Nghệ An - từ đại hội đến đại hội
Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An bước vào thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ Tỉnh lần thứ 16 nhiệm kỳ 2005-2010 với quyết tâm đưa Nghệ An nhanh chóng thoát khỏi tỉnh nghèo, tạo đà vững chắc cho kinh tế - XH phát triển. Trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới của Đảng giành được nhiều thành tựu quan trọng như Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, trở thành thành viên WTO. Đặc biệt, một số định hướng lớn được khởi nguồn từ Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ 15 đề ra đã được khẳng định rõ hơn qua các nghị quyết của TƯ.
Nhiệm kỳ XVI (2006-2010), Nghệ An đó thu hút 224 dự án, tổng vốn đăng ký là 51,7 nghìn tỷ đồng. Ngoài dự án dự án bò sữa với số vốn đầu tư là 6.300 tỷ chiếm khoảng 1/8 số vốn cả nhiệm kỳ, còn có 1 số dự án lớn khác: thủy điện, nhà máy bia Sài Gòn, bia Hà Nội... Đó là một trong những thành tích nổi bật của Nghệ An trong thu hút đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
5 năm qua, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đề ra đều đạt và có nhiều chỉ tiêu còn vượt cao hơn. Trong 2 năm đầu nhiệm kỳ 2006-2007, kinh tế tăng trưởng khá cao trên 10,5%. Từ đầu năm 2008, chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp và gây hậu quả nặng nề, song tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Nghệ An vẫn đạt 9,75%, có 21/25 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Thu ngân sách tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ. GDP bình quân đầu người đạt gần 14 triệu đồng/năm, tăng hơn 2,5 lần so với đầu nhiệm kỳ, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực.
Có được thành tích đó, bước đột phá quan trọng bắt nguồn từ quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, VH - XH. Đặc biệt, là sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, trong tư duy, hành động từ cán bộ Đảng viên cho đến nhân dân tạo thành sự đoàn kết thống nhất cao độ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua cũng là minh chứng hùng hồn khẳng định vai trò của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo đường lối phát triển của Nghệ An. Những thay đổi về kinh tế - chính trị - xã hội của Nghệ An trong nhiệm kỳ Đại hội 16 vừa qua đã tạo nên bước đột phá trong phát triển, là những tiền đề để Nghệ An tiến tới Đại hội 17 – nhiệm kỳ mới trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy sắt xốp Kobelco |
Xác định rõ thế mạnh của địa phương, 5 năm qua Nghệ An tập trung xây dựng và thực hiện 13 chương trình, đề án trọng điểm để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết X của Đảng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Trên mặt trận nông nghiệp - nông thôn, Nghệ An đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng CNH-HĐH. Mặc dù nông, lâm ngư nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai, dịch bệnh, song với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhiều cơ chế chính sách phù hợp kịp thời nên tố độ tăng trưởng của lĩnh vực này vẫn đạt 5,26%, cơ cấu kinh tế nội ngành và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn có bước chuyển dịch đúng hướng. Phát triển và ứng dụng nhanh các tiến bộ KH, công nghệ vào sản xuất đã góp phần đưa mục tiêu sản lượng lương thực đạt mức ổn định 1 triệu tấn/năm. Nhiều địa phương trong tỉnh tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển các mô hình kinh tế, tăng cường hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng, đưa các giống cây con có giá trị và năng suất vào sản xuất làm cho giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng cao.
Đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến và xuất khẩu, đã hình thành và ổn định các vùng cây công nghiệp tập trung như mía ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, dứa ở Quỳnh Lưu, Yên Thành, chè ở Thanh Chương, Anh Sơn, cao su, cà phê, cam ở vùng Phủ Quỳ... Đồng thời, khuyến khích phát triển các loại cây trồng khác như vừng, dâu tằm, đậu tương... ở Nghi Lộc, Diễn Châu, các loại cây ăn quả khác như vải, chanh, hồng... ở vùng gò đồi gắn với đầu tư các cơ sở bảo quản chế biến.
Phát triển nhanh, mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá cả về số lượng chất lượng, phong trào nhân dân trong tỉnh thi đua chăn nuôi trâu bò đàn, lợn đàn và gia cầm. Một số dự án như chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa quy mô công nghiệp ở Nghĩa Đàn, bước đầu có tác động đột phá về công nghệ chế biến và chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 32% năm 2005 lên 38,6% năm 2010.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm trang nuôi bò sữa và chế biến sữa tại huyện Nghĩa Đàn |
Là địa phương có trên 80km bờ biển và ngư trường rộng lớn, khai thác tiềm năng kinh tế biển và phát triển ngư nghiệp của Nghệ An đã có chuyển biến mạnh cả về đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản. Cùng với hệ thống sản xuất giống thủy sản được đầu tư đồng bộ, hiệu quả cung cấp nguồn giống, một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản theo nhiều hướng như xen canh, luân canh, thâm canh công nghiệp đã góp phần phát triển phong trào nuôi trồng thủy sản rộng khắp ở nhiều địa phương. Năm 2010, sản lượng nuôi trồng đạt 36.000 tấn, sản lượng khai thác đạt trên 55.000 tấn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Một thế mạnh mà Nghệ An đã đạt được trong nhiệm kỳ qua là lâm nghiệp được tăng cường cả khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. 5 năm qua, toàn tỉnh đã khoanh nuôi, tu bổ 40.000ha rừng, trồng mới gần 22.000ha. Các khu rừng đặc dụng, các vườn quốc gia như Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt, Núi Chung, Vực Mấu... đều được quy hoạch và bảo vệ tốt. Đặc biệt, với chủ trương XHH lâm nghiệp, phong trào trồng các loại cây nguyên liệu kết hợp phòng hộ, vừa bảo vệ, phát triển vốn rừng, vừa tạo thu nhập từ trồng rừng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến bột giấy đã thu hút người dân tích cực tham gia. Nhờ đó, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 47% năm 2005 đã được nâng lên 53% cao hơn bình quân chung cả nước.
Vườn quốc gia như Pù Mát |
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, một giải pháp được Đảng bộ Nghệ An chú trọng quan tâm là tạo đột phá từ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhóm sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường như xi măng, đường kính, điện, bột đá trắng, dệt may, hải sản, đồ uống, thực phẩm, lâm sản xuất khẩu. Đặc biệt, trong thời gian qua, Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, khu công nghiệp nhỏ. Nhiều nhà máy lớn đã và đang được xây dựng, nâng cấp như Nhà máy xi măng Đô Lương, Tân Kỳ, Tân Thắng, Nhà máy xi măng Anh Sơn, xi măng 19/5 Anh Sơn, các công trình thủy điện với tổng công suất trên 724MW, nâng cấp nhà máy bia Vinh, xây dựng nhà máy bia Sài Gòn, bia Hà Nội, rượu Votka, bao bì Sabeco... Một số nhà máy đã đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm tăng nhanh so với đầu nhiệm kỳ như bia, xi măng, thiếc, gạch... Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng khá, bình quân 5 năm đạt 15,13%.
Việc tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế nhiều thành phần được thực hiện tích cực, nhờ vậy các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định và hiệu quả hơn. Các loại hình kinh tế tư nhân phát triển khá nhanh, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách của tỉnh. Sau sắp xếp chuyển đổi, các doanh nghiệp đã hoạt động có hiệu quả và ổn định hơn. Bên cạnh đó, TTCN, CN ngoài quốc doanh và làng nghề cũng được phát triển mạnh góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn và chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Giai đoạn 2006-2010, huy động vốn đầu tư ước đạt khoảng 75 nghìn tỷ đồng, số DN trên địa bàn tăng từ 2966 DN năm 2005 lên 6.530 DN năm 2009 và năm 2010 ước chừng toàn tỉnh có 7.000 DN.
Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2006-2010 |
Có thể nói, trong nhiệm kỳ vừa qua, thương mại – dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ phát triển hết sức nổi trội với sự đa dạng, rộng khắp trên các ngành nghề cũng như ở các vùng miền. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường trong nước, ngành thương mại được tổ chức lại theo ngành hàng, phát triển theo chiều hướng liên doanh, liên kết đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Hoạt động du lịch chuyển biến mạnh, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư như nâng cấp cửa khẩu Nậm Cắn thành cửa khẩu quốc tế, hình thành cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy và Thông Thụ, các khu di tích, các quần thể lịch sử được bảo tồn, tôn tạo như Kim Liên, Truông Bồn... Đặc biệt, đã hình thành và phát triển các cụm, tuyến du lịch mới, chủ động tham gia vào các chương trình du lịch quốc tế, từng bước xây dựng TP Vinh và Thị xã Cửa Lò thành trung tâm lưu trú và trung chuyển khách du lịch. Giá trị SX dịch vụ tăng bình quân 5 năm là 13,47% trên mục tiêu nghị quyết 11-12%, số lượng khách du lịch tăng bình quân 16%/năm.... Đồng thời các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, các hoạt dộng tín dụng, hệ thống ngân hàng, bảo hiểm đều phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Đến nay, mật độ thuê bao điện thoại đạt chỉ số 48,7 thuê bao/100 dân.
Không chỉ các lĩnh vực khác có bước phát triển khá mà hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội cùng không ngừng được tăng cường. Các công trình được xác định tại Nghị quyết đại hội 16 đều đã được triển khai, nhiều công trình đã đưa vào khai thác đã phát huy tác dụng, tạo xuất phát điểm cho môi trường đầu tư. Hệ thống đường Quốc lộ được nâng cấp mở rộng, các tuyến đường tỉnh, huyện quản lý, đường làng xã, liên thôn, liên bản được xây dựng, thông tuyến tạo thành mạng lưới giao thông thuận tiện. Hệ thống cảng biển, sân bay cũng được nâng cấp góp phần nâng lưu lượng hành khách và hàng hoá luân chuyển ngày càng cao. Với nguồn lực trong dân và được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, nhiều công trình thủy lợi lớn, kênh mương tưới tiêu cũng được đầu tư, cải tạo góp phần ổn định nguồn lực cho nhiều ngành phát triển vững chắc.
Sen trên quê Bác (Kim Liên - Nam Đàn) |
Văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Đổi mới cơ bản tư duy, nhận thức về giáo dục đào tạo, thực hiện cuộc vận dộng “hai không”, coi đây là khâu đột phá để thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội chất lượng dạy và học được nâng cao, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện. Mạng lưới trường lớp đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu học tập, quy mô cấp học, ngành học phát triển, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, học sinh giỏi đều tăng lên từng năm. Hiện 20/20 huyện thành thị được công nhận đạt mục tiêu phổ cập THCS, 100% xã có trường mầm non. Xây dựng hệ thống giáo dục đa dạng, các cơ sở đào tạo chất lượng cao trong các bậc học phấn đấu đưa TP Vinh và Cửa Lò thành trung tâm đào tạo dạy nghề của vùng Bắc Trung bộ.
Hoạt động khoa học và công nghệ đã hướng vào mục tiêu đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là việc đưa các giống lúa lai, ngô lai, giống thuỷ sản vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Một số đề tài khoa học xã hội và nhân văn cũng được triển khai đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thực hiện có hiệu quả 9 chương trình KH-CN và các nhiệm vụ KH-CN trọng tâm giai đoạn 2006-2010.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, công tác dân số, gia đình và trẻ em có nhiều tiến bộ. Hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố. Chất lượng khám và điều trị bệnh được cải thiện. Hiện nay đã triển khai xây dựng BV đa khoa tỉnh 700 giường, nâng cấp mở rộng bệnh viện các khu vực Tây Bắc và Tây Nam. Công tác phòng, chống dịch bệnh được chăm lo. Tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 28,9% xuống còn 20%.
Hệ thống thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục được củng cố và phát triển, phục vụ kịp thời nhu cầu nghe và xem của các tầng lớp nhân dân. Hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư và việc xây dựng thiết chế văn hoá, thể dục thể thao đồng bộ được đẩy mạnh. 100% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao trong đó thiết chế đạt chuẩn quốc gia là 50%.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, xoá nhà ở tạm bợ, dột nát, thực hiện chính sách người có công với cách mạng và đối tượng chính sách xã hội được quan tâm và trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức và hiệu quả thiết thực. Triển khai chương trình giảm nghèo 30a của CP ở 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đạt kết quả khá. Tạo việc làm cho hơn 34.000 người/năm, bình quân mỗi năm giảm được 12-14.000 hộ nghèo. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 14,5% vượt mục tiêu ĐH đề ra.
