Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghĩa Đàn – Sức sống từ mạch nguồn lịch sử

10:47, 22/10/2010
Nghĩa Đàn – cái nôi của người Việt cổ, nơi cư dân của mọi miền đất nước hội tụ. Ai đã đến một lần rồi đi; ai là người con của quê hương ắt đều đọng mãi về một vùng quê bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, ngun ngút mía và ngọt lịm những vườn cam… đều đọng lại trong sâu thẳm tiếng của ngàn xưa vọng hoà quyện tiếng trống Xô viết 30-31, tiếng chiêng, tiếng cồng… rộn rã của cuộc

 

Nghĩa Đàn là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An. Nơi đây là cái nôi của người Việt cổ, là vùng có vị trí kinh tế và quốc phòng quan trọng. Nghĩa Đàn nổi tiếng bởi vùng đất đỏ Phủ Quỳ và truyền thống yêu nước, sự gắn bó thủy chung với quê hương xứ sở của nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn. Tính từ năm Minh Mệnh thứ 21 (năm 1840) huyện Nghĩa Đàn được chia ra từ phủ Quỳ Châu đã trải qua 170 năm. Nhưng nếu tính từ năm danh xưng Nghĩa Đàn xuất hiện trong hệ thống bộ máy nhà nước đến nay đã là 125 năm lịch sử - kể từ năm 1885, vua Đồng Khánh - vì sự huý kỵ nên đổi tên Nghĩa Đường thành Nghĩa Đàn. Và tên gọi huyện Nghĩa Đàn có từ đó.

 

Trước khi có tên gọi như ngày nay, Nghĩa Đàn đã là vùng đất có bề dày lịch sử. Với việc phát hiện ra 247 ngô mộ với hơn 1.228 hiện vật phong phú và đa dạng bằng: đồng, gốm, đá, thuỷ tinh và bằng sắt, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm tiêu biểu cho nền văn minh Việt cổ như: trống đồng, rìu xéo, dao găm cán tượng người, tượng voi, hổ ở Làng Vạc, một làng quê nhỏ của huyện Nghĩa Đàn (nay thuộc thị xã Thái Hoà) đã minh chứng sự có mặt của cộng đồng cư dân Việt cổ thời kỳ Hùng Vương trên vùng đất này. Không những thế làng Vạc đã trở thành tên gọi của một trung tâm văn hoá Đông Sơn trên lưu vực sông Cả. Cho đến nay, làng Vạc là di tích phát hiện được nhiều mộ táng nhất của nền văn hoá Đông Sơn trên đất nước ta. Việc phát hiện di chỉ làng Vạc góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu thời đại Hùng Vương dựng nước.

 

Huyện Nghĩa Đàn có nhiều tiềm năng tự nhiên như rừng, mỏ quý, hang động

 

Vùng đất Nghĩa Đàn dù đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào vẫn luôn là trung tâm của vùng núi phía Tây Bắc, đất đai màu mỡ, khí hậu tốt tươi, giao thương thuận lợi. Từ cái nôi của người Việt cổ đến các thế hệ người Thanh, người Thái, người Thổ và người Kinh chung sống trong một cộng đồng hoà thuận. Và trong lịch sử đấu tranh để sinh tồn và phát triển dài lâu ấy người dân Nghĩa Đàn đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp: yêu nước và không chịu khuất phụ trước cường quyền và xâm lăng; truyền thống đoàn kết chung lưng đấu cật; nhân ái thủy chung; cần cù chịu thương chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất, trong phát triển kinh tế và làm nên một đời sống văn hoá đa dạng và đậm bản sắc Nghĩa Đàn.

 

Ngược dòng lịch sử, tìm về hang Rú Ấm ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn. Vào đầu tháng 10 năm 1930, đây là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn được thành lập. Chi bộ có 5 đồng chí gồm Đảng viên 2 xã Thọ Lộc và Cự Lâm, do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư. Đây là một trong những chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở các huyện miền núi của Nghệ An. Sau đó hang trở thành căn cứ hoạt động bí mật của chi bộ, rồi của huyện ủy Nghĩa Đàn thời kỳ tiếp theo. Hội nghị thành lập chi bộ cũng đã thảo luận và nhất trí lấy hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng dưới mọi hình thức để phát động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến đồng thời tổ chức người vào Đảng. Hội nghị cũng đã phân công các Đảng viên về phụ trách phong trào xã mình và các xã khác trên địa bàn. Sau đó, trên địa bàn Nghĩa Đàn đã xuất hiện thêm nhiều chi bộ Đảng mới, hoạt động theo một đầu mối riêng, vẫn bắt liên lạc và duy trì hoạt động chặt chẽ với tổ chức Đảng ở đồng bằng và phối hợp hoạt động cùng với các tổ chức Đảng của Nghĩa Đàn, thúc đẩy nhau trong thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng. Tuy vậy, trên thực tế hoạt động đã xuất hiện những khó khăn như trong việc tranh giành đảng viên, quần chúng, hoài nghi cản trở lẫn nhau. Trước tình hình đó, tháng 4 - 1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Công Hoè, Hội nghị hợp nhất giữa các chi bộ Đảng được tổ chức tại làng Lụi, xã Nghĩa Mỹ. Đây được xem như sự ra đời của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn. Mặc dù trong suốt thời gian hoạt động, bị địch khủng bố gắt gao, gây nhiều thiệt hại cho tổ chức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống chủ đồn điền cướp đất và đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hoà bình.

 

Nghĩa Đàn đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng

 

Cây đa làng Trù thuộc xã Nghĩa Khánh nay vẫn còn đó, vẫn sừng sững, uy nghiêm chứng kiến những thời khắc quan trọng của lịch sử Đảng bộ Nghĩa đàn. Những năm 1930 - 1931, lá cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên ngọn cây. Vào đúng ngày khởi nghĩa (ngày 22/8/1945), đây lại chính là nơi tập trung lực lượng gồm hàng ngàn quần chúng nhân dân quyết đồng sức đồng lòng để giành lại tự do. Cũng với khí thế như vùng xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức, nhân dân các xã ở trung tâm huyện, được sự chỉ đạo của cán bộ khởi nghĩa cũng đã sẵn sàng để hoà vào dòng người đang bừng bừng khí thế, theo tiếng trống Cự Lâm 3 hồi 9 tiếng, tiến về phía trước... Khi những tên quan lại bán nước bị bắt, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Toà Đại là khi nhân dân đã hoàn toàn làm chủ huyện đường. Trước tất cả quần chúng nhân dân, UBND lâm thời và Uỷ ban Mặt trận Việt Minh huyện Nghĩa Đàn chính thức ra mắt, tuyên bố xoá bỏ vĩnh viễn chế độ đế quốc, phong kiến và bộ máy chính quyền tay sai của phát xít Nhật. Từ thời khắc này, lịch sử huyện Nghĩa Đàn bước sang trang mới. Người dân Nghĩa Đàn thực sự được làm chủ quê hương mình. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược Nghĩa đàn trở thành nơi có nhiều công binh xưởng, trại tản cư, tăng gia sản xuất của tỉnh, của Liên khu 4. Lúc này, Nghĩa đàn được xác định là vùng hậu cứ, thu hút nhân tài, vật lực để phát triển kinh tế nhằm chi viện cho chiến trường.

 

Cùng với việc thành lập hai Nông trường Quốc doanh Đông Hiếu và Tây Hiếu, lần đầu tiên đưa cây cà phê Chè trồng mới trên đất Nông trường thì trong thời gian từ 1957-1960, vùng Phủ Quỳ, trong đó chủ yếu là Nghĩa đàn đã diễn ra 3 sự kiện lớn: Bộ Nông lâm quyết định khảo sát và lập bản đồ đất vùng Phủ quỳ; đồng thời với việc lập bản đồ đất, năm 1958 Bộ quyết định đưa cây cao su vào trồng trên vùng đất đỏ bazan và cây cam chanh vào trồng trên vùng đất phù sa cổ, dốc tụ. Có thể nói đây là mốc quan trọng làm thay đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất Nghĩa Đàn. Đó cũng là dấu mốc để sau này Nghĩa Đàn trở thành một vùng nổi tiếng về xuất khẩu cà phê, cam. Năm 1960, Bộ Nông trường ra đời và huyện Nghĩa đàn được thành lập một loạt Nông trường Quân đội: Nông trường 1/5, 19/5 và 3/2. Tập đoàn sản xuất Miền Nam ở vùng bãi sông Hiếu chuyển sang thành lập Nông trường Cờ đỏ. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, sự có mặt của các Nông trường đã để lại những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của huyện Nghĩa đàn hôm nay. Trong đó nhiều Nông trường đã phát huy tốt tính chủ động, nhanh nhạy trong từng giai đoạn, vượt lên những thời điểm khó khăn để tiếp tục phát triển vững chắc.

