Phụ nữ Nghệ An làm theo lời Bác
Hội LHPN Nghệ An vinh dự là tổ chức ra đời sớm so với phong trào phụ nữ cả nước. Được tôi luyện trong Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Hội, phong trào phụ nữ trên quê hương Bác đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp Cách mạng, cũng như công cuộc đổi mới của đất nước, quê hương.
Trong lần về thăm quê thứ nhất, ngày 14/6/1957, nói chuyện tại Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An, khi thăm hỏi, dặn dò với các mẹ, các chị phụ nữ, Bác Hồ đã nói: “Anh hùng không phải đông chinh, tây phạt, hoặc cứ làm cái gì kì khôi, xuất chúng mới là anh hùng. Nuôi được nhiều lợn, nhiều gà, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tham gia công tác xa hội tốt như thế là anh hùng…Các chị em ở đây cứ cố gắng thì ai cũng có thể làm anh hùng”.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp các thế hệ phụ nữ Nghệ An đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua ái quốc. Trong thời kỳ chống Pháp nổi lên các phong trào "Đỡ đầu bộ đội", "Áo ấm mùa đông binh sĩ", "Hũ gạo nuôi quân". Trong kháng chiến chống Mỹ, Phụ nữ Nghệ An vừa đảm đang gánh vác nhiệm vụ hậu phương lớn, đảm đang sản xuất để chi viện cho chiến trường, vừa sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ hậu phương. Đã có hàng chục ngàn phụ nữ thanh niên hăng hái tham gia dân quân tự vệ, thanh niên xung phong... Tên tuổi và cống hiến của các chị đã đi vào huyền thoại.
Hội LHPN TP Vinh phát động xây dựng tổ tiết kiệm |
Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước phục vụ kháng chiến do Hội Phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp Hội phụ nữ Nghệ An trên dưới một lòng thi đua thực hiện tốt phong trào “5 tốt”, phong trào “Ba Đảm đang”, “Ba sẵn sàng”. Tổng kết các phong trào này, Nghệ An có 22 vạn phụ nữ đạt danh hiệu "5 tốt”, 20 vạn chị đạt danh hiệu “Ba đảm đang” và “Chiến sĩ hai giỏi”, hàng trăm chị được tặng huân chương các loại, 4 chị được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang. Sự đóng góp, hy sinh của các thế hệ phụ nữ đã được Tỉnh uỷ Nghệ An khen tặng: "Phụ nữ Nghệ An trung dũng, đảm đang chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Trong thời kỳ khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, phụ nữ Nghệ An đã hòa chung với khí thế thi đua của chị em trong cả nước, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác và tổ chức cuộc sống gia đình. Bằng trí tuệ, lòng nhiệt huyết, chị em đã thực hiện tốt các phong trào thi đua do TW Hội LHPN Việt Nam và hội LHPN tỉnh phát động. Thông qua các phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các nhiệm vụ trọng tâm, phụ nữ Nghệ An hòa mình trên con đường phát triển của dân tộc.
Chiếm 50% lực lượng lao động, phụ nữ nông thôn đã nhanh chóng tiếp cận và áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất làm tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Chị em đã vượt qua khó khăn, tích cực học tập, lao động, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng CNH-HĐH, đưa tổng sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn, vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 16 đề ra.
Đào tạo nghề cho phụ nữ tàn tật ở Nghệ An |
Chị em phụ nữ miền núi, vùng cao tuỳ từng điều kiện đặc điểm của địa phương đã lựa chọn các phong trào một cách phù hợp như: chú trọng xây dựng tổ chức Hội, thực hiện tốt các chương trình định canh, định cư, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Với 6,5 vạn nữ cán bộ CNVCLĐ, phong trào lao động sáng tạo, gương mẫu, tận tụy trong công việc luôn được chị em phát huy. Chị em tích cực hưởng ứng phong trào "giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Xây dựng cơ quan văn hoá"... Đội ngũ tri thức không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chị em đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, đóng góp tích cực vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHKT. Đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học công nghệ có giá trị thực tiễn cao. Nhiều chị đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những nhà quản lý, doanh nhân giỏi.
Với sự phát triển của nền kinh tế thị truờng, lực lượng nữ doanh nghiệp ngày càng phát triển. Hiện nay toàn tỉnh có gần 400 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra còn một bộ phận khá lớn chị em tham gia trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở quy mô nhỏ với vai trò là chủ trang trại, tổ hợp sản xuất, chủ cửa hàng... Chị em đã thể hiện bản lĩnh trong tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng nguồn ngân sách cho tỉnh.
Hội LHPN Nghệ An tổ chức giao lưu nhân ngày 8/3 |
Hiện nay, cùng với cả nước, Nghệ An, quê hương Bác Hồ, đang tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Hai nội dung “làm theo” là “thực hành tiết kiệm” và “tương thân tương ái” đã được lồng ghép sáng tạo với cuộc vận động “Xây dựng mái ấm tình thương” do Trung ương hội phát động. Từ “hũ gạo tiết kiệm”, “ống tiền tiết kiệm” của xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ nay đã được lan tỏa ra các cấp hội trong toàn tỉnh. Qua 4 năm triển khai, cán bộ hội viên phụ nữ các cấp đã quyên góp được hơn 4 tỷ đồng và hàng trăm ngàn tấn gạo, hàng trăm ngàn ngày công, hàng ngàn cây, con giống, giúp đỡ cho trên 23.000 lượt gia đình khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, các cấp hội đã huy động được gần 1500 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công, các vật chất khác trị giá 180 triệu đồng để xây dựng mới 140 mái ấm tình thương, sửa chữa hàng trăm ngôi nhà cho phụ nữ nghèo, đơn thân, tàn tật. Tiêu biểu cho phong trào này, phải kể đến hội phụ nữ Thanh Chương, Nam Đàn, tp Vinh, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn v.v...
Hoạt động của Hội phụ nữ với các nhiệm vụ trọng tâm chính giúp đỡ chị em nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ; hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển của toàn xã hội.
Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức hàng ngàn cuộc tập huấn, các buổi hội thảo. Xây dựng hàng ngàn câu lạc bộ và hoạt động hiệu quả, như “Phụ nữ với pháp luật”, “nam giới không bạo hành”, “CLB trợ giúp pháp lý” thu hút đông đảo chị em tham gia. Tổ chức hội Phụ nữ các huyện biên giới vùng cao phối hợp với phòng giáo dục, đồn biên phòng mở các lớp dạy xóa mù chữ cho hội viên, thức hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng an ninh.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng của các cấp hôi phụ nữ đã góp phần giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh. Từ 17,64% hộ nghèo vào năm 2001, đến năm 2005, tỷ lệ này đã giảm còn 7,7% (theo tiêu chí cũ), năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 27% đã giảm còn 14,7% vào năm 2009.
Có được kết quả này, chính là nhờ sự chỉ đạo sát đúng của các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở. Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo từng huyện; các huyện chỉ đạo sát từng xã; mỗi xã lại bám sát tình hình từng thôn, xóm. Tất cả hoạt động nhịp nhàng, đảm bảo chỉ tiêu: mỗi cơ sở vùng đồng bằng giúp 10-12 hộ; miền núi giúp từ 6-10 hộ thoát nghèo trong một năm.
Đến nay, các cấp hội đã huy động và quản lý số vốn trên 1.408 tỷ đồng, gấp 11 lần so với đầu năm 2001, giúp cho 208.527 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hội giúp đỡ về vốn, con giống, kiến thức làm ăn. Không chỉ hỗ trợ hội viên xoá đói giảm nghèo, trong xu thế phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các tổ chức hội cũng hết sức chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng. Các diễn đàn, các câu lạc bộ nữ doanh nghiệp chính là nơi để chị em trao đổi kinh nghiệm, học cách làm giàu. Đến nay, toàn tỉnh có 8.741 mô hình kinh tế giỏi có thu nhập từ 30-100 triệu đồng/năm. Sự nỗ lực của các cấp hội đó giúp 26.194 hộ gia đình vươn lên thoát khỏi đói nghèo, trong đó có 40 hộ dân tộc thiểu số vùng biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Trạc trao Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội LHPN Nghệ An |
Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của phụ nữ trong mỗi một gia đình, để có được sự ấm êm, hạnh phúc thì không thể thiếu bàn tay thu vén đảm đang của người phụ nữ. Chính vì vậy, cùng với nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thì hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là nhiệm vụ được các cấp hội phụ nữ đặc biệt quan tâm.
Phường Hưng Bình - thành phố Vinh, một trong những địa bàn trọng điểm của thành phố về tệ nạn nghiện hút, số đối tượng nghiện cũng như người nhiễm HIV. Những gia đình tan nát… những người mẹ, người vợ khốn khổ về vật chất, đau đớn về tinh thần… Phát huy truyền thống nhân ái, sẻ chia đùm bọc lẫn nhau, ngay sau khi CLB mái ấm gia đình phòng chống HIV/AIDS ra đời đã thu hút trên 100 hội viên tham gia. Các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, trang bị kiến thức, thăm hỏi động viên được tổ chức kịp thời, đều đặn đã tạo nên một sợi dây liên kết, sự gắn bó thân ái giữa cộng đồng.
Đó chỉ là một trong số trên 5.000 câu lạc bộ rất đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung trên phạm vi cả tỉnh. Từ chỗ chỉ đơn giản là nơi để chị em giao lưu văn hoá, văn nghệ, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc gia đình, nuôI con khoẻ, dạy con ngoan, giúp nhau phát triển kinh tế, rất nhiều huyện, thành, thị đã thành lập được những câu lạc bộ phù hợp và có tính giáo dục cao như CLB “bà nội, bà ngoại”, “dâu hiền”, “phụ nữ đơn thân”, “tổ phụ nữ 4 không”, CLB “lá chắn”, CLB “phụ nữ phát triển kinh tế”.v.v...
Thông qua hình thức sinh hoạt hấp dẫn bằng các tiểu phẩm, sáng tác thơ, ca, hò, vè, giao lưu văn hoá, văn nghệ, TDTT, các CLB không chỉ thu hút đông đảo chị em tham gia mà còn nhận được sự ủng hộ, đồng tình của phần đông nam giới. Từ các hoạt động này mà nhiều gia đình tưởng chừng tan vỡ lại được tái hợp, nhiều mâu thuẫn dai dẳng được hoà giải nhẹ nhàng. Mối quan hệ láng giềng, làng xóm trở nên thân mật, gần gũi hơn.
Trên bước đường đổi mới, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển để phụ nữ ngày càng có điều kiện vươn lên và tự khẳng định mình. Để tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ ngày thêm tiến bộ, các cấp hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập trung nguồn lực hướng về cơ sở. Tổ chức hội phụ nữ đã có mặt ở tất cả các thôn, xóm, bản, làng trong tỉnh. Nhờ vậy, lực lượng phụ nữ Nghệ An từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng lên miền sơn cước, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo đều nhận được sự quan tâm sát sao và kịp thời của các cấp hội phụ nữ. Tổ chức Hội Phụ nữ đã là điểm hẹn, máI nhà chung cho gần 450.000 hội viên.
Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trở thành nhiệm vụ quan trọng. Hội tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại. Hiện các cấp Hội đã nhận được sự hỗ trợ từ các dự án của các tổ chức nước ngoài hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ phụ nữ trẻ em… Các cấp hội phụ nữ Nghệ An đã đẩy mạnh nhiều chương trình hợp tác với phụ nữ các nước láng giềng, các tổ chức phi chính phủ … Những dự án triển khai đã góp phần nâng cao năng lực cho phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.
“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong kháng chiến. “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới. Ghi nhận những đóng góp của lực lượng phụ nữ Nghệ An, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động, Huân chương độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Thủ tướng chính phủ, bằng khen của các Bộ, ngành TW, Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An.
Có thể nói, những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong các chặng đường đã qua sẽ là hành trang và kinh nghiệm quý để chị em tiếp tục đem tài năng, trí tuệ góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.
Nối dài truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ phụ nữ, xứng đáng là lực lượng phụ nữ trên quê hương Bác Hồ, 80 năm qua, từ những tổ chức tiền thân cho đến Hội LHPN Nghệ An ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội đã đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, đảm đang, tài năng, trí tuệ, góp phần tích cực vào sự đổi mới của quê hương, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
(Hoa Mơ)