Quốc phòng an ninh được tăng cường, chớnh trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn XH, nhất là ma túy được triển khai tốt. Nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc thực hiện có hiệu quả góp phần tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chăm lo toàn diện. Đặc biệt, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là điểm nổi bật nhất trong 5 năm qua. Nghệ An là điểm chỉ đạo của TƯ, do đó trong 4 năm thực hiện cuộc vận động đã tạo nên những đột phá mới trong xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng TSVM. Sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân tham gia thực hiện các chương trình hành động đưa nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thiết thực. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức trong hệ thống chính trị đã phát huy vai trò vận động, đoàn kết nhân dân, khơi dậy nội lực xóa đói giảm nghèo, giúp nhau giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hóa... Nhiều địa phương đã sáng tạo cách làm hay, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân về vai trò của người Đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no. Công tác quản lý nhà nước, công tác vận động quần chúng được tăng cường, hướng về cơ sở, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình nhân tố mới, tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước.
Có thể nói: những năm qua cùng cả nước, Nghệ An đã đổi mới, mở cửa thông thoáng trong chính sách kinh tế đối ngoại. Từ quy hoạch tổng thể, phát huy tối đa nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, và tranh thủ sự hỗ trợ của TW, các nguồn vốn đầu tư khác, NA đã từng bước giành nhiều thành tích trong chiến lược phát triển KT-XH, tạo nên một diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị. Nhìn lại một cách tổng quát, nhiệm kỳ 2006-2010, KTXH Nghệ An phát triển nhanh và tương đối toàn diện. Cơ cấu KT đã có bước chuyển dịch theo hướng CNH. Hầu hết các chỉ tiêu mà ĐH Đảng bộ lần thứ 16 đề ra đều đạt và vượt, tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển thời kỳ tiếp theo.
Với những biến động của tình hình kinh tế – chính trị trên thế giới và khu vực, có thể thấy, trong những năm tới, vẫn còn rất nhiều khó khăn tiềm ẩn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những thành tựu giành được trong 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện chiến lược Phát triển KT-XH của đất nước ta là những tiền đề vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An cùng cả nước quyết tâm xây dựng quê hương càng phát triển hơn.
Trục giao thông nối liền cảng Đông Hồi với quốc lộ 1A |
Bước vào thời kỳ 2006-2010, Nghệ An có nhiều thuận lợi: một số chương trình dự án lớn trong công nghiệp, xây dựng, GTVT trên địa bàn đã được TƯ đưa vào quy hoạch; nguồn lực tính luỹ được nhờ đầu tư từ những nhiệm kỳ trước đã và đang phát huy. Trên cái nền tảng ấy, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An càng quyết tâm khắc phục những yếu kém, hạn chế, tồn tại của nhiệm kỳ trước, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2010-2015.
Phương hướng và quan điểm phát triển là: Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên cho đầu tư khai thác triệt để, tối đa tiềm năng miền Tây, vùng biển và đô thị. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu KT theo hướng công nghiêp - dịch vụ - nông nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo các mũi đột phá trong phát triển CN, dịch vụ và NN, ưu tiên các vùng KT trọng điểm và vùng kinh tế khó khăn; chủ động hội nhập KT khu vực và quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo vững chắc QPAN và trật tự xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh.
Với một tỉnh hơn 3 triệu dân, trong đó trên 1,4 triệu lao động có trình độ cao, hàng năm được bổ sung gần 3 vạn lao động trẻ, có trình độ văn hoá cơ bản, Nghệ An hội đủ các điều kiện để phát triển nhanh trong những năm tới. Để thực hiện những chỉ tiêu cơ bản đặt ra, Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ 17 đã xây dựng các chương trình trọng tâm cần thực hiện nhằm tạo động lực thúc đẩy nền KTXH Nghệ An vươn lên.
Thực hiện định hướng của Chính Phủ và những chương trình, đề án trọng tâm đã được phê duyệt, Nghệ An tập trung phát triển các nhóm sản phẩm có lợi thế như xi măng, đường, bột đá siêu mịn, thiếc, dệt may, sản phẩm gỗ mỹ nghệ, mây tre... và các sản phẩm có giá trị KT cao như sữa, giấy, dầu thực vật, bia, gạch xây dựng... Đẩy mạnh phát triển các vùng trọng tâm, tạo đột phá như: Khai thác và chế biến khoáng sản, xi măng, Điện, mía đường, chăn nuôi đại gia súc và CN chế biến, kinh tế rừng; thu hút đầu tư Khu kinh tế đông – nam và vùng Nam Nghệ – Bắc Hà; đẩy mạnh xây dựng khu kinh tế Hoàng Mai - Đông Hồi và vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ. Đặc biệt, phát triển mạnh CN phụ trợ phục vụ cho các dự án CN lớn của tỉnh cũng như các khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình đô thị hoá, quy hoạch các khu đô thị mới, thị tứ nông thôn, xây dựng thành phố Vinh gắn kết với thị xã Cửa Lò thành trung tâm KT -VH vùng Bắc Trung Bộ.
Tích cực triển khai thực hiện đề án phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An đã được chính phủ phê duyệt theo trục Tân Kỳ - Đô Lương – Nghĩa Đàn - Thái Hoà - Quỳ Hợp gắn miền Tây với hướng phát triển là chăn nuôi đại gia súc, kinh tế lâm nghiệp, cây CN và chế biến nông, lâm sản. Ưu tiên trước hết về kết cấu hạ tầng nhất là giao thông. Hoàn chỉnh các trục quốc lộ và nâng cấp tuyến nhánh. Phát triển các ngành CN động lực: thuỷ điện, xi măng, vật liệu xây dựng..., nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, kênh mương chủ động tưới nước cho cây lương thực và cây CN. Đồng thời tiếp tục nâng cấp, xây dựng hệ thống trường học, trạm xá, các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
Với bờ biển dài, Nghệ An có nhiều thế mạnh trong việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản. Ngoài những cơ sở chế biến đã có, tỉnh tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng thêm các nhà máy chế biến có công suất cao. Đặc biệt ở các huyện dọc bờ biển như Quỳnh lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc có trên 1.500ha đất mặn lợ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi tôm công nghiệp. Nhất là vùng trung, cao triều có thể nuôi tôm theo phương pháp công nghiệp mở ra khả năng lớn về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu.
Ngoài ra, Nghệ An còn là nơi “địa lợi”để có thể thu hút và phát triển du lịch. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái - nghỉ dưỡng, đưa cụm du lịch Vinh – Cửa Lò – Nam Đàn gắn với tua du lịch quốc gia, quốc tế. Chủ động hội nhập và gắn kết du lịch của Nghệ An với khu vực Bắc Miền Trung và du lịch cả nước.
Phát triển KT hạ tầng, tỉnh tập trung đẩy mạnh xây dựng các tuyến giao thông, nâng cấp tuyến đường nội tỉnh phục vụ cho thông thương, đi lại. Bên cạnh việc chỉ đạo chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, tỉnh còn xây dựng các chính sách thu hút đầu hấp dẫn, đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ đáp ứng yêu cầu các dự án của nước ngoài và ngoại tỉnh đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung và các chương trình phát triển KT-XH ở các địa phương.
Song song với thực hiện các chương trình KT trọng điểm, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu. Bảo đảm an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị xã hội và an ninh các vùng đặc thù.
Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, với truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, Nghệ An tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Bằng sự năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã biết phát huy sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cấp các ngành TƯ, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của địa phương và nội lực từ nhân dân để phát triển kinh tế, XH, QPAN và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Có thể nói, 5 năm qua, trong điều kiện có nhiều khó khăn, Đảng bộ nhân dân Nghệ an đã nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các mặt. Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An giành được trong 5 năm qua đã thể hiện đường lối đúng đắn trong chỉ đạo, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2010-2015 cũng là dịp để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nhìn lại chặng đường đã qua, khắc phục những tồn tại yếu kém. Thực hiện bằng được mục tiêu tổng quát là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng,tăng cường đoàn kết, thống nhất, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, phấn đấu xây dựng TP Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ”.
(Việt Anh)