Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thái uý quận công Nguyễn Sư Hồi và lễ hội đền Vạn Lộc

10:27, 05/03/2011
Để tưởng nhớ và tôn vinh công lao, sự nghiệp của Thái úy Nguyễn Sư Hồi, đặc biệt là công khai cơ, lập làng, theo tục lệ cổ truyền đã có từ hàng trăm năm nay, cứ 3 năm một lần, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức lễ rước kiệu, long ngai, bài vị của Nguyễn Sư Hồi. Đây là một lễ hội lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương

>>> Phần I: Người khai ấp lập làng

 

Phần 2: Lễ hội đền Vạn Lộc

 

Tưng bừng trong không khí náo nức của dòng người trẩy hội, trong không khí sum vầy của các gia đình, dòng họ ngày tết Nguyên Tiêu, những tiếng trống khai hội đã vang lên, nhộn nhịp khắp một miền quê nơi cửa biển, thúc dục người dân nơi đây về với lễ hội đền Vạn Lộc - một lễ hội truyền thống của vùng sông nước Vạn Lộc nói riêng, nhân dân Cửa Lò nói chung để tưởng nhớ tới người đã khai sinh ra mảnh đất này - Thái úy Quận Công Nguyễn Sư Hồi. Tuy tiếng trống khai hội bắt đầu từ ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhưng trên thực tế lễ hội đã bắt đầu diễn ra từ ngày 11 tháng giêng và kéo dài đến hết ngày 16 với các bước hành lễ rất bài bản và linh thiêng trong phần lễ và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc mang nét riêng của vùng sông nước trong phần hội.

 

Lễ rước trong Lễ hội đền Vạn Lộc (Ảnh: Lan Anh)

 

Phần lễ được chia làm 4 phần: Lễ tẩy trần, lễ yết cáo, lễ rước và lễ Đại tế hay còn gọi là lễ kỳ phúc kỳ yên.

 

Lễ tẩy trần: Được tiến hành từ tối ngày 11 tháng Giêng âm lịch, với nội dung xin được mang các đồ tế khí của đền ra chùi rửa để chuẩn bị cho lễ rước vào ngày 16 tháng Giêng.

 

Lễ yết cáo được tổ chức vào tối ngày 15 tháng Giêng, nhằm báo với Nguyễn Sư Hồi và các vị thần linh được thờ tụng trong đền về công việc chuẩn bị và các bước tiến hành của lễ rước sẽ được thực hiện vào ngày hôm sau. Các lễ này, đều diễn ra tại đền Vạn Lộc với nghi thức hết sức trọng thể, trang nghiêm. Những người đang chịu tang không được dự lễ; trong ngày lễ, chủ tế không được làm chuyện phòng the và các việc uế tạp. Những điều cấm kỵ ấy còn giữ mãi đến tận bây giờ.

 

Và có lẽ điều để lại ấn tượng nhất cho mỗi du khách khi về với lễ hội đền Vạn Lộc đó là được chứng kiến một lễ rước hoàng tráng, bài bản, kéo dài hàng cây số, với nghi lễ trang phục đầy đủ, phong phú. Sau 3 hồi trống đại, vị thủ chỉ, hoặc người có chức sắc cao nhất của làng sẽ đọc bài văn ca ngợi công lao to lớn của Thái úy Nguyễn Sư Hồi và báo cáo với Ngài về những thành tích của địa phương trong thời gian qua. Sau đó, đoàn rước bắt đầu theo thứ tự nhất định và được đi một vòng quanh địa bàn làng Vạn Lộc xưa - nay là Phường Nghi Tân. (Lễ rước này đã tượng trưng cho việc ngài cùng các quan quân thường xuyên đi tuần tra để bảo vệ sự bình yên cho cư dân Vạn Lộc trước đây). Đi đầu là đội múa Lân; đội trống chiêng; Rồi đến Kiệu sắc phong của Nguyễn Sư Hồi và kiệu sắc phong của Lê Khôi, có long ngai sơn son, thiếp vàng rực rỡ, có tán lọng che kiệu ở 2 bên. Đội bát bửu sáng loáng với đầy đủ đồ tế khí; Đội nhạc phong phú nhiều thanh âm làm cho không khi lễ hội thêm phần nhộn nhịp; và tiếp theo đó là những mâm ngũ quả được sắp xếp cân đối đẹp mắt. Đôi ngựa hồng, ngựa bạch có bánh xe đẩy đi rất oai phong. Đội tế với trang phục áo quần, cân đai, mũ hài với nhiều màu sắc lộng lẫy, oai vệ. Vị đại bái mũ đỏ, áo dài màu đỏ, có phủ rồng lấp lánh dẫn đầu đội tế; Điều hấp dẫn và thu hút được du khách đó là sự tham gia của các dòng họ lớn vào đoàn rước. Điều này không chỉ làm cho đoàn rước thêm sinh động đông vui mà còn tạo được sự gắn bó, giữa các cá nhân trong dòng họ, sự đoàn kết giữa các dòng họ với nhau.

