Nét cổ xưa Đền Voi

18:05, 02/01/2023
Đền Voi thuộc làng Nhân Sơn, nay là xóm 2, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. Từ thời Lê đến nay, ngôi đền vẫn lưu giữ được nét cổ kính từ dáng vẻ, chất liệu, hoa văn đến những nét chạm khắc. Tất cả làm toát lên sự tài hoa và khiếu thẩm mỹ của người xưa. 

Đền Voi là nơi thờ những vị thần linh đã chở che cho cuộc sống của nhân dân và thờ các bậc tiền nhân có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên đất nước. Đó là các ông Phan Văn Bài, Hồ Cảnh Xí và Nguyễn Duy Thời, những người có công khai phá và gây dựng nên vùng quê này, từng được vua Cảnh Thịnh (triều Tây Sơn) và vua Tự Đức (triều Nguyễn) ban sắc phong ghi ơn công đức.

Đền nằm ở vị trí trung tâm của làng, phía trái là núi Long Sơn, phía phải là núi Tượng Sơn càng tôn thêm vẻ uy nghi, bề thế. Người Nhân Sơn xưa xem đền Voi là một trong những điểm sinh hoạt tín ngưỡng, gửi gắm đời sống tâm linh và lưu giữ những nét đẹp cổ truyền. Trong ảnh là Nghi môn (cổng chính) toát lên vẻ đẹp cổ kính.
Nghi môn cao vút với những nét chạm khắc long, phượng và những đôi câu đối. Hình đắp nổi Hổ phù trên vòm mái đầy uy linh.
Những mảnh bát, chén đời Thanh, Minh (gốm sứ Trung Hoa) được đắp trên phần râu của Hổ phù.
Hình tượng chim Phượng với Cuốn thư nhuốm màu thời gian được đắp nổi với bàn tay tài hoa của người thợ thời xa xưa.
Nhà Bái đường với kiến trúc cổ kính, trải qua hàng tăm năm, phần mái ngói đã được tu sửa để bảo vệ phần kiến trúc gỗ bên trong.
Bên trong nhà Bái đường được làm bằng gỗ lim, những chiếc cột vững chãi răn dọc thứa gỗ vì thời gian. Kiến trúc gần như còn nguyên vẹn.
Từng nét chạm khắc trên các vì kèo được làm nên từ đôi bàn tay người thợ tài hoa, rất hồn cốt trong từng nét đục.
Hai đầu hồi nhà Bái đường có 2 tấm bia đá cổ khắc chữ nho, một trong 2 tấm bia đá đó nêu lên nội dung: “Trăm nghìn năm trước là do các bậc tổ tông gây dựng, trăm nghìn năm sau là do con cháu nối tiếp, việc đó, người đó mãi mãi không thể quên vậy... Nay về sau vui vẻ hòa bình, thần minh soi rọi, dân yên lợi lạc, lên đài này mà đội ơn thầm. Theo người dân địa phương, dựng đài thiêng này đến muôn năm nhận phúc thần ban, nhân đó ghi lại sự thực dài lâu trên đá”.
Trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng, đền Voi là nơi ghi dấu những những sự kiện lịch sử quan trọng đối với quê hương, đất nước; nơi các đảng viên trên địa bàn tổ chức hội họp trong phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh (1930 - 1931); nơi dự trữ quân lương, điểm dừng chân của các đơn vị bộ đội trên đường hành quân ra chiến trường trong cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Trong ảnh là nhà Hậu cung.
Bậc thềm nhà Hậu cung được làm bằng các khối đá xanh to, dài. Trải qua năm tháng, đá lên “ten” thời gian mà không một công nghệ nào thời nay có thể tạo ra được.
Dãy tảng đá kê cột trước hiên nhà cũng làm bằng đá, dưới vuông, trên tròn rất đẹp.
Trong nhà Hậu cung, thờ 3 ông Phan Văn Bài, Hồ Cảnh Xí và Nguyễn Duy Thời. Sau đó, dân làng phối thờ thêm Tứ vị Thánh Nương, Lý Nhật Quang, Hoàng Tá Thốn, hậu thần Hồ Phi Tứ, ông xứ Đồng Môn, ông Nghè Long Sơn.
Đền Voi trước đây có diện tích 5000 m2, nay chỉ còn gần một nửa. Trước cổng có 2 tượng voi, bên trong có 2 nhà cầu nối liền nhà Bái đường và Hậu cung. Trong ảnh là những tảng đá cổ xưa được xếp rất nhiều bên góc phải nhà Hậu cung, minh chứng cho những công trình trước đây còn sót lại.
Nhiều tảng đá cổ khác nằm bên phải ngay phía trong cổng vào đền Voi.

 

Ngọc Phương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện