Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Văn hoá Nghệ An - những chặng đường phát triển

09:49, 28/08/2010
Thông tin tuyên truyền, văn hóa tư tưởng là một mặt trận quan trọng, góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 28/8/1945 Bác Hồ đã quyết định thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Kể từ đây, ngày 28/8 đã trở thành ngày truyền thống của ngành VHTT. Suốt 65 năm

 

 

Tháng 1-1946, Bộ Tuyên truyền và cổ động được thành lập, thì ở Nghệ An cũng đổi tên là Ty Tuyên truyền và văn nghệ do nhà văn Bùi Hiển làm Trưởng Ty. Đây là mốc quan trọng mở đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Nhiệm vụ cách mạng rất nặng nề mà văn hóa phải tập trung tuyên truyền đó là "diệt giặc dốt", "diệt giặc đói" và "diệt giặc ngoại xâm". Đặc biệt thực hiện lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ Tịch, nhiều phong trào đã nổi lên ở Nghệ An như "Bình dân học", "Hũ gạo nuôi quân", "Xây dựng đời sống mới", "Nhường cơm sẻ áo"…, góp phần tích cực vào sự thành công của cuộc kháng chiến.

 

Tiếng hát át tiếng bom một thời...

 

Tháng 9/1955, Bộ Tuyên truyền văn nghệ được đổi tên thành Bộ văn hoá, ở  tỉnh Nghệ An cũng đổi tên Ty Tuyên truyền văn nghệ thành Ty Văn hóa. Mở đầu cho giai đoạn này, ngành Văn hóa được vinh dự phục vụ Bác Hồ về thăm quê sau 50 năm Người đi tìm đường cứu nước (9-6-1957). Đến năm 1964, giặc Mỹ đánh bom miền Bắc, cán bộ chiến sĩ văn hóa Nghệ An lại tiếp tục lên đường phục vụ cuộc chiến đấu chống trả chiến tranh phá hoại miền Bắc vừa chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều phong trào xuất hiện như: "Tiếng hát át tiếng bom", "Trai 3 sẵn sàng, gái 3 đảm đang", "Vững tay cày, chắc tay súng", “xe chưa qua, nhà không tiếc", "Tất cả cho tiền tuyến"…, cán bộ văn hóa ở Nghệ An lúc này vừa là nghệ sỹ vừa là chiến sỹ, vừa phục vụ địa phương, vừa thay nhau ra hỏa tuyến. Lúc này đây, nhiều tác phẩm VHNT tiêu biểu đã xuất hiện như: kịch hát “cô gái sông Lam ", bài hát " Tiếng hò trên đất Nghệ An " đã đi vào lòng  người dân  Nghệ An và cả nước.

 

Lễ hội phu nhạ thầu, một lễ hội mới được khôi phục

 

Giai đoạn từ 1975 đến nay, vừa tròn 35 năm sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, cả nước đi lên CNXH, ngành Văn hóa Nghệ An có nhiều biến động lớn. Đó là tổ chức bộ máy và nhân sự, vừa sáp nhập 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.  Ty đổi thành Sở, đến năm 1991 lại tách tỉnh, tách 2 sở Hà Tĩnh và Nghệ An, rồi đến năm 2008 hợp nhất các Sở Du lịch, Sở TDTT và Sở VHTT thành Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, chuyển bộ phận Thông tin về Sở Thông tin truyền thông. Dù trải qua những biến cố, thăng trầm nhưng có thể khẳng định rằng, sau 35 năm giải phóng và gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công tác văn hoá ở Nghệ An đã phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện. Đáng chú ý nhất,  ngành văn hoá Nghệ An là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về nhiều lĩnh vực như: Phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật luôn được tổ chức kịp thời, có tác dụng tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt là đã xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở theo nguyên tắc quản lý Nhà nước và hoạt động tác nghiệp riêng. Nhà văn hóa huyện (nay là Trung tâm VHTTTT) được tách ra khỏi phòng Văn hóa Thông tin huyện hoạt động rất có hiệu quả. Phong trào văn nghệ quần chúng được phát triển mạnh ở cơ sở, các cấp, các ngành. Ở đâu cũng có đội văn nghệ hoạt động tự biên tự diễn, được quần chúng nhân dân nuôi dưỡng, phát triển rộng khắp. Nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ được tổ chức đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, mở rộng biên độ đối tượng tham gia. Nhiều điểm sinh hoạt văn hoá hình thành và được nhân rộng, tạo điều kiện tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã thực sự thấm sâu vào lòng dân. Đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa. Xã, phường, thị trấn văn hoá được các cấp, các ngành triển khai thực hiện rộng rãi, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 523.200 gia đình văn hóa, đạt 77,4%; 2619 làng, bản, khối phố văn hóa, đạt 45,1%; 183 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa quốc gia và có 5 huyện, thị: Quỳ Hợp, Nam Đàn, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, TX Cửa Lò xây dựng huyện điểm văn hóa. Ngoài ra, có nhiều hoạt động khác được ghi nhận như phong trào "Đưa dân ca vào trường học" đã cuốn hút gia đình, trường học, xã hội tham gia. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc được chú trọng, việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi văn hoá - văn nghệ dân gian truyền thống, di sản văn hoá phi vật thể được đẩy mạnh; công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá được tăng cường. Các hoạt động lễ hội gắn liền với di tích, trong đó có trên 20 lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội Đền Cuông, Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Đền Vạn Cửa Rào, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Đền 9 gian, Lễ hội Đền Quang Trung... Đặc biệt có Lễ hội Uống nước nhớ nguồn, tôn vinh tình hữu nghị Việt Lào anh em, Lễ hội Làng Sen tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất.

 

   

Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào TDĐKXDĐSVH

 

 

65 năm qua, công tác văn hoá ở mỗi thời kỳ có một yêu cầu khác nhau, do vậy tổ chức ngành văn hoá cũng trải qua nhiều tên gọi khác nhau để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Dù với tên gọi nào, nhưng chức năng tham mưu trên lĩnh vực văn hoá – tư tưởng về cơ bản là thống nhất và xuyên suốt, truyền thống vẻ vang của ngành vẫn được giữ vững và phát huy. Đội ngũ cán bộ văn hoá trong toàn tỉnh không ngừng nỗ lực phấn đấu và trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự  đổi mới quê hương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam . Thành tích đáng tự hào: năm 1988, ngành vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1996, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 1999 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất; 7 năm liên tục từ 1997 - 2003 ngành được tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ. Năm 2004, ngành được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba. Và đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An  vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ... Đây là niềm vinh dự, tự hào để những người làm công tác văn hoá ở Nghệ An tiếp tục phấn đấu, đóng góp sức mình  vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.

 

(Thanh Hà)