Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của thời gian, những cây bồ lố hàng trăm năm tuổi vẫn xanh mướt, sừng sững trong khuôn viên đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí (Nghệ An). |
Từ tư liệu của Cục Di sản văn hoá, Nguyễn Xí (1397 – 1465) là một nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương.
Với tấm lòng trung quân ái quốc, Nguyễn Xí đã phụng sự dưới 4 triều vua Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng.
Năm 1465, Nguyễn Xí qua đời. Ghi nhớ công lao to lớn của ông, vua Lê Thánh Tông đã truy tặng ông tước Thái sư Cương Quốc công, cho xây dựng đền thờ tại quê nhà (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ở Nghệ An, vị trí công trình lại gần biển, vật liệu hoàn toàn truyền thống, không có bê tông cốt thép làm lõi nhưng công trình vẫn vươn cao cùng trời xanh, thể hiện kỹ thuật xây dựng của người xưa đã đạt đến trình độ điêu luyện.
Trải qua gần 6 thế kỉ tồn tại, đền vẫn bảo lưu được không gian, kiến trúc cổ kính. Các công trình kiến trúc cổ còn tương đối nguyên vẹn và có giá trị lớn về khoa học và thẩm mỹ.
Ban quản lý đền thờ Nguyễn Xí cho biết, nằm ngay sau khuôn viên đền, có 3 cây cổ thụ hơn 600 năm tuổi. Những cây này có từ trước khi xây dựng đền. Người dân địa phương vẫn quen gọi là cây bồ lố.
Một cây bồ lố hơn 600 năm tuổi, cao gần 30m đứng sừng sững giữa khuôn viên đền thờ. |
Những cây bồ lố đã cao hơn 30m. Gốc cây lớn nhất phải 3 – 4 người ôm mới xuể; cành toả rộng tựa như chiếc ô lớn; bộ rễ cắm sâu và rộng, bám chặt vào đất, "bò" ngoằn ngoèo khiến người nhìn dễ liên tưởng đến hình ảnh mãng xà khổng lồ quấn dưới gốc cây.
Ông Nguyễn Đình Vân (68 tuổi), người trông coi đền cho biết, hàng năm đến mùa này, cây cho quả rất nhiều. Bao năm nay, người dân nơi đây luôn xem những cây bồ lố này là báu vật, là biểu tượng, niềm tự hào chung của dân làng.
“Năm 2002, tôi thấy có nhiều cây con mọc lên nhưng vì diện tích khuôn viên hẹp nên chỉ giữ lại 4 cây. Từ đó đến nay gần 20 năm nay, dù quả rụng rất nhiều nhưng không thấy có cây bồ lố con nào cả. Không hiểu nguyên nhân vì sao?”, ông Vân lo lắng tâm sự.
Bảo tồn cổ thụ không chỉ khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ cây mà còn góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin