Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhìn lại chiến lược quốc gia về dinh dưỡng ở Nghệ An

10:44, 02/11/2010
Trong thời gian gần đây, chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đã và đang được triển khai một cách tích cực và sâu rộng. Ở Nghệ An, sau 5 năm triển khai chiến lược này, ngành y tế và các ban ngành liên quan đã đạt được một số kết quả quan trọng.

 

Tại huyện miền núi Tương Dương, định kỳ hàng tháng, các bà mẹ đang trong thời kỳ thai nghén hoặc nuôi con nhỏ đều được các cộng tác viên dinh dưỡng tư vấn về các phương pháp nuôi dạy con khỏe mạnh. Đối với một địa bàn miền núi khó khăn như Tương Dương, công tác truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng ít nhiều đã có tác dụng đối với các bậc phụ huynh vốn còn ít hiểu biết về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ. Đây thực sự là một trong những việc làm thiết thực của ngành y tế, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào miền núi trong vấn đề nuôi con khỏe.

 

Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm sức khỏe cho con trẻ ở khu vực miền núi không phải là câu chuyện trong ngày một ngày hai. Thói quen, cách nghĩ, cách làm của người miền núi có phần  lạc hậu, cộng thêm đó là điều kiện kinh tế còn khó khăn, bởi vậy, trẻ em không thường xuyên được cung cấp dưỡng chất đầy đủ trong quá trình phát triển. Đây chính là nguyên nhân dẫn đễn sự chênh lệch về tỷ lệ suy dinh dưỡng ở khu vực miền núi so với miền xuôi. Để giải quyết vấn đề nói trên, chương trình chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đã quan tâm nhiều hơn đến khu vực miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn. Trong 5 năm triển khai chiến lược, giai đoạn 2006 - 2010, đội ngũ cán bộ y tế, chuyên trách, cộng tác viên dinh dưỡng đã có mặt ở khắp các bản làng, trung tâm học tập cộng đồng của đồng bào miền núi tổ chức tư vấn, truyền thông, thăm khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em để vạch ra những kế hoạch dài hơi cho vấn đề bảo đảm dinh dưỡng trên từng khu vực. Mục tiêu của chương trình là nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho người dân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giải quyết tình trạng thiếu Vitamin A và các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng; cải thiện tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của mình, cán bộ y tế cơ sở, chuyên trách dinh dưỡng đã góp phần tích cực làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em.

 

Mỗi gia đình hãy tự chăm sóc sức khỏe bằng các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng

 

Trong 5 năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Nghệ An đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là 21,7%, trung bình mỗi năm giảm 1,5%. Có được kết quả đó là do sự  triển khai chương trình có hiệu quả của ngành y tế, sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, ban, ngành liên quan. Ngành y tế Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ mang thai, bà mẹ cho con bú, hạn chế các vấn đề sức khoẻ mới nảy sinh có liên quan đến dinh dưỡng. Công tác truyền thông được duy trì và đi vào chất lượng như thường xuyên mở các lớp học làm bố làm mẹ; các lớp thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi đến tận xã phường đạt chất lượng và có hiệu quả. Việc cân trẻ được tiến hành theo thời gian quy định, cân trẻ được cung cấp đến tận thôn bản để cộng tác viên có phương tiện hoạt động. Ngoài ra còn cung cấp sản phẩm dinh dưỡng (bánh quy, bột dinh dưỡng) phục hồi cho bà mẹ mang thai, cho trẻ bị suy dinh dưỡng; cung cấp bộ thực hành dinh dưỡng cho các huyện miền núi…

 

Thực hiện vấn đề bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em là một chiến lược dài hơi và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Trong điều kiện Nghệ An còn nhiều thiếu thốn như hiện nay, mô hình truyền thông dinh dưỡng ở các nhà trường đã được chú trọng đẩy mạnh. Ngành y tế đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục để xây dựng và triển khai chương trình “bữa ăn trường học” nhằm nâng cao thể chất, thể lực cho học sinh, thông qua bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, cân đối. Ở các trường mầm non, những hiểu biết của cô nuôi dạy trẻ cùng với sự quan tâm của ngành y tế, của cả cộng đồng là môi trường tích cực trong việc phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Trong những năm gần đây, việc gửi con ở các nhà trẻ có uy tín đã làm các bậc phụ huynh có thể yên tâm cho sự phát triển của con em mình. ở đó, chế độ dinh dưỡng cho trẻ được kiểm soát bởi các cơ quan chức năng, ngoài ra môi trường giáo dục chuyên nghiệp là yếu tố giúp trẻ phát triển toàn diện. Thống kê so sánh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng được và không được đến trường cho chúng ta biết rằng, các ông bố, bà mẹ cần quan tâm đến con trẻ bằng việc sớm cho con tiếp xúc với môi trường giáo dục chuyên nghiệp đã và đang ngày càng được hoàn thiện bởi sự quan tâm của các cấp, các ngành trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chiến lược quốc gia về dinh dưỡng do ngành y tế thực thi.

 

Uống Vitamin A - biện pháp nâng cao sức khỏe cho trẻ

 

Bên cạnh việc tổ chức truyền thông, hướng dẫn cho các bà mẹ lựa chọn bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong quá trình nuôi con, chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đã dành sự quan tâm tới con trẻ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, các tư vấn viên, các chuyên gia về dinh dưỡng đã thường xuyên có mặt để phổ biến kiến thức cho các bà mẹ đang mang thai. Đây là một việc làm thiết thực góp phần chống nguy cơ suy dinh dưỡng, là điều kiện để trẻ ra đời phát triển tốt. Chính vì vậy, số lượng người tham gia các buổi tư vấn đã ngày càng tăng bởi thông qua đó, kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng không những được phổ biến tại lớp mà nó được lan truyền trong cộng đồng bằng việc trao đổi kinh nghiệm nuôi con của các bà mẹ đang mang thai. Có thể thấy rằng, sự nhiệt tâm với công việc của đội ngũ những người cán bộ y tế trong chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, là minh chứng cho những kết quả phòng chống suy dinh dưỡng đã đạt được ở Nghệ An trong giai đoạn 5 năm vừa qua.

 

Mặc dù đạt được một số kết quả, song công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Nghệ An vần còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, trình độ dân trí thấp, đặc biệt vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số, một số bộ phận dân cư còn chưa đủ ăn về lượng. Cộng tác viên dinh dưỡng đủ về số lượng nhưng trình độ, kiến thức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hầu như chưa có phụ cấp , trừ một số xã điểm… Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề đặt ra như tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao (32,6% năm 2009), tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, vấn đề phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, vấn đề thừa cân béo phì ở trẻ em các vùng đô thị và vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em trong tuổi học đường. Đây là những thách thức mà trong giai đoạn tiếp theo, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan để tiếp tục thực thi chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

 

Ngày nay, cùng với sự lớn mạnh, đi lên của đất nước, Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh mục tiêu phát triển con người. Bởi vậy, mỗi cá nhân chúng ta, mỗi cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách toàn diện và đồng bộ để góp phần xây dựng đất nước, con người Việt Nam phát triển toàn diện.

 

(Ngọc Dũng)