 

Đến với lễ hội, ta không chỉ thấy được không khí nhộn nhịp chung của nhân dân địa phương mà còn thấy được một không khí chuẩn bị hết sức thành tâm tại các dòng họ. Như dòng họ Hoàng Văn và dòng họ Hoàng Thế là hai dòng họ lớn có công khai lập nên làng từ những ngày đầu. Họ là những dòng họ được tham gia đi trước các dòng họ khác trong đoàn rước. Dòng họ Hoàng Văn được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích cấp quốc gia chúng ta mới thấy hết sự thành kính và truyền thống hướng về cội nguồn của người dân Vạn Lộc nói riêng, nhân dân Nghệ An nói chung. Con cháu dòng họ dù gần hay xa đều phải tập trung về dự lễ yết bái gia tiên và tham gia chuẩn bị hương án, bài vị và kiệu để đến với đoàn rước. Hay như dòng họ Lê Trung, cũng là một trong những dòng họ lớn. Con cháu đã tập trung tề tựu, làm lễ xin phép tổ tiên để chuẩn bị cho lễ rước chung của làng.

 

Sự hoành tráng, trang trọng không chỉ thể hiện ở nghi lễ bài bản và đội rước đông đủ nhiều thành phần mà còn thể hiện ở lòng thành kính, ngưỡng vọng mà các thế hệ người dân địa phương dành cho Ngài. Điều hấp dẫn và riêng nhất khi du khách đến với lễ hồi Đền Vạn Lộc đó là tại tất cả những ngõ phố có đoàn rước đi qua. Mọi gia đình đều bày hương án rất đẹp mắt. Khi đoàn rước đến thì người làm chủ gia đình đứng ra thắp hương và kiệu rước sẽ phải hạ xuống để họ dâng hương nghênh đón ngài, với mong muốn ngài sẽ phù hộ độ trì cho con cháu trong gia đình sự bình an phát đạt.

 

Bên cạnh đó, tại tuyến phố chính, các dòng họ lớn phải dựng cổng chào thật đẹp, có bày hướng án đủ bài vị, sắc phong, hượng hoa quả sáp đèn để ngưỡng vọng đoàn rước, đến mỗi hương án dòng họ thì đoàn rước đi chậm lại để đaị diện dòng họ dâng hương bái chầu. Đội múa sư tủ biểu diễn nghênh trò, Đội trống biểu diên nghệ thuật múa trống. Đoàn rước lại đi tiếp cho về đến Đền. Đây vừa là một nét đẹp truyền thống có từ hàng trăm năm nay xuất phát từ tấm lòng thành kính của người dân địa phương vừa là một phần không thể thiếu để tạo nên nét riêng nhất, độc đáo nhất của một lễ hội làng. Người dân Vạn Lộc nói riêng, người dân Cửa Lò nói chung đều tin rằng vào năm tổ chức lễ rước là năm đó người người nhà nhà đều bình an, hạnh phúc bởi sự che chở hù hộ của ngài. Vì thế, việc nghênh đón và dâng hương mỗi khi đoàn rước đi qua gia đình hay dòng họ là để xin ngài chứng dám cho tấm lòng của con cháu trong gia đình, dòng họ. Người dân nơi đây có cái tâm hướng về lễ hội, hướng về vị thần hoàng mà không phai địa phương nào cung có được. Nó tạo nên một nét văn hóa riêng biệt và không thể thiếu vào mỗi mùa lễ hội đền Vạn Lộc.

