Có mặt tại buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Hương Xuân vào những ngày giữa tháng 7, được chứng kiến không khí luyện tập hăng say của các thành viên, chúng tôi thực sự cảm nhận được sức hút của những làn điệu dân ca Ví, Giặm trong đời sống của người dân nơi đây. Mặc dù thời tiết xứ Nghệ mùa này rất oi bức, mồ hôi túa ra trên khuôn mặt nhưng ai nấy đều hồ hởi, đắm say, quyện hồn vào trong từng làn điệu dân ca. Chỉ là buổi luyện tập song các thành viên đều mặc trang phục như những diễn viên chuyên nghiệp.
Một buổi tập luyện của CLB dân ca Ví, Giặm Hương Xuân. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, CLB dân ca Ví, Giặm Hương Xuân tiền thân là đội văn nghệ của xã Quỳnh Xuân xưa, được thành lập từ năm 1974. Thời điểm đó, đất nước đang có chiến tranh, các hoạt động văn hóa văn nghệ cộng đồng không được tổ chức thường xuyên nhưng mạch nguồn dân ca Ví, Giặm vẫn được các thành viên trong đội duy trì. Tranh thủ những lúc ra đồng, đi chợ hay những đêm trăng bên giếng nước, ao làng, các mẹ các chị lại truyền dạy cho nhau các làn điệu cổ, những vở kịch dân gian. Ban đầu, đội chỉ biểu diễn trong các dịp hội làng, các hoạt động cộng đồng của thôn xóm, nhất là dịp tiễn các tân binh ra mặt trận để động viên tinh thần cho người lính. Nhớ lại những ngày tháng đó, bà Nguyễn Thị Tiến năm nay đã 70 tuổi cho biết: Người Quỳnh Xuân xưa đã nổi tiếng hát dân ca hay, cho nên chị em trong làng rủ nhau thành lập đội văn nghệ với mong muốn đem lời ca tiếng hát động viên bà con nhân dân thêm yêu đời, hăng say lao động sản xuất. Ngoài những lúc đi lao động sản xuất cho Hợp tác xã, khi có thời gian rỗi đội văn nghệ đều đi biểu diễn miễn phí phục vụ bà con trong và ngoài xã”.
Những người đặt nền móng cho sự ra đời CLB dân ca Ví, Giặm Hương Xuân ( Cố Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đình Tựu ngoài cùng bên trái). |
Thời đó kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện để dựng sân khấu cũng như đầu tư trang phục biểu diễn. Quần áo của các diễn viên được những bàn tay chân chất lấm bùn cặm cụi tự khâu vá, trang trí sao cho bắt mắt nhất. Thiếu thốn là vậy nhưng các thành viên đều đam mê, biểu diễn say sưa với tất cả tấm lòng nhiệt huyết. Những vở kịch như: Nỗi đau lòng mẹ, Phạm Công- Cúc Hoa, Thoại Khanh- Châu Tuấn, Lam Sơn khởi nghĩa.v..v đón nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả, thu hút cả các làng bên đến xem. Tiếng lành đồn xa, mỗi khi họ biểu diễn, người dân ở các xã khác đến xem rất đông. Sau đó, họ còn đi biểu diễn ở nhiều xã trên địa bàn. Những vở diễn ngày đó luôn truyền tải những thông tin để đem đến niềm vui trong lao động, niềm tin về chiến thắng, về ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
Sau hàng chục năm hoạt động, trên cở sở ý nguyện của đa phần người dân mong muốn thành lập một Câu lạc bộ để có điều kiện, gặp gỡ giao lưu văn hóa, văn nghệ, từ đó lưu giữ, truyền lại những nét đẹp văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau, năm 2012, địa phương đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Hương Xuân, có quy chế cụ thể và hoạt động đều đặn cho đến nay. Từ chỗ hoạt động tự phát chỉ có chưa đầy 10 thành viên, đến nay CLB thu hút sự tham gia của gần 40 thành viên trên địa bàn phường. Người trẻ tuổi nhất tham gia CLB là 13 tuổi, người cao tuổi nhất hiện nay gần 80 tuổi.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Liễu - Chủ nhiệm CLB dân ca ví giặm Hương Xuân mong muốn có sự quan tâm để bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm. |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Liễu - Chủ nhiệm CLB dân ca ví giặm Hương Xuân chia sẻ: “Những làn điệu dân ca đã ngấm sâu vào máu thịt người dân Quỳnh Xuân từ mấy chục năm nay, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Ngay từ trong bụng mẹ, trẻ con đã được thấm nhuần lời ru của bà, của mẹ từ những khúc dân ca. Mỗi tháng CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần, 6 tháng tổ chức sơ kết và cuối năm tổng kết, tất cả thành viên từ già đến trẻ đều tham gia đầy đủ. Đồng thời tất cả những ai biết hát dân ca ví, giặm đều phải biết truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để gìn giữ lại di sản của cha ông ta để lại”.
Trên cơ sở những quy chế hoạt động đã được các thành viên thống nhất xây dựng, Câu lạc bộ đã tích cực sưu tầm, dàn dựng, tập luyện và khôi phục lại các làn điệu dân ca ví dặm. Ngoài ra, CLB còn biểu diễn các làn điệu, vở ca kịch, màn diễn xướng do cố nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đình Tựu- nguyên Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm Hương Xuân và nghệ nhân Nguyễn Thị Liễu sáng tác…. Hiện nay, các làn điệu này được duy trì trong các dịp lễ hội của địa phương như lễ hội đền Phùng Hưng, Đền Xuân Hòa. Ngoài ra, Câu lạc bộ còn tham gia phục vụ các đợt biểu diễn chào mừng các sự kiện lớn của thị xã, giao lưu với các CLB trong tỉnh và tham gia Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Có nhiều tiết mục xuất sắc đã đạt giải A, B, C tại Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức đều đặn mỗi năm.
Tình yêu dân ca đã được các thế hệ trẻ tiếp nối. |
Năm 2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng quý báu, đặc biệt và độc đáo của người dân Xứ Nghệ được UNESCO chính thức ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với mong muốn những làn điệu dân ca không bị mai một, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào các trường học, góp phần đưa dân ca đến gần với lớp trẻ. Các thành viên của CLB Hương Xuân phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo đã lên lớp truyền dạy hát dân ca Ví, Giặm cho các thế hệ. Hòa mình vào điệu ví, các tiết học này đều tạo sự hứng thú cho các em học sinh. Trong hội thi hát dân ca trong trường học tỉnh Nghệ An năm 2023, đoàn thị xã Hoàng Mai đã có một tiết mục đạt Giải A và toàn đoàn đạt Giải B.
Cháu Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2010)- Thành viên nhỏ tuổi nhất CLB dân ca Ví, Giặm Hương Xuân nói: “Ngay từ nhỏ cháu đã rất thích được nghe mẹ hát dân ca, đặc biệt là khi đi xem các buổi biểu diễn của các bà, các mẹ. Về nhà cháu tự học nhẩm theo, sau đó ở trường cũng có dạy hát dân ca. 2 năm nay cháu tham gia CLB Hương Xuân, theo các bà, các mẹ đi biểu diễn nhiều nơi. Cháu rất yêu thích và sẽ theo hát đến cùng”.
"Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được hình thành từ cuộc sống thường nhật, lao động sản xuất của người dân, có nội dung rất phong phú, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người. Đồng thời mang tính giáo dục sâu sắc, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã. Vì vậy tôi mong muốn Nhà nước và các cấp chính quyền có sự quan tâm đúng mức để giữ gìn và phát huy nét đẹp di sản văn hóa dân tộc này" - nghệ nhân Nguyễn Thị Liễu cho biết thêm:
Thị xã Hoàng Mai đã đưa dân ca Ví Giặm vào giảng dạy trong trường học. |
Không chỉ sinh hoạt đều đặn, CLB dân ca Ví Giặm Hương Xuân còn tổ chức các hoạt động khác, như: tham quan các di tích lịch sử, thăm hỏi hội viên khi ốm đau hoạn nạn, đóng góp quỹ để hỗ trợ các hội viên khó khăn trong phát triển kinh tế, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trong việc dạy bảo con cháu hay những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình. Đến nay 100% gia đình hội viên trong Câu lạc bộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Năm 2015, CLB được Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An công nhận mô hình văn hóa cấp tỉnh.
Có thể khẳng định, sau gần 50 năm duy trì và hoạt động tích cực, Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm Hương Xuân đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu cho những người có cùng đam mê sở thích hát dân ca mà mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn phường Quỳnh Xuân nói riêng và thị xã Hoàng Mai nói chung ngày càng phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin