Đất và người Xứ Nghệ

Bộ sách cổ về y học và những hiện vật quý của vợ chồng con gái quan Thị Lang Bộ Lại triều Nguyễn

09:18, 28/04/2020
Thật tình cờ, khi đến xem vườn cây cảnh của nhà ông Thái Quốc Huy ở khối 3, thị trấn, Đô Lương, chúng tôi phát hiện thấy trong vườn cây có một chiếc liễn cổ Vạn Ninh. Qua trò chuyện, ông Huy tiết lộ gia đình ông vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý do ông bà nội của ông để lại. 

Hơn 100 năm trước, họ Thái từng là một gia tộc trí thức quyền quý thời phong kiến. Ông nội của ông Thái Quốc Huy là Thái Bá Quê, SN 1885 thi đậu Tú tài, hàm Giáo sư, giữ chức Viện hàn lâm Đại - chiếu, từng được nhận phần thưởng của Viện hàn lâm Cung - phụng thời vua Bảo Đại do cố vấn Bộ trưởng nội các ký vào ngày 29/9/1934. Bà nội là Nguyễn Thị Tự, con gái của quan Thị Lang Bộ Lại (đứng sau chức quan Thượng Thư) triều đình nhà Nguyễn.

 Ông Thái Quốc Huy bên chiếc tráp cổ đựng 24 cuốn sách chữ nho về y học.

Mở chiếc tủ gỗ, ông Thái Quốc Huy lấy ra 2 chiếc trám cổ sơn son rất đẹp. Chiếc trám thứ nhất có kích thước rộng chừng 40cm, dài 50cm bên trong cất giữ 24 cuốn sách cổ viết bằng chữ nho. 

Tất cả các cuốn sách đã nhuốm màu thời gian, nhưng đang còn nguyên vẹn.

Sau khi tìn hiểu, thì đây là những cuốn sách quý về y học. Nội dung các cuốn sách viết về: thuốc ngoại khoa nghiệm phương, Trần Tu Viên, Y học nhập môn từ quyển 1 đến quyển 6 và nhiều cuốn sách khác.

 Bản đánh máy bằng tiếng Pháp năm 1934 là một thông báo quyết định phần thưởng của Hoàng Gia cho ông Thái Bá Quê.

Ngoài những cuốn sách cổ trên, trong trám còn lưu giữ một số văn bằng, thông báo thời nhà Nguyễn, bản ghi ngày sinh tháng đẻ con cháu thuộc đời Can ông Thái Quốc Huy viết bằng chữ nho. Bản giấy đánh máy bằng tiếng Pháp từ năm 1934 cấp tại Huế cho ông Thái Bá Quê (ông nội của ông Thái Quốc Huy) là Tú Tài, Giáo Sư Hàn lâm viện Đại- chiếu, Hàn lâm viện Cung- phụng nhận phần thưởng từ Hoàng Gia.

 Phần nắp bên trong của chiếc tráp cổ thứ 2 thiếp bức cuốn thư.

Chiếc trám thứ 2 có kích cỡ nhỏ hơn chiếc trám thứ nhất, nắp trong của tráp thiếp một bức cuốn thư có chữ nho rất đẹp, bên trong đựng các vật dụng bằng ngà voi đã lên “ten” thời gian như: ống là dây đàn, bên trong ống dắt các móng tay bằng đồng dùng để lẩy dây đàn, một chiếc vòng ngà nhỏ, một đoạn ngà voi dài tầm 20cm to bằng ngón tay, một đầu vót nhọn giống như chiếc trâm cài tóc. 

Một số vật dụng bằng ngà voi và ngọc.

Ngoài ra trong trám còn có một chiếc chén ngọc và một số bức ảnh được chụp năm 1931 ở kinh thành Huế được cho là những người thân của bà Nguyễn Thị Tự vợ ông Thái Bá Quê. Bức ảnh có 6 người gồm 1 cụ ông và 5 nam thanh niên tóc cắt gọn gàng, ăn mặc bảnh bao, chân đi guốc mộc.

 Bức ảnh chụp năm 1931 ở Kinh thành Huế, những người trong ảnh là người thân của quan Thị Lang Bộ Lại triều Nguyễn.
 

Cũng trong chiếc trám này còn cất một “Bảng gia đình vẻ vang” do Đại tướng Võ Nguyễn Giáp-  Bộ trưởng bộ Quốc phòng- Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cấp ngày 11/11/1975 cho cụ Thái Bá Kha và cụ Nguyễn Thị Lan (bố, mẹ ông Thái Quốc Huy) có con Thái Mạnh Cầu tòng quân chống Mỹ cứu nước.

Bảng vàng vẻ vang của gia đình.

Ngoài những hiện vật này, gia đình ông Thái Quốc Huy còn cất giữ 9 chiếc chai đựng rượu bằng thủy tinh cổ của Pháp, kích cỡ từ 250mml đến 1000mml dưới đáy đề năm sản xuất: 1926, 1938, 1940, 1941, 1942, 1951.

 Có đến 9  vỏ chiếc chai rượu xưa của Pháp đang được lưu giữ.

Theo ông Thái Quốc Huy, dòng họ ông 18 đời làm nghề thầy thuốc, chỉ đến đời ông là không làm. Bà nội Nguyễn Thị Tự, mất năm 1982, hưởng thọ 98 tuổi. Ông nội Thái Bá Quê (còn gọi là cụ Hàn Ới), sau khi về quê ở xã Liên Sơn, huyện Đô Lương, ông làm Giám quản văn thôn nhị hội (giám sát việc học của 2 thôn), đồng thời làm nghề sản xuất cao đơn hoàn tán, chữa bệnh cứu người.

Ảnh chân dung cụ Thái Bá Quê và cụ Nguyễn Thị Tự.

Trải qua trên 100 năm, nhưng bộ sách cổ về y học còn nguyên vẹn do được cất giữ cẩn thận. Lớp con cháu của gia đình cụ Hàn Ới đều trưởng thành, làm nhiều việc có ích cho đất nước. Riêng người cháu nội là ông Thái Mạnh Cầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ tòng quân chống Mỹ cứu nước đã tiếp tục sự học và làm giảng viên trường Đại học Bách Khoa - Hà Nội, hiện đang hỗ trợ đào tạo sau Đại học cho Liên Hợp Quốc ở Châu Phi. Con gái ông Cầu là Tiến sỹ Thái Phương Thảo - Giảng viên, Bí thư Đoàn trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngọc Phương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện