sở, đã có gần 19.000 Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc cấp xã; 1.545 Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc cấp huyện; 230 Gia đình văn hoá xuất sắc cấp Tỉnh ; 82 điển hình Làng, bản, khối phố tiêu biểu xuất sắc cấp Tỉnh và 3 điển hình Làng, bản, khối phố xuất sắc tiêu biểu cấp Toàn quốc được biểu dương, khen thưởng trong thực hiện cuộc vận động. Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" giai đoạn 2000 - 2010 tiếp tục tôn vinh 133 cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào. Đây chính là những hạt nhân tiêu biểu góp phần điểm tô và làm phong phú thêm kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng với việc xây dựng các mô hình Xã có thành tích xuất sắc trong phong trào TD ĐKXDĐSVH, xây dựng khu dân cư tiên tiên xuất sắc, từ năm 2001 đến nay tỉnh Nghệ An đã triển khai thí điểm xây dựng mô hình huyện điểm văn hoá tại 5 địa phương là Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò, Anh Sơn và Quỳ Hợp. Mỗi địa phương, đơn vị đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo để phong trào ngày càng có sức lan tỏa cả về bề rộng và chiều sâu. Minh chứng cụ thể nhất trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở là những con số hết sức ấn tượng: toàn tỉnh có 30 xã được công nhận Xã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; 3.885 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến, trong đó 1.359 khu dân cư đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc; 519.500 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ trên 77%...
10 năm triển khai sâu rộng và đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần của người dân trên địa bàn toàn Tỉnh mà còn tạo ra những thay đổi tích cực, đáng kể trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đời sống văn hoá tốt. Đến nay, đã có 95% gia đình cán bộ công chức đạt gia đình văn hoá, 70% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị văn hoá. Toàn tỉnh có 765 cơ quan, trường học được UBND tỉnh cấp bằng “Đơn vị văn hoá”, 127 đơn vị được Tổng LĐLĐ Việt Nam công nhận đơn vị có đời sống văn hoá tốt. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá đã có tác động tích cực tới tư tưởng chính trị, ý thức rèn luyện, phấn đấu của mỗi một cán bộ đảng viên, người lao động trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đồng thời tạo ra môi trường dân chủ, cảnh quan sạch đẹp trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) đã có nhiều đổi thay |
Điểm nổi bật khác ở Nghệ An là từ phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, mà trọng tâm là phong trào xây dựng Làng, bản, khối phố văn hoá, các làng, bản đã sớm xây dựng và triển khai hiệu quả các hương ước, quy ước. Đây cũng chính là nền tảng, động lực để xây dựng, phát triển đời sống văn hoá tinh thần, giúp cho việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo hiệu quả thực chất. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quán triệt sâu sắc tầm quan trọng các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phong trào TD ĐKXD ĐSVH.
Với sự phấn đấu liên tục và có bước đi phù hợp, đến nay đời sống văn hoá của nhân dân trong toàn Tỉnh đã được cải thiện rõ nét. 10 năm triển khai thực hiện phong trào "Tòan dân đoàn kết xây dựng đời sống văn háo khu dân cư", hệ thống thiết chế văn hoá - thông tin - thể thao ở cơ sở được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Với chính sách hỗ trợ cụ thể của các huyện, thành, thị; các làng, bản, khối xóm đã tiến hành cải tạo và xây mới được hàng trăm nhà văn hoá làm nơi sinh hoạt văn hoá, chính trị, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, khoa học kỹ thuật, phổ biến chủ trường đường lối chính sách của đảng, nhà nước đến tận người dân, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân ở cơ sở. Ngân sách tỉnh đã đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, nhà văn hoá và sân vận động với số tiền trên 60.600 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 183 xã có thiết chế văn hoá-thông tin-thể thao đạt chuẩn (đạt 38,2%), 37 xã có thư viện, 442 tủ sách pháp luật, 380 đài truyền thanh cơ sở, 450 sân vận động cấp xã, 220 phòng truyền thống, 4867 làng, bản, khối xóm có nhà văn hóa (đạt 83,5%). Xây dựng các thiết chế văn hóa trong thời gian qua đã góp phần tạo ra các điểm sinh hoạt văn hoá đa dạng và phong phú để tổ chức triển khai thực hiện phong trào TD ĐKXD ĐSVH có hiệu quả. Từ đó góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, thúc đẩy phong trào Toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội và cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi; đáp ứng từng bước nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh...
Bằng những nỗ lực sáng tạo rất riêng của mỗi địa phương, cơ sở đã đóng góp vào kho tàng kinh nghiệm xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu Làng văn hoá nói chung, xây dựng thiết chế văn hoá đồng bộ nói riêng của cả Tỉnh. Xóm Hải Giang 1 - thị xã Cử Lò là 1 ví dụ điển hình. Điểm khác biệt, cũng là thành công ở đây chính là cách huy động nội lực đóng góp đầu tư, xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở. Mấu chốt của sự thành công ở đây là làm cho từng người dân hiểu được ý nghĩa, vai trò không thể thiếu của việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá - thông tin - thể thao trong việc cải thiện và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, từ đó được dân đồng lòng thực hiện. Cách làm công khai, dân chủ, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn dân. Khối Hải Giang 1 trở thành điểm sáng trong phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư" và là khu dân cư tiên tiến xuất sắc xây dựng được hệ thống thiết chế văn hoá - thông tin - thể thao đồng bộ, phục vụ đắc lực cuộc sống văn hoá tinh thần của người dân.
Những kết quả quan trọng trong10 năm triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Tỉnh Nghệ An đã khơi dậy động lực to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển nhưng đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ mới trong việc tiếp tục thực hiện phong trào mang lại những kết quả thiết thực và chuyển biến sâu rộng hơn với các chỉ tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015:
- Có 52-55% làng, bản, khối phố được công nhận làng, bản, khối phố văn hoá
- Phấn đấu đưa tỷ lệ xã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” lên 20%.
- Có 75% khu dân cư được công nhận Khu dân cư tiên tiến.
- Tiếp tục xây dựng 5 huyện điểm văn hoá gồm:
- 100% làng, bản, khối phố có thiết chế văn hoá - thông tin - thể thao
- Có từ 55 - 60% xã, phường, thị trấn có thiết chế VH -TT - TT đạt chuẩn quốc gia.
- Có 30% - 32% số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Có 20,2 - 21,7% gia đình thể thao...
Mỗi một tên xóm, tên làng đều gắn với những nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng để khi gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước khác, "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trở thành phong trào thi đua yêu nước mang tính xã hội rộng lớn... Hiệu quả và vẻ đẹp của đời sống văn hoá đang tiếp tục lan toả từ đồng bằng ven biển đến các vùng miền núi, biên giới vùng cao xứ Nghệ. Đó chính là động lực tinh thần tạo đà phát triển cho thời kỳ Công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở Nghệ An.
(Minh Tâm)