Viện phí tăng, chất lượng điều trị có tăng?
Bệnh nhân hoang mang.
Ông Vy Văn Dậu ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp huyện Tương Dương bị xuất huyết dạ dày do bệnh xơ gan biến chứng. Vợ ông chạy đôn chạy đáo vay mượn được 4 triệu đồng, đưa ông đi cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa tỉnh. Chưa kịp làm thủ tục bảo hiểm, khi nhập viện ông phải đặt cọc cho bệnh viện 3 triệu đồng, riêng tiền thuê xe cấp cứu cũng đã mất 1 triệu đồng. Không còn một đồng dính túi, 4 ngày liền, hai vợ chồng ông ăn uống phải nhờ những bệnh nhân điều trị cùng phòng số 24 ở khoa Nội tổng hợp giúp đỡ. Mặc dù bệnh tình chưa thuyên giảm, nhưng ông vẫn quyết định xin về vì không còn tiền ăn chứ chưa nói đến tiền thuốc chữa trị, tiền mua máu để truyền. Vì thế, trước thông tin giá viện phí có thể tăng mạnh, ông lo lắng vì không có tiền chữa trị.
Viện phí tăng, bệnh nhân nghèo sẽ khó có điều kiện chữa trị |
Còn anh Cao Huy Thắng ở phường Hưng Dũng, TP Vinh bị tai biến mạch máu não đang nằm điều trị ở khoa Thần Kinh. Không có bảo hiểm, chỉ mới vào viện gần 20 ngày, gia đình anh đã phải bỏ ra một khoản tiền tới 15 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, tiền thuốc đã lên tới 700 ngàn đồng, chưa tính các khoản chi phí khác. Hoàn cảnh gia đình anh lại vô cùng éo le. Con gái đầu vừa mất do bị tai nạn giao thông. Vợ chồng anh nghề nghiệp không ổn định, vì thế, nếu phải chi trả thêm một số tiền lớn nữa vợ chồng anh sợ không thể lo nổi. Chị Đậu Thị Huế, vợ anh Thắng xót xa tâm sự, nếu viện phí tăng thì đành phải chấp nhận theo số mệnh.
Giống như anh Thắng, ông Nguyễn Viết Hùng ở Quỳ Hợp cũng không có bảo hiểm. Vì thế, viện phí và các khoản chi phí thuốc men điều trị, ông đều phải tự bỏ ra 100%. Ông Hùng bị suy thận đã hai năm nay, đi chữa trị khắp nơi nhưng không đỡ. Phải thay lọc máu màng bụng nhưng ông không có đủ tiền để thay. Hiện ông đang phải chạy thận nhân tạo 3 lần/1 tuần tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh.
Liệu chất lượng có tăng?
Không chỉ bệnh nhân chạy thận, nhiều bệnh nhân có hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế, nhất là bệnh nhân nghèo thực sự lo ngại nếu mức viện phí được điều chỉnh tăng lên. Trong đó có nhiều dịch vụ y tế tăng 10 đến 20 lần, như cắt amiđan sẽ được điều chỉnh tăng từ 20 ngàn -40 ngàn đồng lên 330 ngàn - 450 ngàn đồng. Chỉ tính riêng giá tiền giường bệnh nằm một ngày là 10 ngàn đồng đối với bệnh viện đầu ngành, nay tăng lên đến 100-120 ngàn đồng. Tính ra, nếu như nằm viện 10 ngày, bệnh nhân sẽ phải thanh toán đến một triệu đồng, trong khi trước đây chỉ mất 100 ngàn đồng. Đáng chú ý là nếu chiếu theo mức điều chỉnh tăng viện phí của dự thảo, nhiều dịch vụ y tế sẽ không chỉ tăng 7-10 lần mà đến hàng trăm lần. Chẳng hạn, thủ thuật sinh thiết tủy xương được đề nghị tăng tới 180 lần, từ 10 ngàn tới 30 ngàn đồng sẽ lên đến 1,8-2 triệu đồng.
Bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo lo lắng trước thông tin tăng viện phí vì họ sống ở ... bệnh viện là chính! |
Thế nhưng, điều mà dư luận đặc biệt quan tâm đó là tăng viện phí nhưng liệu chất lượng điều trị có tăng và là các khoản “tiêu cực phí” trong các bệnh viện có giảm? Tình trạng phải nằm ghép 2-3 bệnh nhân/1giường có còn tiếp diễn? Bác sỹ Bùi Đình Long, PGĐ Sở y tế Nghệ An cho biết, khi tăng viện phí thì chất lượng điều trị sẽ nâng lên. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, chất lượng dịch vụ y tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ chuyên môn cán bộ y tế, trang thiết bị, nhà cửa, buồng bệnh, kinh phí các khoản, tinh thần thái độ phục vụ…Như vậy, muốn tăng chất lương điều trị cần thiết phải tăng đồng bộ.
Theo lập luận của ngành y tế, việc tăng khung giá viện phí lần này là cần thiết. Trước hết là vì kỹ thuật y tế ngày càng phát triển, các bệnh viện đưa trang thiết bị mới vào sử dụng, những phương pháp điều trị ngày càng hiện đại làm cho chi phí dịch vụ đều tăng lên. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện còn thấp, việc duy trì hoạt động của bệnh viện chủ yếu dựa vào nguồn thu viện phí và bảo hiểm y tế. Bác sỹ Bùi Đình Long cho biết thêm, việc thay đổi một số danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 14 là cần thiết, bởi vì khung giá dịch vụ kỹ thuật được ban hành từ năm 1995, theo nguyên tắc chỉ tính một phần chi phí trực tiếp thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế mà các dịch vụ này chỉ mới thu 30-35% tại thời điểm năm 1995, đến nay, qua 15 năm triển khai thực hiện thì nó không còn phù hợp nữa.
Dự kiến tháng 9 tới đây khung giá viện phí mới sẽ được đưa vào áp dụng. Viện phí tăng kéo theo nhiều chi phí sinh hoạt khác liên quan tới khám chữa bệnh sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân trong khi cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan. Thiết nghĩ, việc sửa đổi Thông tư 14 là cần thiết nhưng phải có lộ trình, phải có chính sách với người nghèo để có thể giúp họ bớt khó khăn mỗi lần vào bệnh viện.
(Hiến Chương)