 

Những năm 60 của thế kỷ trước, Nghĩa Đàn tiếp nhận một làn sóng di dân từ miền xuôi lên đây xây dựng kinh tế mới, trở thành điểm nhấn quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cụm nông trường Nghĩa Đàn thời đó là mô hình kinh tế mới trong tiến trình xây dựng ngành Nông trường ở Miền Bắc nước ta. Tháng 12/ 1961, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đàn vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Trong cuộc nói chuyện với cán bộ và công nhân Nông trường Đông Hiếu, Bác đã nhắc nhở: “Các Nông trường có nhiệm vụ đoàn kết và tìm cách giúp đỡ đồng bào địa phương. Những kỹ thuật của nông trường tiến bộ hơn, vì vậy, đồng bào địa phương cần đoàn kết với nông trường, học tập cách lao động của nông trường, xây dựng HTX cho tốt, đời sống xã viên càng ấm no, thế là chủ nghĩa xã hội.” Chuyến về thăm của chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và đẹp đẽ trong lòng đồng bào các dân tộc huyện Nghĩa Đàn. Những lời căn dặn ân cần của người đã góp phần thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân huyện quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn trong xây dựng và phát triển mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.

 

Thời kỳ 1960-1975 có thể coi là thời kỳ huyện Nghĩa Đàn tỏ rõ thế mạnh về  tiềm năng của mình. Huyện đã nhanh chóng hình thành những vùng cây công nghiệp gồm cao su, cà phê, cây ăn quả rộng lớn trên 12.500ha. Thực hiện khẩu hiệu “vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu đánh thắng giặc Mỹ”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, công nhân nông trường sản xuất ra nhiều cà phê, cam, nhân dân thôn bản sản xuất ra nhiều lương thực. Người lao động trên mảnh đất màu mỡ này đã tạo ra những năng suất kỷ lục thời bấy giờ. Đó là những ruộng lúa 50 tạ/ha, vườn cà phê 20 tạ nhân/ha, vườn cam 50 tấn quả/ha.

 

TTCP Nguyễn Tấn Dũng thăm dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH

 

Hơn 20 năm lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Đảng bộ Nghĩa đàn đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển mà Nghĩa đàn đặt ra từ Đại hội Đảng bộ lần thứ 21 (nhiệm kỳ 1986-1988) đã thực sự phát huy tính đúng đắn, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển của huyện cho đến hôm nay. Huyện đã tập trung sức cho sản xuất nông nghiệp, từng bước cân đối lương thực, thực phẩm, tạo vùng chuyên canh lớn về nguyên liệu, chế biến nông sản rau quả, hàng xuất khẩu. Đề ra chủ trương, biện pháp nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thực hiện giao đất, giao rừng, nông lâm kết hợp. Mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng phát triển mạnh cây cà phê và chăn nuôi. Xây dựng cơ cấu kinh tế Nông, lâm, công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Những năm gần đây, nhất là từ năm 2000, Nghĩa đàn đã khẳng định quy hoạch phát triển trên vùng đất của mình, mở ra con đường phát triển kinh tế đa dạng: khai thác đất hợp lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để trồng và sản xuất nhiều nông sản xuất khẩu cũng như xây dựng các vùng nguyên liệu cho nhà máy. Đến năm 2007, kinh tế Nghĩa đàn đã có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng đạt 19,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ tăng, đồng thời tỷ trọng nông nghiệp giảm đáng kể trong cơ cấu kinh tế. Nói đến huyện Nghĩa đàn trong giai đoạn này là nói đến những vùng cây nguyên liệu tập trung như: mía, cao su, cà phê…Chính chủ trương đẩy mạnh việc phát triển các vùng cây nguyên liệu tập trung đã giúp Nghĩa đàn nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, nhiều gia đình có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

 

Lễ kỷ niệm 125 năm danh xưng Nghĩa Đàn

Đất nước phát triển, Nghĩa Đàn một lần nữa phải chia tách nhằm tạo sự phát triển tương xứng giữa các đô thị của các vùng miền trong toàn tỉnh. Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghĩa Đàn, thành lập thị xã Thái Hoà là cần thiết. Sau khi chia tách Nghĩa Đàn là một huyện nghèo còn lại 24 đơn vị hành chính với tổng diện tích tự nhiên gần 62.000ha và trên 13 vạn dân. Tuy mới thực hiện chia tách nhưng Nghĩa đàn vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 10%/ năm, giá trị sản xuất toàn xã hội đạt gần 1.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,6 triệu đồng/ năm. Việc thu hút đầu tư đạt kết quả khá, khu công nghiệp nhỏ của huyện bước đầu được hình thành. Các nhà máy Gạch Tuynen, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc, Nhà máy bột đá… đang được khẩn trương xây dựng và đi vào hoạt động. Các dự án đường giao thông nông thôn, hạ tầng trung tâm huyện lỵ, các dự án mục tiêu quốc gia đang tiếp tục được triển khai hoàn thiện. Đây là những kết quả và tín hiệu khả quan trong sự nghiệp phát triển lâu dài và bền vững của huyện. Một nội dung trọng tâm trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội hiện nay của huyện Nghĩa Đàn là tập trung, sắp xếp quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của huyện đến năm 2020, trên cơ sở đó xác định việc bố trí các vùng, tiểu vùng kinh tế một cách khoa học phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc.

 

Vì lợi ích của cả cộng đồng các dân tộc Nghĩa Đàn, vì lợi ích của các nhà đầu tư, Nghĩa Đàn trong thời gian qua đã làm tất cả những gì có thể và dang rộng cánh tay để chào đón các nhà đầu tư vào địa phương để làm giàu chính đáng, góp phần làm đẹp thêm các giá trị văn hoá, kinh tế-xã hội ở vùng đất đỏ phì nhiêu này. Và dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp là kết quả của những nỗ lực đó. Dự án do Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á tư vấn đầu tư tài chính và Công ty cổ phần thực phẩm  sữa TH làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD, trong đó kinh phí đầu tư giai đoạn một là 350 triệu USD (tương đương 6.500 tỷ đồng Việt Nam). Theo kế hoạch tổng thể, Công ty này đạt mục tiêu đạt sản lượng bằng 50% tổng lượng sữa của cả nước vào năm 2011 và đạt tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu gấp 3-4 lần tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu của cả nước vào năm 2015. Dự án này đặt mục tiêu đưa tổng số đàn bò tăng lên 45 ngàn con, phạm vi vùng nguyên liệu hơn 8.100ha. Quy mô dự án gồm 8 trang trại, mỗi trang trại nuôi 2.400 con bò sữa, một nhà máy chế biến sữa công suất 100 tấn sữa/ngày và đạt công suất 500 tấn/ngày vào năm 2012, bằng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại của I-xra-en. Đây là dự án lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại Nghệ An và trên cả nước.

 

Dự án thành công sẽ một trong những mô hình điểm về chăn nuôi bò sữa công nghiệp gắn liền với chế biến công nghiệp, chủ động tạo vùng nguyên liệu ổn định và bền vững. Dự án dự kiến góp phần tăng ngân sách khoảng 40 triệu USD/năm cho tỉnh Nghệ An. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết huyện Đảng bộ khoá 27 sẽ là quãng thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa đàn – với nhiệm vụ: Phát huy nội lực và hiệu quả của các dự án nông nghiệp công nghệ cao; tạo bước đột phá trong phát triển để đến năm 2015 Nghĩa Đàn có nền kinh tế phát triển khá và bền vững. Khai thác tiết kiệm và có hiệu quả lớn từ đất đỏ bazan, rừng và tài nguyên nước. Quy hoạch và thực hiện tốt việc xây dựng các khu tái định cư của các dự án lớn, bố trí lại dân cư nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện và các trạm y tế. Khai thác tối đa diện tích mặt nước hồ chứa để nuôi cá nước ngọt, kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái. Phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, mở rộng diện tích cây công nghiệp cung cấp nguyên liệu cho nhà máy MDF. Phát triển công nghiệp trên địa bàn theo hướng đa ngành, trong đó tập trung chủ yếu vào công nghiệp khai thác và chế biến vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm. Về văn hoá, giáo dục, phấn đấu đưa giáo dục và đào tạo đạt mức tiên tiến trong tỉnh. Bên cạnh nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên huyện sẽ phấn đấu tăng cường đầu tư và kiên cố hoá trường học, làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của Nghĩa đàn, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Lĩnh vực y tế sẽ được đẩy mạnh công tác xã hội hoá. Gắn tăng trưởng kinh tế với xoá đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội. Đó là sự phấn đấu: vững về chính trị, ổn định và tạo ra bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tới. Đảng bộ Nghĩa đàn phấn đấu đến năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19-21%/năm, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 24-25 triệu đồng/ năm. Phấn đấu trong giai đoạn 2010- 2015, mức tổng đầu tư toàn xã hội đạt 6000 tỷ đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%, đến năm 2015 giảm xuống dưới 10%. 125 năm danh xưng Nghĩa đàn,  chặng đường lịch sử 80 năm, Đảng bộ huyen Nghĩa đàn đã ghi những dấu mốc quan trọng khẳngvai trò lãnh đạo của mình trên vùng đất có bề dày  truyền thống lịch sử, văn hoá và giàu tiềm năng này.   Lịch sử đã bước sang trang mới, Nghĩa đàn đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa đàn đang vững bước trên con đường đổi mới hội nhập và phát triển.

 

(Xuân Hướng)