 

Cờ hoa võng lọng rợp cả một góc trời. Tiếng trống chiêng kèn sáo quyện vào nhau vang dậy một vùng sông nước. Gợi lên trong lòng du khách và người dân địa phương một niềm hân hoan khôn tả khi chứng kiến đoàn rước. Tiếp theo đoàn rước là một nghi lễ không kém phần quan trọng và linh thiêng mà bất kỳ ai đến với lễ hội cũng không thể bỏ qua. Đó là lễ đại tế hay còn gọi là lễ ky phúc kỳ yên. Vào khoảng 19h tối ngày 16, ban quản lý đền cùng nhân dân bản địa đã long trọng tổ chức. Đây là một nghi lễ trọng thể và trang nghiêm. Nó vừa thể hiện sự tôn kính tâm linh của con cháu đời sau đối với ngài, lại vừa là lễ cầu phúc cầu yên cho mọi người, gia đình trong làng cùng du khách. Lễ đại tế được tiến hanh bài bản với đầy đủ các bước của một nghi lễ trọng đại như: “dâng hương, nghênh thần, dâng tửu và lễ độc chúc…

 

Đến với lễ hội đền Vạn Lộc, một lễ hội tưởng nhớ công ơn của người khai cơ lập ấp không chỉ con cháu trong làng và còn rất đông các đoàn con cháu dòng họ Nguyễn Đình ở ngoài Bắc vào. Như cụ Nguyễn Đình Đảm, năm nay đã 84 tuổi nhưng với tấm lòng thành kính cụ lặn lội cùng con cháu từ Ninh Bình vào đây để dâng hương tưởng nhớ tới cụ tổ của dòng họ. Điều này cho mỗi chúng ta thấy được một vẻ đẹp truyền thống của người Việt Nam luôn luôn hướng về nguồn cội.

 

Lễ hội đền Vạn Lộc không chỉ độc đáo hấp dẫn du khách và nhân dân bản địa trong phần lễ mà còn ở phần hội cũng mang một vẻ đẹp truyền thống của vùng sông nước với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn, giàu giá trị văn hóa như chọi gà, kéo co, đánh cờ người, cờ thẻ, bơi thuyền…

 

Đến với một ván cờ người tại mảnh sân nhỏ cạnh đền thờ ta mới thấy hết sự thú vị hấp dẫn của trò chơi. Đội quân cờ là những em học sinh phổ thông mặc trang phục truyền thống đồng phục rất đẹp mắt, người di chuyển quân cờ và người bồi trống cũng có trang phục riêng. Mỗi bước cờ được đi, tiếng trống lại vang lên nhộn nhịp làm cả người chơi lẫn người xem thêm phấn chấn, rạo rực. Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao sôi động trên bờ thì trên mặt sông Cấm trước đền Vạn Lộc diễn ra hội bơi thuyền hết sức huyên náo, cuốn hút hàng ngàn dân chúng các làng Vạn Lộc, Trung Kiên, Tri thủy, Yên Lương, Mai Bảng... sinh sống dọc đôi bờ sông Cấm đến xem. Việc tổ chức hội đua thuyền của làng Vạn Lộc nhằm tái hiện lại những chiến tích oai hùng trên sông nước của thủy quân Nguyễn Sư Hồi và ghi nhớ công lao của ông, đã dạy cho dân làng cách đóng thuyền đi sông, đi biển.

 

Đua thuyền trong Lễ hội đền Vạn Lộc (Ảnh: Lan Anh)

 

Vào những ngày lê hội, nước sông Cấm mênh mông, sóng vỗ ì oạp, xen lẫn tiếng hò reo cổ vũ của các ngư dân đứng chật trên những con thuyền đánh cá rợp bóng cờ, đậu dọc đôi bờ sông Cấm. Tham gia hội bơi có khoảng chục chiếc thuyền của dân địa phương và một số xã bạn.

 

Thuyền đua được tô điểm sặc sỡ, mũi thuyền được chạm khắc đầu rồng, đầu ngựa uy nghi lẫm liệt. Mỗi thuyền có khoảng 18 người mặc đồng phục, do một người chỉ huy tay cầm cờ phất, thổi còi, hoặc đánh phách mõ tạo nhịp cho các tay bơi, tay chèo nhịp nhàng. Đường đua trong khoảng từ 200-300mét và có 2 vòng đi, về. Hiệu lệnh phát ra, các thuyền đua vun vút lao đi dưới sức đẩy của mái chèo và các dầm bơi liên tục bổ xuống mặt sông theo hiệu cờ, nhịp phách của người chỉ huy. Tiếng dô bơi, dô bơi... âm vang trong tiếng trống, tiếng người reo hò cổ vũ huyên náo dọc đôi bờ sông.

 

Năm nay, cùng với việc tổ chức thi bơi thuyền truyền thống, UBND phường Nghi Tân còn tổ chức thả đèn hoa đăng trên mặt sông Cấm vào tối ngày Rằm tháng Giêng. Mỗi bông hoa, một ánh nến, lung linh khắp một khúc sông càng làm cho đêm hội trở nên linh thiêng huyền bí. Những hoạt động văn hóa, thể thao mới trong lễ hội lần này, nhằm tiếp tục tôn vinh công lao của Nguyễn Sư Hồi và không ngừng bổ sung, làm giàu thêm đời sống văn hóa của cư dân địa phương.

 

Có thể nói trong không khí du xuân đang ngập tràn khắp nơi nơi, mỗi du khách khi về với lễ hội đền Vạn Lộc sẽ là một chuyến đi ý nghĩa và không thể nào quên. Bởi sự hòa quyện giữa vẻ đẹp truyền thống giàu giá trị văn hóa xứ nghệ và được đắm mình trong không khí tâm linh, linh thiêng và thành kính. Lễ hội không chỉ là ngày hội của làng, mà còn là dịp để con cháu khắp nơi tụ hội về đây, ôn lại truyền thống anh hùng của cha anh thủa trước, để soi vào đó mà răn dạy mình, sống xứng đáng hơn và luôn biết hướng tâm mình về với nguồn cội. Không đơn thuần chỉ là Hội như nhiều lễ hội khác mà sau mỗi lần tổ chức, chính quyền địa phương và đại diện các bô lão trong làng lại ngồi với nhau, chuyện trò đúc rút kinh nghiệm cũng như tìm ra giải pháp tốt nhất để nuôi dạy con cháu, tạo sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong cộng đồng dân cư, vừa tìm ra giải pháp phát triển kinh tế, vừa bảo tồn, phát huy được những nét đẹp vốn có của các giá trị văn hóa truyền thống địa phương.

 

Đến với  lễ hội đền Vạn Lộc- một lễ hội lớn của nhân dân địa phương được tổ chức truyền thống 3 năm một lần, du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô hoành tráng và sự  ngưỡng vọng tâm linh một cách tuyết đối của người dân bản địa. Điều này cho thấy tầm quan trọng và vai trò to lớn của ngày hội làng trong hành trình đưa du khách về với Cửu Lò - viên ngọc xanh xứ Nghệ. Bởi trong bức tranh non nước hữu tình ấy đền Vạn Lộc là nổi lên như một điểm đến của tâm linh, vừa mang lại sự yên bình thanh thản trong tâm hồn du khách, vừa giúp họ khám phá thêm nhiều điều thú vị, độc đáo mang vẻ đẹp truyền thống riêng nhất của nhân dân Vạn Lộc nói riêng nhân dân xứ Nghệ nói chung.

 

(Khánh Ly)