Huyền thoại Mường Ham

16:27, 06/01/2024

Cũng như nhiều lễ hội khác ở khắp đất nước ta, lễ hội Mường Ham đã có được không gian, thời gian, cách thức và cả diễn trình riêng cùng với nguồn gốc lịch sử, tín ngưỡng, dấu ấn văn hoá riêng của đồng bào dân tộc Thái đang sinh sống ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An). Cùng với những thăng trầm của lịch sử lễ hội Mường Ham diễn ra tại xã Châu Cường đã có thời kỳ dài bị lãng quên song những năm gần đây lễ hội đã được chính quyền địa phương khôi phục và tổ chức lại, các công trình kiến trúc liên quan đã được tu bổ và sửa chữa lại nhằm lưu giữ những nét truyền thống văn hoá tốt đẹp của đồng bào Thái nơi đây.

Huyền thoại chuyện tình Nang Ni - Khủn Tinh

Theo sử sách, vào đời Nguyễn, dòng họ Lo Kăm ở Mường Tôn (xã Châu Kim, huyện Quế Phong) có một thời thất thế đã mang đứa con trai duy nhất của Tạo Mường đến giấu ở Hoong Chò Cờ gần Mường Ham. Khi trời yên biển lẳng, dân chúng khai bản lập mường xong mới lấy kiệu vào Mường Nọi rước ra Mường Lớn để trông quản dân mường. Từ đấy tên gọi Mường Ham là Mường gốc của cả vùng Khủn Tinh xưa. Tạo Nọi Mường Ham là xóm có từ lâu đời, là trung tâm kinh tế chính trị của cả vùng Quỳ Hợp xưa, chủ yếu do hai dòng họ Lang và Lo Kăm cai quản.

 Phần lễ được tiến hành theo những nghi thức tâm linh được tổ chức thực hiện trang nghiêm tại đền Mường Ham.

Cũng theo lời kể của già bản, vào cuối thế kỷ XIX, vùng Mường Tôn, thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong bây giờ là trung tâm của “chín bản, mười mường” xảy ra biến cố. Tạo Mường đã cho người đưa con trai duy nhất của mình là Tạo Nọi xuống vùng rừng núi thuộc xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp bây giờ để lánh nạn. Đến khi quê nhà hết loạn lạc, Tạo Mường cũng đã mất, gia nhân bèn rước Tạo Nọi đến một vùng bằng phẳng, cảnh sắc hài hòa, có dòng Nậm Huống trong mát, được gọi là Mường Hám (theo nghĩa tiếng Thái “hám” là khiêng, rước sau này gọi chệch âm là Mường Ham). Mường Ham gồm nhiều bản, tương truyền Tạo Nọi là con trai duy nhất của Tạo Mường Tôn- Mường gốc từ huyện Quế Phong về lập bản dựng mường, xây dựng nên các mường Khủn Tinh và Mường Ham, nay là các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Thành, Châu Thái và Châu Quang huyện Quỳ Hợp. Tại đây, xã Châu Cường huyện Quỳ Hợp đã khôi phục lại đền thờ ghi nhớ công đức của Tạo Nọi. Đây là đền thờ nhánh của đền Chín gian thuộc huyện Quế Phong. Vì thế kiến trúc đền cũng theo kiểu nhà sàn như đền Chín gian và đến hội, không chỉ bà con người Thái ở Quỳ Hợp mà cả ở Quỳ Châu, Quế Phong cùng chung vui. 

Lễ hội Mường Ham thường diễn ra từ mùng 5 - 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Khi Tạo Nọi qua đời, người dân Mường Ham lập đền thờ và tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, khi vạn vật, cỏ cây được ủ mình trong không khí vui tươi, ấm áp để ghi nhớ công đức của người đầu tiên lập bản, dựng mường. Theo chân Tạo Nọi, người Thái bản trên, mường dưới kéo nhau về cùng xây dựng bản mường... Mường Ham ngày càng được mở rộng, trở thành mường lớn nhất trong vùng. Về sau, triều đình nhà Nguyễn gọi Mường Ham là Thuần Hàm, gồm các xã Châu Cường, Châu Quang, một phần Châu Lý ngày nay và trở thành trung tâm hành chính của một vùng rộng lớn.

 Bà con cùng nhau vui hội Mường Ham.

Qua những bước đi thăng trầm của dòng thời gian, có lúc Đền thờ bị xuống cấp, lễ hội bị đứt đoạn, nhưng các thế hệ cháu con vẫn luôn ghi nhớ và hướng về công đức của tổ tiên. Nay đền thờ đã được phục dựng, lễ hội Pựn Pang - Nang Ni dựa trên nền tảng của lễ hội cổ truyền ở Mường Ham trước đây cũng đã được khôi phục, người Mường Ham càng thêm yêu quý và tự hào về truyền thống quê hương... 

Đặc sắc nét văn hóa Thái trong lễ hội Mường Ham

Mường Ham được biết đến là vùng đất gắn với sự tích lập bản, dựng mường và huyền thoại chuyện tình Nang Ni - Khủn Tinh trong kho tàng văn hoá dân gian của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An nói chung, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp nói riêng. Lễ hội Mường Ham (thường diễn ra từ mùng 5 - 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm) diễn ra trong dịp vui xuân mừng đón năm mới, thờ cúng thành hoàng người đã có công dựng bản lập mường, được xem là lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ còn được lưu giữ cho đến ngày nay. 

  Khắc luống và cuồng chiêng.

Lễ hội Mường Ham được mở ra sớm nhất trong các lễ hội Thái ở miền Tây Nghệ An, ngay trong tết Nguyên Đán. Cũng như lễ hội hang Thẩm Bua xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, lễ hội Mường Ham là nơi phô diễn lưu giữ các giá trị văn hoá bản sắc của cộng đồng Thái và các dân tộc anh em. Tuy quy mô không lớn bằng lễ Hội Hang Thẩm Bua ở Quỳ Châu song lễ Hội Mường Ham ở huyện Quỳ Hợp mang đậm nét của các sinh hoạt đón năm mới và mùa xuân, vì sau lễ hội này là ngày khai hạ và hội xuống đồng tăng gia sản xuất. Nét đặc trưng của lễ hội này là cầu mong cho năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

 Ném còn.

Về bản Mường Ham, xã Châu Cường, ai ai cũng đều chung ấn tượng trước cảnh đẹp non nước hữu tình và bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo vẫn được bảo tồn, gìn giữ vẹn nguyên qua lễ hội và những làn điệu dân ca Thái.

Đến hẹn lại lên, vào đầu tháng Giêng âm lịch, tại Mường Ham, xã Châu Cường, huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) lại rộn rã tiếng trống, tiếng cồng chiêng khai hội Mường Ham. Đến với lễ hội, du khách sẽ cùng dân bản Mường Ham lắc lư với điệu múa trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, mọi người về đây được tham dự nhiều hoạt động vui chơi như: ném còn, cồng chiêng, khắc luống, bắn nỏ, kéo co và nhảy sạp… diễn ra rộn ràng giữa một vùng rừng núi bao la của miền Tây xứ Nghệ.

 Du khách đến tham gia hội Mường Ham tìm mua những chiếc váy thổ cẩm ưng ý theo sở thích.

Du khách có thể mua một số sản vật rất riêng của dân tộc Thái về làm quà. Trong đó, nhiều sản phẩm được trưng bày tại các Hội chợ, cũng như có mặt khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo những già làng, trưởng bản trong vùng, Lễ hội Mường Ham hàng năm là dịp người dân trong vùng tập trung được đông đủ. Đây cũng là dịp để lớp trẻ của dân Mường học hỏi giao lưu và tưởng nhớ về truyền thống cội nguồn của mình.

Phan Giang

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện