Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Về với Pu Đên

13:54, 17/03/2019
Nổi lên giữa trung tâm của thung lũng Mường Choọng là Pu Đên (núi Đền – nơi đền Choọng tọa lạc, tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp). Về với Pu Đên, về với lễ hội Đền Chọong, du khách gần xa được về với không gian văn hóa, lịch sử linh thiêng cùng những hoạt động ca múa nhạc, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Thái, Thổ …
​  Hàng nghìn du khách thập phương về với Lễ hội Đền Chọng 2019. Ảnh: Mai Linh  ​
​ Hàng nghìn du khách thập phương về với Lễ hội Đền Chọong 2019. Ảnh: Mai Linh ​

Đền Choọng được xây dựng từ thời Hậu Lê, tọa đinh – hướng quý (lưng hướng Nam – mặt hướng Bắc) tọa lạc trên một quả đồi, giữa muôn trùng đại ngàn, thung lũng Mường Choọng như một cánh đồng rộng lớn. Nổi lên giữa trung tâm của thung lũng Mường Choọng là Pu Đên (núi Đền – nơi đền Choọng tọa lạc). Nơi đây còn in vết tích Đền Choọng xưa với hòn tảng lá phủ rêu xanh, dưới chân Pu Đên, dòng Nậm Choọng trong veo ngày đêm tuôn chảy, rì rào khúc nhạc vỗ về. Từ trên đỉnh Pu Đên phóng tầm mắt ra xa có thể thấy được hầu hết các bản làng ở Mường Choọng, từ bản Xết, Bản Vực đến Bản Thắm, Bản Cồn... Đây là nơi trung tâm, tụ hội trao đổi, giao lưu của của cả Mường Choọng xưa.

Đền Choọng tọa lạc giữa trung tâm của thung lũng Mường Choọng (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp), là điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách bốn phương. Ảnh: Huy Nhâm

Năm nay là năm đầu tiên huyện Quỳ Hợp chuyển lễ hội từ ngày 15,16/6 âm lịch sang 11,12/2 âm lịch. Nét mới trong lễ hội Đền Choọng năm nay đó là ngoài phần lễ gồm có lễ Yết cáo, nộp trâu, Lễ rước linh giá, Lễ Đại tế và Lễ tạ tại Đền chính thì tổ chức nhiều vào phần hội để nhân dân được vui chơi, giải trí như giao lưu văn nghệ với những tiết mục hát múa dân gian truyền thống, mang đạm bản sắc dân tộc Thái, Thổ và các vùng miền, tổ chức hội thi cồng chiêng.

Trải bao đời nay, người dân Mường Choọng vẫn lưu truyền câu chuyện kể về Nang Phốm Hóm - Nàng tóc thơm, người có công lớn giúp nghĩa quân chống giặc.

Trong thời gian lưu lại nơi này (vào khoảng năm 1425), một tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn đã đem lòng yêu thương, hẹn thề nên duyên chồng vợ cùng một người con gái Thái đẹp người đẹp nết trong vùng. Chính nàng đã được nghĩa quân tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thảo nuôi quân. 

Người con gái ấy là Nang Phốm Hóm- Nàng tóc thơm. Như hội tụ khí thiêng đất trời, ngay từ lúc sinh ra Nàng đã có được nét thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả, Nàng đã đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ.

Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng miền tây rồi giải phóng cả vùng Hoan Châu rộng lớn… Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò miền hậu phương lớn.

Chiều chiều sau khi cắt đặt công việc xong xuôi Nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ trong nỗi nhớ mong tướng quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…

Nhận được tin nàng mất, tướng quân cùng binh lính tức tốc tìm về. Trong nỗi xót thương đến tột cùng, tướng quân cùng binh lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của Nàng còn đọng lại.

Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ Nàng ngay trên núi Phù Đên - Ngôi đền ấy có tên Đền Choọng. Tự trong tâm thức của người dân Mường Choọng, Nang Phốm Hóm là biểu tượng đẹp về công - dung - ngôn - hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết anh em hai dân tộc Thái và Kinh.

 

Thắp hương tưởng nhớ nàng Nang Phốm Hóm - Nàng tóc thơm tại đền Thượng. Ảnh Thu Hường

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đền Choọng xưa giờ không còn nữa, nhưng dấu ấn văn hóa tâm linh, dấu ấn một thời kỳ lịch sử thì mãi còn đây, hằn in trong thẳm sâu tâm thức của người dân Mường Choọng và tất cả những ai nặng lòng với nguồn cội xa xưa nơi mảnh đất này. Có thể nói rằng Đền Choọng mãi là một phần không thể tách rời trong tổng hòa các yếu tố văn hóa - lịch sử, định hình nên nét bản sắc riêng của mảnh đất và con người Mường Choọng.

Du khách thập phương thắp hương tưởng nhớ
Du khách thập phương thắp hương tưởng nhớ người con gái Thái Nang Phốm Hóm - Nàng tóc thơm. Ảnh: Mai Linh

Lễ hội Đền Choọng năm nay được tổ chức từ ngày 16-17/3, tức ngày 11-12/2 âm lịch (trước đây là ngày 15-16/6 âm lịch). Trong đó, phần Lễ gồm: Lễ yết cáo, rước linh giá, nộp trâu; Đại tế và Lễ tạ. Phần Hội bao gồm các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ với những tiết mục hát múa dân gian truyền thống, tổ chức hội thi cồng chiêng, bóng chuyền và các môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, tung còn, đi cà kheo, tổ chức các trò chơi dân gian như nhảy sạp, khắc luống, đánh đu, trình diễn trang phục truyền thống….

Đông đảo người dân cổ vũ môn thể thao bóng chuyền nữ tại lễ hội.
Lễ hội năm nay, ngoài phần lễ theo quy định truyền thống, huyện Quỳ Hợp tập trung nhiều vào phần hội để nhân dân được vui chơi, giải trí. Trong ảnh, đông đảo người dân theo dõi và cổ vũ các đội tranh tài ở nội dung bóng chuyền nữ. Ảnh: Mai Linh
Sôi nổi phần thi kéo co tại lễ hội. Ảnh: Mai Linh
Sôi nổi phần thi kéo co tại lễ hội. Ảnh: Mai Linh

Đặc biệt, huyện Quỳ Hợp đã kêu gọi, huy động xã hội hóa hơn 4 tỷ đồng để xây dựng mới nhà Trung điện gồm 5 gian làm bằng gỗ lim, trung tu các công trình Thượng điện, bàn thờ Am Pa Thai, cầu qua suối Mường Choọng và các lối lên xuống của đền... nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách tham quan, tìm hiểu phong tục, tập quán mang tính bản địa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Quỳ Hợp.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Ảnh: Thu Hường
Tiết mục nhảy sạp truyền thống
Tiết mục nhảy sạp truyền thống. Ảnh: Mai Linh
Các đại biểu và người dân chung vui bên chum rượu cần - văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Ảnh: Mai Linh

Lễ hội là dịp để bà con các địa phương trong vùng giới thiệu sản vật của quê mình.

Lễ hội đền Chọong là nơi bảo lưu các tinh hoa văn hóa truyền thống của địa phương. Nó không chỉ dừng lại ở sự cúng tế, lễ hội mà cao hơn là tinh thần đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.Và cũng thông qua đó thể hiện tấm lòng tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương xứ sở, giáo dục tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ./.

Mai Linh