Về dự lễ có đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Lãnh đạo địa phương cùng các ban ngành cấp huyện.
Các đại biểu dự buổi lễ. |
Di tích Nhà thờ Thượng thư Hồ Trọng Đĩnh là nơi thờ phụng Thượng thư Hồ Trọng Đĩnh và con cháu hậu duệ.
Ông Hồ Trọng Đĩnh (sinh năm 1818 mất năm 1882), người xã Hoàn Hậu nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Thượng thư Hồ Trọng Đĩnh là một văn thần nổi tiếng văn võ song toàn dưới triều nhà Nguyễn. Ông được triều đình giao nhiều chức vụ quan trọng, làm quan ở nhiều nơi, đến đâu cũng được nhân dân yêu quý. Đặc biệt, ông có nhiều công lao đóng góp trên các lĩnh vực như: Khuyến khích và phát triển Nho học đào tạo nhân tài với việc xây dựng Văn Thánh Cao Lãnh, Đồng Tháp (năm 1857), xây nhà hương học giúp học trò nghèo có điều kiện học hành, thông qua đó để đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông cũng là người có công lớn trong việc củng cố và giữ vững an ninh vùng biên giới… Về ngoại giao, ông được xem là người có tài ngoại giao khôn khéo góp phần thắt chặt mối quan hệ bang giao với các nước.
Nhà thờ Thượng thư Hồ Trọng Đĩnh được xây dựng từ thời Nguyễn kiến trúc cổ kính, khuôn viên có tổng diện tích 444,4m2, bao gồm các hạng mục công trình: Cổng, sân và nhà thờ. Hiện nay, tại di tích đang lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: bia đá, câu đối, đại tự, chuông đồng, bình hoa, long ngai, mộc chủ, khám thờ… Đây là những tư liệu vô cùng quý hiếm cần được bảo vệ và lưu giữ.
Lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao, huyện Quỳnh Lưu trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ Thượng thư Hồ Trọng Đĩnh và Nhà thờ Hồ Sỹ Tư. |
Còn Di tích lịch sử nhà thờ Hồ Sỹ Tư, được xây dựng để làm nơi thờ phụng cử nhân Hồ Sỹ Tư, ông Hồ Viết Thắng và con cháu hậu duệ.
Ông Hồ Sỹ Tư (sinh năm 1860, mất năm 1935), đậu cử nhân khoa thi năm Nhâm Ngọ (1882). Ông không ra làm quan mà ở nhà dạy học và tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp. Cả cuộc đời của ông cống hiến cho công việc dạy học, giữ gìn nền Nho học nước nhà.
Ông Hồ Viết Thắng (1918 - 1998) là cháu trai của ông Hồ Sỹ Tư, ông sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1939 kết nạp Đảng. Sau đó, ông Hồ Viết Thắng được điều đi xây dựng cơ sở ở huyện Diễn Châu. Năm 1941, ông bị bắt và kết án 18 năm khổ sai, giam ở Nhà lao Vinh, rồi đày vào nhà tù Buôn Mê Thuột. Ngày 09/3/1945, ông được ra tù và tích cực tham gia phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Quỳnh Lưu. Tháng 9/1945, ông được cử làm Bí thư Huyện ủy lâm thời huyện Quỳnh Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Sau đó, ông được Đảng, Nhà nước phân công nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó Bí thư Khu ủy Khu IV (1948), Trưởng ban Nông vận Trung ương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên chính thức của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm… Ông mất ngày 21/8/1998, được Đảng và Nhà nước tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc tang.
Nhà thờ Hồ Sỹ Tư được xây dựng vào năm 1887 ban đầu bằng tranh tre nứa mét, qua 3 lần tu sửa lớn, hiện nay di tích có tổng diện tích 469,6m2, bao gồm các hạng mục: Sân, Giếng, Nhà thờ. Hiện nay, tại nhà thờ trưng bày rất nhiều ảnh tư liệu liên quan đến gia đình cụ Hồ Sỹ Tư, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hồ Viết Thắng.
Lễ rước Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ Thượng thư Hồ Trọng Đĩnh và Nhà thờ Hồ Sỹ Tư. |
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học của di tích, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định, xếp hạng nhà thờ Thượng thư Hồ Trọng Đĩnh và nhà thờ Hồ Sỹ Tư là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đây là sự ghi nhớ, tôn vinh, tri ân các nhân vật thờ gắn với truyền thống văn hoá, lịch sử phát triển của dòng họ, của địa phương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin