Doanh nghiệp tự giới thiệu

6 mẹo trả lời phỏng vấn cho ứng viên ngại giao tiếp

10:20, 16/05/2024
Người ngại giao tiếp sẽ cảm thấy khó khăn, tự ti và lo lắng khi đối diện với nhà tuyển dụng. Họ cũng khó để thể hiện được hết các thế mạnh của mình qua cách diễn đạt. Vì lí do đó người ngại giao tiếp càng cần chuẩn bị chu đáo cho cuộc phỏng vấn, cụ thể là luyện tập nhiều hơn, tham khảo các câu hỏi, tình huống và tìm ra cách trả lời phù hợp nhất.

Nếu bạn thuộc tuýp người ngại giao tiếp thì hãy cùng tham khảo cách trả lời phỏng vấn khi kiếm việc làm mới sau đây nhé.

 

Tìm hiểu và ghi nhớ các thông tin cốt yếu về công ty

Bất kì một ứng viên nào trước khi tham gia phỏng vấn cũng cần tìm hiểu kỹ về công ty mình tham gia ứng tuyển. Điều này càng cần thiết với người ngại giao tiếp, vì người hoạt ngôn sẽ có nhiều cách ứng phó và thể hiện bản thân hoặc tự tin thoải mái trao đổi với nhà tuyển dụng. Họ còn biết cách khơi gợi đề tài linh hoạt trong nhiều tình huống để cuộc phỏng vấn thú vị, còn bạn thì không.

Do đó, khi bạn tìm hiểu kỹ về công ty và ghi nhớ các thông tin cốt lõi, cần thiết bạn sẽ tự tin và bình tĩnh hơn. Những thông tin đó có thể là thông tin về người sáng lập, đội ngũ lãnh đạo, đường hướng phát triển, giá trị - sứ mệnh, văn hóa doanh nghiệp… sẽ giúp bạn biết nhà tuyển dụng là ai, công ty đang ở vị thế ra sao so với các doanh nghiệp trong ngành, họ hoạt động với các tiêu chí như thế nào trong vận hành sản xuất kinh doanh và cả trong việc chọn nhân sự… Bạn sẽ có căn cứ cụ thể và trả lời đúng trọng tâm với các câu hỏi của nhà tuyển dụng.

 

Hiểu rõ các tiêu chí tuyển dụng

Hầu hết các ứng viên đều phải tìm hiểu tiêu chí tuyển dụng. Ứng viên ngại giao tiếp cũng không ngoại lệ. Xem xét, ghi nhớ bảng mô tả công việc và tiêu chí tuyển dụng giúp bạn xác định xem có phù hợp với công việc đó không; bạn đáp ứng được những yêu cầu nào, khả năng thành công là bao nhiêu phần trăm. Nếu thấy đặc thù công việc và tiêu chí tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải giỏi giao tiếp thì bạn nên cân nhắc đến khả năng đáp ứng của bạn. Nếu công việc nghiêng về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm còn kỹ năng giao tiếp chỉ là thứ yếu thì bạn có thể tự tin ứng tuyển.

Bên cạnh đó, khi tìm hiểu kỹ tiêu chí tuyển dụng bạn có thể biết được điều gì được đánh giá cao để tập trung thể hiện những điểm mạnh của bản thân trong khi phỏng vấn.

 

Luyện tập trước một cách nghiêm túc

Sự e ngại trong gia tiếp càng cần bạn phải luyện tập chu đáo và thường xuyên hơn trước khi đến tham dự phỏng vấn.

Việc luyện tập cần nghiêm túc và có mục tiêu rõ ràng. Bạn nên tìm kiếm những câu hỏi phỏng vấn dành cho lĩnh vực – công việc của mình và soạn sẵn câu trả lời, sau đó luyện tập trước nội dung để điều chỉnh phong thái, cách thể hiện, ngữ điệu, giọng nói, âm lượng… Cách làm này giúp cho bạn trả lời tự tin và suôn sẻ hơn khi đối diện với nhà tuyển dụng. 

Ngược lại nếu không có quá trình luyện tập nghiêm túc, bạn sẽ dễ bị bí và “ngậm hột thị” trước các câu hỏi phỏng vấn hoặc không biết cách diễn đạt tốt dẫn đến kết quả phỏng vấn thất bại. 

Chuẩn bị tâm lý vững vàng

Với những người ngại giao tiếp, chuẩn bị một tâm lý vững vàng là điều thực sự cần thiết. 

Bạn nên giữ được tâm thế xem mỗi cuộc phỏng vấn bên cạnh cơ hội công việc là cả quá trình trải nghiệm để bản thân trở nên tốt hơn. Điều này giúp bạn bình tĩnh, giảm căng thẳng, cố gắng tập trung thể hiện thật tốt và không quá lo lắng kết quả.

Kiểm soát tốt cảm xúc của mình sẽ giúp bạn bình tĩnh xử lý vấn đề, chẳng hạn như trả lời được các câu hỏi khó ngoài sự chuẩn bị hoặc ứng phó tốt những tình huống bất ngờ…

Trả lời đúng trọng tâm, nói ngắn gọn súc tích

Khi trả lời phỏng vấn, đừng tự làm khó mình bằng những câu dài dòng vì có khả năng bạn sẽ dễ bị rối và “lạc đề”. Thay vào đó bạn nên đưa ra câu trả lời ngắn gọn nhưng có nội dung rõ ràng, đủ ý, đúng trọng tâm. Bạn nên diễn đạt từ tốn, mạch lạc để thể hiện trọn vẹn được hết ý của mình với nhà tuyển dụng.

Nếu gặp câu hỏi tình huống, bạn cũng nên nói về nội dung chính, phân ý rõ ràng; Không nên kể lể dài dòng lan man. Đặc biệt vấn đề nào không được hỏi đến bạn tuyệt đối tránh đề cập.

Tận dụng ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể là “trợ thủ” đắc lực trong giao tiếp nói chung và phỏng vấn nói riêng. Tận dụng ngôn ngữ cơ thể giúp bạn truyền tải được thông điệp dễ dàng và thu hút hơn.

Ngôn ngữ cơ thể gồm ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ và thái độ của mỗi người… Bạn nên giữ thẳng lưng, thoải mái khi ngồi (không nên cúi đầu hay gù lưng khi ngồi đối diện phỏng vấn viên vì không được đẹp mắt và tạo cảm giác tự ti); bước chân thẳng vững vàng khi đi; ánh mắt nghiêm túc và cởi mở; giữ khoảng cách vừa phải. Ứng viên lưu ý tránh chống cằm, thở dài, ánh mắt lơ đãng nhìn về hướng khác, thiếu chú ý, ngồi duỗi chân, dựa hẳn lưng ngả phía sau…

Người ngại giao tiếp đôi khi kém thu hút sự chú ý với người khác nhưng đó chưa phải là điểm mấu chốt quyết định họ có được nhận việc hay không. Nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn ứng viên dựa vào nhiều tiêu chí và họ cảm thấy phù hợp nhất với công việc. Nếu bạn thuộc kiểu người ngại giao tiếp, đừng quá lo lắng mà nên cố gắng khắc phục và nghiêm túc đầu tư để phần trả lời phỏng vấn được suôn sẻ và có tính thuyết phục. Chúc bạn thành công!

Đặng Hảo
 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện