Hoạt động công đoàn xã, phường, thị trấn sau 5 năm thành lập
Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn ở NA đã được hình thành sớm vào những năm 1996 - 1997. Lúc đó, Ban thường vụ tỉnh ủy NA thực hiện tăng cường cán bộ về công tác ở cơ sở để dìu dắt, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ. Thành ủy Vinh đã cử những cán bộ có năng lực, trình độ, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín xuống làm cán bộ chủ chốt. Số cán bộ này đang hưởng lương và sinh hoạt ở các cơ quan Đảng, Nhà nước nay xuống sinh hoạt ở xã, phường nên việc sinh hoạt công đoàn không phù hợp, một số quyền lợi và nghĩa vụ công đoàn không đảm bảo. Để đảm bảo quyền lợi cho số cán bộ đoàn viên trên, LĐLĐ tỉnh đã cùng với LĐLĐ TP Vinh khảo sát, yêu cầu và quyết thành lập công đoàn cơ sở cơ quan các phường, xã. Tất cả cán bộ tăng cường về các xã phường sinh hoạt trong một tổ chức công đoàn. Đó là khởi đầu cho việc thành lập công đoàn xã, phường sau này.
Như vậy, việc thành lập tổ chức công đoàn tại cơ quan phường xã đã được triển khai thực hiện ở Nghệ An từ hơn 10 năm nay. Phường Hưng Dũng là một trong những mô hình đầu tiên được thành lập và đã phát huy hiệu quả. Sau đó, dựa trên tình hình thực tế của các địa phương mà các tổ chức công đoàn lần lượt thành lập, phát triển và mở rộng thí điểm ở 3 xã thuộc LĐLĐ các huyện Hưng Nguyên - Nghi Lộc và Cửa Lò, nâng tổng số tổ chức công đoàn cơ sở cơ quan xã phường ở NA lúc đó lên đến 21 cơ sở. Chức năng và nội dung hoạt động của các tổ chức công đoàn này cũng đa dạng, phong phú như các công đoàn cơ sở hành chính sự nghiệp khác.
Việc thành lập công đoàn cơ quan xã, phường, thị trấn là chủ trương mới trên cơ sở kết quả mà LĐLĐ TP Vinh đã làm thí điểm từ năm 1996 nên khi triển khai thực hiện điều lệ của Đại hội IX công đoàn VN, công đoàn Nghệ An đã bắt nhịp và triển khai ngay. Nhiều tỉnh bạn cũng đã đến để học tập rút kinh nghiệm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 474/479 xã đã thành lập tổ chức công đoàn. Đặc biệt, các LĐLĐ huyện đã tham mưu cho huyện ủy ra chỉ thị cho các Đảng bộ xã chỉ đạo việc thành lập và giao cho chính quyền xã tạo điều kiện cho việc thành lập công đoàn và chỉ đạo hoạt động. Nghi Lộc, Nam Đàn, Yên Thành, Con Cuông... là những huyện đã thành lập 100% ngay từ năm đầu.
Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng hầu hết các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương đều đánh giá cao hiệu quả của hoạt động công đoàn tại cơ quan cấp xã. Tổ chức công đoàn đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; đề cao vai trò phối hợp của Ban chấp hành công đoàn cơ sở với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp để vận động cán bộ, công chức và nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nổi bật là việc triển khai, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu" đã thể hiện ngày càng rõ nét chức năng, vai trò của tổ chức Công đoàn trong quá trình xây dựng, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn có chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tổ chức hội nghị cán bộ công chức hàng năm đúng trình tự, có chất lượng về nội dung và có chuyển biến về hình thức theo hướng thiết thực, thẳng thắn, công khai, dân chủ. Hầu hết cán bộ, công chức đều tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển.
Các cơ sở đã thường xuyên đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức, tác phong và quy tắc ứng xử của người cán bộ, công chức vào trong nội dung thi đua và sinh hoạt định kỳ; có chương trình, kế hoạch cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức cơ quan cấp xã thông qua các hoạt động xã hội của Công đoàn; quan tâm động viên, thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau khi hữu sự; xây dựng các loại quỹ góp vốn giúp nhau làm kinh tế gia đình, quỹ du lịch, quỹ khen thưởng dành cho con của cán bộ, công chức học giỏi; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công đoàn viên. Những hoạt động thiết thực đó càng làm cho mọi công đoàn viên phấn khởi, an tâm công tác, nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác và đời sống.
Nhìn lại quá trình 5 năm xây dựng và hoạt động tổ chức Công đoàn cấp xã cho thấy, phong trào cán bộ, công chức, người lao động và hoạt động công đoàn cơ sở cơ quan xã, phương, thị trấn bước đầu có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Cán bộ, công chức, người lao động - đoàn viên công đoàn từng bước nhận thức được vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn viên; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của CBCC, NLĐ, đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số nơi thiếu quan tâm đến hoạt động của Công đoàn. Nguyên nhân vấn đề là do nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ cơ sở về vị trí, vai trò, chức năng tổ chức Công đoàn còn hạn chế. Đa số chủ tịch công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, là những người có nhiệm vụ quan trọng của cơ quan xã, phường, thị trấn nên ít có điều kiện tập trung nghiên cứu sâu nghiệp vụ công đoàn. Kinh phí hoạt động của công đoàn cơ sở chỉ giới hạn trong khoản trích từ quỹ lương cán bộ, công chức trong định biên, không đủ đáp ứng yêu cầu. Có nơi công đoàn viên chưa xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động Công đoàn nên có tình trạng tham gia sinh hoạt tuỳ tùy tiện, không làm tròn trách nhiệm được giao. Cán bộ chưa thật sự chủ động thâm nhập thực tiễn; bản lĩnh, trình độ nhận thức có nơi, có lúc còn hạn chế nên chậm phát hiện, ít có kiến nghị đối với những vấn đề bức xúc nảy sinh từ phong trào của cơ sở.
Sức sống của công đoàn cơ sở luôn thể hiện ở khả năng hoàn thành nhiệm vụ và chất lượng phong trào. Do đó, vai trò của Ban chấp hành công đoàn cơ sở là rất quan trọng. Trước hết là người thủ lĩnh phải thật sự năng động, linh hoạt, nhiệt tình trong công tác; biết thống nhất ý chí và hành động trong Ban chấp hành và toàn thể công đoàn viên. Người chủ tịch công đoàn cơ sở phải là cầu nối quan trọng trong các mối quan hệ làm việc với công đoàn cấp trên, với cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cùng cấp. Quá trình lãnh đạo hoạt động công đoàn cần chú ý quy chế làm việc; triển khai kế hoạch công tác cần chọn thời gian thích hợp để vừa không gây ảnh hưởng nhiệm vụ thường xuyên của các bộ phận, vừa khuyến khích mọi công đoàn viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Hoạt động công đoàn phải bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ sở, gắn với công tác chuyên môn của cơ quan cấp xã và chỉ đạo của công đoàn cấp trên. Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công đoàn viên để xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động phù hợp, chăm lo tốt quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức; mạnh dạn kiến nghị với lãnh đạo cơ quan cấp xã và công đoàn cấp trên quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực tiễn. Làm được như vậy thì hoạt động của tổ chức công đoàn cơ quan xã - phường - thị trấn mới có thể duy trì và phát triển; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
(Lê Hằng)