Tư khi, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, người dân ở vùng đất này đã đón thêm một cái Tết mới là Tết Độc lập mừng ngày Quốc khánh 2/9. Tết Độc lập cũng là ngày hội mừng cho nhân dân đã thoát khỏi cơ cực, lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, bước sang trang mới độc lập tự do.
Cũng như mọi năm, ngày Tết Độc lập già làng Sầm Thanh Minh ở bản Nhang Thắm, xã Châu Cường cùng gia đình chuẩn bị xôi, gà, trầu cau, rượu, để làm lễ cúng. Mỗi gia đình đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Thái nói riêng ngoài bàn thờ gia tiên đều dành nơi trang trọng làm bàn thờ Bác Hồ. Tuy dịch bệnh Covid-19 hạn chế anh em, hàng xóm tham dự, nhưng mâm cúng vẫn được chuẩn bị chu đáo với đầy đủ lễ vật theo phong tục của người Thái để dâng lên bàn thờ Bác - người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với lòng thành kính biết ơn.
Vợ chồng già làng Sầm Thanh Minh chuẩn bị mâm cúng Bác Hồ nhân ngày Tết Độc lập. |
Già làng Sầm Thanh Minh, Bản Nhang Thắm xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Cũng như mọi năm, mâm cúng năm nay có xôi, gà, rượu, trầu cau, nước chè để cúng thờ cho Bác Hồ, tổ tiên của dòng tộc, dòng họ theo phong tục của người Thái. Mong rằng tục lệ này truyền mãi đời sau cho con cháu”.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ cúng Bác Hồ được tổ chức gọn nhẹ trong phạm vi gia đình để phòng, chống dịch. |
Đối với ông Lê Viết Đúng ở xóm Minh Kinh, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp với 91 tuổi đời, 65 năm tuổi đảng, từng là chiến sỹ bị địch bắt tù đày ở nhà tù Phú Quốc 1951 - nơi được coi là địa ngục trần gian. Đến năm 1956, ông được điều ra an dưỡng tại Đoàn 74 Sầm Sơn, Thanh Hóa, sau đó ông tình nguyện nuôi quân đến năm 1958 chuyển về an dưỡng tại đoàn 200 với thương binh tỷ lệ thương tật 1/4 và sinh sống ở Quỳ Hợp cho đến bây giờ. Quá trình sinh sống ở nơi đây, ông đã có đóng góp cho quê hương thứ 2 và dõi theo tin tưởng vào sự lãnh đạo đổi mới qua các thời kỳ của Đảng, mong muốn đất nước ngày càng giàu đẹp phồn vinh. Hành trang của ông ngoài các chiến công hiển hách trong những ngày tháng quân ngũ và ký ức bi tráng trong nhà tù Phú Quốc thì ông luôn sưu tầm các hiện vật về Bác Hồ và lập bàn thờ riêng về Bác Hồ tại nhà.
“Bằng tình cảm kính trọng đối với vị cha già dân tộc, hơn 20 năm qua tôi luôn sưu tầm các hiện vật và tư liệu về Bác Hồ để tỏ lòng thành kính, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ”, ông Lê Viết Đúng, cựu địch bắt tù đày xóm Minh Kinh, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp xúc động chia sẻ.
Ông Lê Viết Đúng, cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày bên bàn thờ Bác Hồ của gia đình. |
Ông Lê Hồng Thắng, Bí thư Chi bộ xóm Minh Kính, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết thêm:“Xóm Minh Kính có 43 đồng chí tham gia cách mạng, trong đó có ông Lê Viết Đúng 91 tuổi đời nhưng luôn gương mẫu tiên phong, nhiệt tình với tất cả việc làng xóm và khu dân cư. Các ngày lễ lớn ông luôn treo 2 cờ, 1 cờ Đảng và cờ Tổ quốc; lập riêng 1 bàn thờ Bác Hồ để thắp hương, tưởng nhớ; đồng thời sưu tầm tất cả các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày Quốc khánh 2/9 năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, các đồng chí trong xóm đã tuân thủ khuyến cáo 5K, từng người đến thắp hương cho vị cha già dân tộc tại gia đình ông Đúng”.
76 mùa thu Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đi qua, ở mỗi thời điểm lịch sử, người dân Quỳ Hợp đón Tết Độc lập trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng nơi thẳm sâu trái tim mỗi người, đều nhận thức rõ đó là một ngày trọng đại trong lịch sử của lịch sử dân tộc - ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước Việt Nam được độc lập, đã mở ra một thời kỳ được tự do, hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam; Từ đó biết ơn, tri ân ra sức học tập, rèn luyện cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, phồn vinh, sánh vai với các cường quốc Năm châu, như mong muốn sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin