Bắt đầu từ ngày 3 Tết, 6 xã có câu lạc bộ ca trù ở Diễn Châu đều tổ chức biểu diễn ca trù sân đình, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày xuân của bà con nhân dân. Ngày hội ca trù tuy là hoạt động thường niên nhưng luôn thu hút rất đông bà con nhân dân thưởng thức.
Bà Lê Thị Phùng – Thành viên CLB ca trù Diễn Yên chia sẻ: "Diễn Yên có thể được coi là “đất tổ” của ca trù ở Nghệ An. Cách đây 400 năm gánh hát Kẻ Lứ đã vang tiếng bởi các đào nương tài hoa. Và cho dù đã trải qua bao thăng trầm, nhưng ca trù ở đây vẫn làm say đắm lòng người. Những ngày đầu xuân, những bài hát ca trù dìu dặt vẫn được vang lên trong lễ mừng thọ, ca ngợi mừng Đảng, mừng Xuân, hát phục vụ cho các dòng họ ở nhiều nơi".
Các thành viên gia đình nghệ nhân Lê Thị Phùng ở xã Diễn Yên đều có thể hát và chơi các nhạc cụ môn nghệ thuật ca trù. |
Ca trù được nhân dân yêu thích tại Lễ hội Đền Cuông. |
Còn chị Cao Thị Xuân – Người dân Diễn Hoa cho hay: "Ngày tết được nghe khúc ca trù thấy không khí thiêng liêng ấm áp tình người, nhớ về tổ tiên cội nguồn. Tôi mong loại hình nghệ thuật này tiếp tục được phát huy, lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để ai cũng có thể hiểu và yêu thích môn nghệ thuật ông cha ta để lại".
Trong tiết trời se lạnh mùa xuân, các thành viên câu lạc bộ ca trù làng Đoài, Diễn Liên người khăn gấm, người mặc áo tứ thân ngồi đối diện hai bên để hát và nghe hát. Để lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này, các cụ trong câu lạc bộ đã tập hợp những em nhỏ có năng khiếu hát ca trù để cho nghe và truyền dạy. Với hình thức học từng bài, từng cách gõ phách, đánh đàn, đến nay các thành viên câu lạc bộ đã hát thành thục nhiều làn điệu. Vì vậy mà ngày xuân, câu lạc bộ nhận được nhiều lời mời biểu diễn từ các dòng họ, địa phương. Điều nổi bật trong các cuộc hát ca trù Diễn Liên là hình ảnh cha đàn, con hát của ông Võ Công Súy và chị Võ Thị Mai hay em Võ Thị Mai Anh còn rất trẻ nhưng đã hát thành thạo nhiều làn điệu.
Mai Anh tâm sự: "Em thích ca trù nên em muốn các bạn cùng trang lứa với em có thể đón chào, mở lòng với văn hóa ca trù. Tuy là môn nghệ thuật khó kết hợp gõ phách và hát nhưng khi đã hiểu, đã thấm thì em rất yêu thích".
CLB ca trù Diễn Hoa biểu diễn phục vụ tại lễ mừng thọ. |
Ca trù Diễn Châu dẫu không còn phát triển rực rỡ như trong thế kỷ XIX nữa nhưng với những nỗ lực của các nghệ nhân, ca nương, sinh hoạt văn hoá dân gian này đang trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong những bữa tiệc âm nhạc ngày Xuân. Với việc lần lượt 6 “tiểu hàng” ca trù của các xã Diễn Liên, Diễn Yên, Diễn Hoa, Diễn Mỹ, Diễn Xuân và Diễn An ra đời nên phong trào đàn hát ca trù ở Diễn Châu ngày càng được nhân rộng và được coi như là một “đặc sản” trong “thực đơn” ngày Xuân của các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa truyền thống như mừng thọ, giỗ tổ, hội làng..,của cộng đồng làng quê.
Ông Đào Hồng Thanh – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Diễn Châu cho biết thêm: "Hát ca trù đã có trên đất Diễn Châu trên 400 năm nay. Trước đây loại hình nghệ thuật này rất ít khi được biểu diễn, tuy nhiên ngày nay với sự quan tâm phục hồi và đặc biệt từ khi được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, ca trù ở Diễn Châu được dành nhiều không gian để biểu diễn như trong các ngày lễ trọng đại của đất nước, các hội làng, ngày Xuân, ngày Tết. 6 câu lạc bộ ca trù ra đời lưu diễn ở nhiều địa phương trong cả tỉnh, tham gia và ghi danh trong các kỳ hội diễn là minh chứng cho sức sống của ca trù của Diễn Châu. Vì vậy cùng với nghệ thuật tuồng, dân ca ví giặm thì ca trù đã làm nên nét độc đáo mới lạ đậm đà bản sắc dân tộc trong những ngày xuân của người Diễn Châu".
Ca trù được biểu diễn tại các lễ mừng thọ, hội làng dịp đầu năm mới ở Diễn Châu. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin