Người lưu giữ các làn điệu dân ca Thái ở bản Nưa

18:23, 01/08/2023
Về với  bản Nưa, xã Yên Khê huyện Con Cuông, nhắc đến nghệ nhân Vi Thị Hồng không ai là không biết. Mặc dù năm nay đã 76 tuổi, nhưng bằng niềm đam mê với dân ca Thái, không chỉ hát, biểu diễn mà bà Hồng còn tự mình sưu tầm, sáng tác, viết lại lời mới cho các làn điệu, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Chúng tôi đến thăm bà Vi Thị Hồng, bản Nưa, xã Yên Khê huyện Con Cuông trong lúc bà đang bận rộn với công việc của tổ đan lát. Vừa nhanh tay thoăn thoắt đan lát, bà vừa kể với chúng tôi. Vốn là người đam mê với các làn điệu dân ca Thái từ nhỏ, năm 1994 sau khi nghỉ dạy về hưu, bà tích cực tham gia sinh hoạt hội người cao tuổi của bản, biểu diễn các làn điệu dân ca của dân tộc mình thông qua các buổi sinh hoạt. Đây cũng chính là thời gian bà được thỏa thích với niềm đam mê của mình, bà tham gia vào câu lạc bộ dân ca Thái của bản, của xã rồi cùng các thành viên trong câu lạc bộ tập luyện để đi biểu diễn ở các hội thi do xã, huyện tổ chức. Với sự đóng góp của bà, bản Nưa luôn dành được giải cao tại các hội thi hát, biểu diễn dân ca Thái.

 Những làn điệu suối, lăm, nhuôn được bà Vi Thị Hồng cần mẫn sưu tầm và viết lại lời mới.

Đặc biệt, không chỉ hát, bà còn tự mình sưu tầm, sáng tác, viết lại lời mới cho các làn điệu dân ca Thái. Các bài hát lăm, nhuôn, suối được bà biến tấu linh hoạt, ca ngợi bản làng đổi mới, tình cảm của người thân, bạn bè, làng xóm. Bà tâm sự rằng, bản thân mình rất lo lắng nếu sau này con cháu không còn biết hát các làn điệu dân ca Thái nữa thì truyền thống của cha ông sẽ mất đi. Vì vậy, để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, bằng niềm đam mê, tâm huyết, bà tổ chức các buổi dạy dân ca cho các cháu nhỏ trong bản. Cứ thế, những điệu dân ca của người Thái như hát suối, lăm, nhuôn..được lấy cảm hứng từ đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân và những câu chuyện về các anh hùng trong truyền thuyết của đồng bào vào mỗi cuối tuần lại vang lên ngọt ngào trong ngôi nhà nhỏ của bà.

Bà Vi Thị Hồng tập cho các cháu nhỏ hát các làn điệu dân ca Thái. 

Có thể nói, điệu hát, ca từ dân ca Thái không thể thiếu trong văn hóa cộng đồng của người dân tộc Thái. Với tinh thần, sự đam mê tâm huyết, bà Vi Thị Hồng đã giúp cho giới trẻ dần hứng thú hơn với việc học những làn điệu dân ca truyền thống; từ đó, góp phần gìn giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. 

Bà Vi Thị Hồng được trao giấy khen tại liên hoan Tiếng hát Người cao tuổi xã Yên Khê, Con Cuông.

Không chỉ có niềm đam mê với dân ca Thái, bà Vi Thị Hồng còn dành thời gian cùng với chị em phụ nữ bản Nưa phát huy lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, đó là đan lát các sản phẩm mây tre đan và dệt thổ cẩm. Các sản phẩm váy, áo truyền thống của người Thái qua đôi tay khéo léo của bà Hồng và chị em phụ nữ  bản Nưa đã trở thành những sản phẩm đẹp và là món hàng được yêu thích của khách du lịch mỗi khi về tham quan tại bản Nưa.  

Sản phẩm thổ cẩm bản Nưa được giới thiệu với khách du lịch.

Khi có dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ mong muốn thành lập tổ đan lát ở bản Nưa xã Yên Khê, bà Vi Thị Hồng đã đứng ra thành lập tổ đan lát với vai trò là tổ trưởng. Các sản phẩm đan lát của tổ, làm theo đơn đặt hàng của dự án, bà Hồng đại diện cho tổ đan lát bản Nưa đưa các sản phẩm đi tham gia triển lãm ở nhiều nơi như Hà Nội, Quảng Nam…

Bà Vi Thị Hồng chụp cùng du khách nước ngoài trong một lần đưa sản phẩm đi tham gia triển lãm ở Quảng Nam.

Hiện nay, dưới sự dẫn dắt của bà Hồng, tổ đan lát bản Nưa ngày càng phát triển, làm ra được nhiều sản phẩm đạt đến độ tinh xảo cao và độ khó của sản phẩm cũng ngày một tăng lên. Từ những chiếc túi, chiếc giỏ hay những chiếc ví, chiếc kệ được làm cầu kỳ, đẹp mắt theo đơn đặt hàng để đạt tiêu chuẩn đi xuất khẩu ra nước ngoài. 

Các sản phẩm đan lát của bản Nưa xã Yên Khê.

"Bà Hồng là một hội viên người cao tuổi của xã đã có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội đặc biệt là phong trào thi hát dân ca của Hội người cao tuổi xã, rồi đến việc thành lập tổ đan lát thu hút được nhiều người cao tuổi cùng tham gia. Bà được hội người cao tuổi xã vinh danh Tuổi cao gương sáng, người cao tuổi có nhiều đóng góp cho xã hội và được nhận giấy khen ở xã, ở huyện. Chúng tôi rất ghi nhận, đánh giá cao những việc làm của bà thời gian qua đối với hoạt động của người cao tuổi xã. " - bà Lương Thị Hóa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Yên Khê trao đổi.

 Bà Vi Thị Hồng (người đầu tiên bên phải) đang đan lát cùng các thành viên trong tổ.

Không chỉ đam mê với công tác xã hội, ở nhà bà luôn là một người mẹ, người bà mẫu mực, là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo. Bà có 4 người con, thì hiện nay cả 4 người đều đã có gia đình riêng, con cháu đề huề. Bà vẫn luôn răn dạy con cháu sống làm điều hay, lẽ phải, biết giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp, đặc biệt là luôn chú trọng lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Bà chia sẻ sẽ tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ để làn điệu dân ca sẽ còn mãi với thời gian. "Tôi sẽ tích cực dành nhiều thời gian để truyền dạy cho thế hệ trẻ học hát dân ca Thái, với mong muốn các làn điệu dân ca Thái sẽ được truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác".

 

Hiền Lương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện